Bài viết dưới đây của Parent coach Linh Phan sẽ là một hướng dẫn chi tiết cho những người bố người mẹ mệt mỏi… vì những tiếng rên rỉ như vậy:
Các nhà nghiên cứu của Mỹ từng chứng minh âm thanh của một chiếc cưa điện đang hoạt động còn không so sánh nổi với những tiếng rên kéo dài "Bố/mẹ ơiiiiiiii" cơ mà. Trong các thí nghiệm, các đối tượng tham gia trải nghiệm phải làm một việc tập trung và cố gắng không chú ý tới tiếng ồn không liên quan. Kết quả cũng không có gì ngạc nhiên lắm: hầu hết đều bị phân tâm bởi tiếng rên của đứa trẻ chứ không phải tiếng cưa đâu. Chỉ có điều là ta càng muốn tập trung, càng muốn bỏ ngoài tai thì tiếng rên ấy lại càng dồn dập hơn. Vậy thôi, còn làm ăn gì được nữa!
Tất cả những đứa trẻ bình thường trên đời này sẽ đều rên rỉ. Người ta cảnh báo bố mẹ về nhiều thứ, nhưng hình như ít ai cảnh báo: "Anh chị hãy cố gắng vượt qua tiếng rên rỉ của con mình nhé". Những đứa trẻ tươi cười hớn hở chỉ có ở trên bao bì sữa bỉm. Còn thực tế, chúng nhõng nhẽo cho tới cả khi lớn lên, tận lúc đã biết tự cắm cơm rửa bát tráng trứng luộc rau cơ đấy.
Thực tế thì trên thế giới vẫn có các chuyên gia tư vấn ủng hộ những phương pháp cổ hủ kiểu time-out, hình phạt và không tuân theo sự phát triển tâm lý bình thường của những đứa trẻ. Những nhà nghiên cứu tích cực hơn thì tin là một đứa trẻ bị nhốt hoặc bỏ mặc không thể tự chữa khỏi được việc rên rỉ, mà ngược lại, đó là thời gian giúp chúng "trau dồi" những tiếng nói giận dữ mới. Mình cũng tin như thế!
Nói chung là muốn điều trị triệu chứng thì phải tìm ra nguyên nhân của nó: đó là những lý do của việc rên rỉ, dù không phải lúc nào chúng cũng rõ ràng.
Dưới đây là 5 lý do khiến lũ trẻ rên rỉ không ngừng và cách xử lý:
1. Rên rỉ vì lý do thể chất
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới những cơn rên rỉ của con trai mình, đặc biệt là vào những ngày thứ 2 (sau khi nghỉ 2 ngày cuối tuần, trở lại đi học và chạy chơi quá sức ở trường và cơ thể chưa bắt nhịp được với sự tiêu hao năng lượng đó). Những buổi chiều thứ 2 thường kết thúc bằng những cơn lèo nhèo van vỉ cảm tưởng không có hồi kết.
Không phải lúc nào cha mẹ cũng có khả năng biết con mình mệt, đau, đói hay khát. Nhưng đó chưa phải điều tồi tệ nhất. Vì điều tệ nhất là chính những đứa trẻ KHÔNG PHẢI LÚC NÀO cũng nhận ra điều gì đang xảy ra. Chỉ là mọi thứ đang rất tệ với chúng, vậy thôi!
Một lời khuyên mình thường đưa ra cho phụ huynh là: cuối giờ chiều rồi, đường huyết đã giảm, bữa phụ thì ăn từ lâu rồi nên con bắt đầu mệt, hãy cho trẻ ăn một quả chuối hoặc 2 chiếc bánh quy hoặc là 1 chiếc kẹo ngọt chẳng hạn. Hãy nhét món đồ ăn vặt vào cặp của con, và dạy con về những tín hiệu của cơ thể rồi tự tìm ra nguồn cơn của những sự khó chịu của mình.
Hãy cho Tin biết tâm trạng của con sẽ xấu đi ngay lập tức nếu con không uống nước trong một thời gian dài. Hay là Na, việc ngồi lâu một chỗ khiến bạn ấy vừa buồn bã vừa u sầu. Hoặc Jun đột nhiên nhận ra chiếc áo sơ mi đang bó sát nách của con quá.
Trong khi con đang than vãn như thể cả thế giới sẽ sụp đổ và không thể tự giúp mình, bạn đừng đổ thêm dầu vào lửa bằng cách quát mắng hay trách phạt con. Hi vọng một chiếc kẹo chocolate có thể làm gián đoạn những bài ca "khải huyền".
2. Rên rỉ vì đằng sau nó là cả một vấn đề thật sự
Có vẻ như mọi thứ đều đã ổn. Ai cũng đã no nê, tắm rửa sạch sẽ nhưng chúng ta vẫn cứ tiếp tục nghe thấy những lời phàn nàn.
