Một trong những lời khuyên dành cho tất cả mọi người trong mùa dịch Covid-19 chính là việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay sát khuẩn. Do tính tiện lợi nên nước rửa tay có vẻ được ưa chuộng hơn. Chính vì vậy nhiều gia đình đã mua loại nước này về để cả gia đình sử dụng. Cũng có những gia đình tiết kiệm chi phí bằng cách mua cồn y tế ở các hiệu thuốc và tự pha nước rửa tay sát khuẩn.
Dẫu vậy, nếu như các bậc phụ huynh mua phải nước rửa tay sát khuẩn hoặc nguyên liệu pha nước rửa tay không đảm bảo thì chẳng những không diệt được vi khuẩn, virus mà còn khiến cho gia đình có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề nguy hiểm. Nhất là với những gia đình có con nhỏ.
Nguy cơ ngộ độc, thậm chí tử vong nếu mua phải cồn y tế không đảm bảo chất lượng
Để pha được những lọ nước rửa tay, nguyên liệu chính là cồn y tế (ethanol) mua ở các hiệu thuốc, pha với nước, tinh dầu và một số loại gel.
Tuy nhiên hiện nay trên thị trường, trong nhiều nhà thuốc có bán các loại cồn y tế không đúng quy định, không có đăng ký hoặc công bố chất lượng, thành phần. Khi cơ quan chức năng kiểm tra những loại cồn này chứa hàm lượng methanol rất cao. Thậm chí có những sản phẩm hoàn toàn là methanol, không phải ethanol như quy định.
So với ethanol, giá bán cồn methanol rất rẻ nên nhiều nhà sản xuất vì lợi nhuận mà bất chấp nguy hại cho người tiêu dùng.
Cồn ethanol được sản xuất từ việc lên men các nguyên liệu là tinh bột như ngô, sắn… và đường với mức độ tinh chất và không bị lẫn tạp chất được dùng chủ yếu để sát khuẩn khử trùng, tiệt trùng dụng cụ y tế…
Còn methanol sản xuất từ các loại vật liệu có chứa cenlulose, chứa nhiều tạp chất độc hại, đây là chất cực độc với cơ thể con người. Methanol không chỉ gây hại cho người sử dụng khi uống mà khi tiếp xúc vào da, chất độc này cũng thâm nhập qua các vết thương hở. Hít phải methanol cũng có nguy cơ ngộ độc.
Đã có nhiều trường hợp tử vong do uống nhầm phải cồn methanol. Chính vì thế sẽ rất nguy hiểm nếu không may chúng ta mua phải cồn y tế không đảm bảo chất lượng, có hàm lượng methanol cao. Đặc biệt là với các gia đình có trẻ nhỏ, chúng thường hiếu động và tò mò, nếu uống phải loại cồn này hậu quả rất khó lường.
Chưa kể, cồn y tế còn có khả năng bắt cháy, nếu bé nghịch ngợm những chai cồn ở gần khu vực có lửa sẽ rất nguy hiểm. Bố mẹ cần đặc biệt lưu ý để xa những chai cồn ra khỏi tầm tay của các bé.
Để tránh mua phải các loại cồn y tế giả. Các bậc phụ huynh lưu ý chỉ nên mua và sử dụng các loại cồn là sản phẩm của các công ty y tế, có số đăng ký hoặc công bố trên nhãn mác. Mọi người cần đọc kỹ thông tin về đơn vị sản xuất, thành phần trên nhãn mác sản phẩm, số đăng ký sản phẩm, số công bố sản phẩm, hạn sử dụng...
Những lưu ý khi dùng nước sát khuẩn cho trẻ
Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu, thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, thành phần chính của nước rửa tay y tế nói chung và nước rửa tay khô nói riêng thường bao gồm: Ethanol (cồn) có khả năng sát trùng phải đạt 60-70 độ trở lên; Deionized Water (nước tinh khiết); Sodium Lactate (chất hút ẩm); Fragrance (hương liệu tạo mùi/tinh dầu làm thơm); Benzalkonium Chloride (chất diệt khuẩn).
Trong các chất này thì cồn, chất giữ ẩm, tạo mùi, bảo quản, diệt khuẩn... là những chất không được nuốt.
Nếu nuốt phải có thể gây rối loạn tiêu hoá, viêm kết mạc, suy hô hấp, rối loạn nội tiết, tác hại trên hệ sinh sản, gây ung thư... Phản ứng gây hại sẽ của các chất nói trên có biểu hiện khác nhau tuỳ vào mức độ dung nạp của mỗi người và tổng liều tích luỹ.
Bên cạnh đó, chất cồn còn khiến da tay bị khô, bong tróc, căng cứng. Lượng cồn trong nước rửa tay khô có thể khiến bàn tay của trẻ em bị rát, kích ứng, mẩn ngứa, nguy cơ hình thành bệnh dị ứng, viêm da. Để đảm bảo an toàn, cha mẹ nên cho con rửa tay thường xuyên với nước và dung dịch tẩy rửa thích hợp cho da mà con đã quen dùng.
Trong trường hợp trẻ bị khô da, viêm da tiếp xúc khi dùng nước rửa tay sát khuẩn thì bố mẹ nên ngưng sử dụng, chăm sóc dưỡng ẩm da hoặc đưa bé đến khám tại chuyên khoa da liễu.
Về bản chất, làn da trẻ là non yếu và dễ bị kích ứng, nếu sử dụng quá thường xuyên nước rửa tay khô, lượng cồn có trong đó sẽ làm khô da bé và bong tróc. Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Bộ Y tế vẫn khuyến cáo rằng rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước là cách đơn giản, tiết kiệm và hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh tật.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.