Theo quan niệm của người xưa, việc tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là cách để chúng ta xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận trong suốt một năm qua, từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới. Vì vậy những bậc cao niên, ông bà trong gia đình thường nhắc con cháu mua lá mùi già về nấu nước để tắm vào ngày 28, 29 hay 30 tháng Chạp.
Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái. Bạn nên chọn loại cây có thân đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt. Để có được nồi nước thơm tắm cho cả nhà, bó lá mùi được rửa sạch sẽ, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun. Khi nước sôi, mùi thơm từ thân cây mùi, quả mùi tỏa rất hấp dẫn. Thậm chí, sau khi tắm xong mùi hương này vẫn phảng phất hương đến vài ba ngày Tết.
Tắm lá mùi già là phong tục của nhiều gia đình Việt |
Việc tắm lá mùi giúp phục hồi sức khỏe không chỉ là quan niệm của dân gian. Mà trong đông y cũng chỉ ra rằng, lá mùi có vị cay, tính ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh. Hương của lá cây mùi tạo cho ta cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng vô cùng dễ chịu giúp giảm đau nửa đầu, thấp khớp, chữa trị cảm.Không dừng lại ở đó, loại cây này còn có tính sát khuẩn tốt. Tinh dầu rau mùi chứa chất chống oxy hóa cao, có tác dụng giảm viêm trong trường hợp nhiễm siêu vi và vi trùng đường hô hấp, tiêu hóa, viêm đường tiểu. Bởi vậy, tắm nước đun từ hạt hoặc lá mùi có tác dụng làm cho da sạch, chống viêm nhiễm.
Chính bởi những lý do đó, mà tục lệ tắm lá mùi già trong những ngày cuối năm vẫn còn được giữ gìn và thực hiện phổ biến trong mọi tầng lớp nhân dân đến tận ngày nay.
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.