Tất nhiên không phải vô cớ mà tự nhiên mang tới cho trẻ em một khả năng thiên bẩm và một phương tiện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ như "Rên rỉ". Thông thường, người lớn không nhận ra những điều nhỏ nhặt nhưng quan trọng đằng sau nó, và rồi họ quát nạt lớn tiếng để lấn át tiếng trẻ rên.
Đằng sau nó có thể là sự ghen tị ở trẻ, là sự lo lắng khi phải xa cách cha mẹ, là sợ "ma" hay "con gì đó ở dưới gầm giường". Và một lần nữa, đứa trẻ không có khả năng hiểu hết nguồn gốc sự lo lắng của chính mình, nên con than vãn như một cách để giải tỏa căng thẳng nội tâm.
Trong cuốn sách "When you Child drives you Crazy" của Eda J.Leshan mình nhớ từng mô tả trường hợp: một ông bố giữ một bé gái trong chiếc phao trên bể bơi, cậu bé ngồi trên bờ không ngừng rên rỉ: có thể là đòi bơi tiếp, có thể muốn một chiếc phao mới… Tóm lại cậu bé đòi thứ gì đó và rất vội vã. Ánh mắt của cậu bé nhìn chằm chằm vào em gái và cánh tay của bố, rõ ràng mục đích không phải ở phao hay chuyện bơi lội, mà là vì ghen tị với em gái mình.
Đứa trẻ sẽ không nguôi ngoai dù có thể bạn đã cảm thấy mọi thứ ổn. Hãy chịu khó quan sát con nhiều hơn. Bất kỳ một vấn đề nào đó trong cuộc sống hàng ngày, dù rất nhỏ, đều có thể mang lại cho trẻ cảm giác bất an và đôi khi là tội lỗi. Hãy nói chuyện với con, trấn an con, đưa ra câu trả lời, những câu hỏi hoặc điều làm con cảm thấy day dứt, kể cả dù đó chỉ là chuyện "con ruồi nó cắn vào trán con thì con có chết được hay không".
3. Rên rỉ để được chú ý
Thông thường trẻ không được phép làm gì đó chúng muốn (chẳng hạn như xem điện thoại, chơi đồ chơi…) thì con sẽ tìm cách để có được sự chú ý của người lớn. Từ góc nhìn của một em bé cao mét mốt thì có vẻ như thà mình bị quát mắng hay nhắc nhở còn tốt hơn là không được chú ý. Góc nhìn này chủ yếu là vô thức nhưng vô tình nó lại hoạt động.
Đối với người lớn không biết cách ứng xử trong tình huống này, hãy nhớ về khái niệm "quality time" nhé. Hãy tự hỏi mình đã dành thời gian chất lượng cho con mỗi ngày, dù chỉ 10-15 phút hay chưa? Đôi khi chúng ta chỉ ngồi bên cạnh trẻ nhưng không thực sự tham gia cùng chúng, không quan sát hay nhìn xem chúng đang làm gì.
Hãy gác lại công việc của mình, ngồi xuống trước con và tìm hiểu con đang chơi gì, trò chuyện với ai… hoặc là xếp hình, ôm ấp, vật tay hoặc đi dạo cùng nhau. Thay vì dán mắt vào màn hình điện thoại thì hãy tạm cất đi và cho con ra ngoài chơi xích đu một lát. Quality time có nghĩa là phải giao tiếp bằng mắt và trực tiếp. Nếu lúc đó không thể chơi với con, hãy nói "Mẹ rất muốn chơi với con, nhưng mẹ đang dở tay để làm (việc gì đó cụ thể). Nếu được con chờ mẹ một lát, mình sẽ chơi xếp hình cùng nhau trước khi ăn tối nhé?".
Hoặc đơn giản nhất đó là hãy kéo con ngồi vào lòng mình, thơm con rồi tiếp tục xử lý nốt công việc đang dang dở.
4. Rên rỉ và than thở là cách mọi người trong nhà giao tiếp với nhau
Mẹ phàn nàn về bố. Bố phàn nàn về sếp. Ông phàn nàn hàng xóm. Bà phàn nàn… con dâu. Làm sao để đối phó khi đó là "gen" than thở?
Hãy nhìn nhận trẻ là một đứa trẻ. Trẻ học qua cách bắt chước từ người lớn. Trẻ học được từ mới từ đâu? Từ nào con học được từ bố mẹ ông bà khi con than thở? Hãy thử làm gương cho con, theo kiểu "Chà, hôm nay đẹp trời thế nhỉ? Mình ra ngoài đi chạy đi". Hoặc ngay cả khi bạn có phát hiện ra chiếc xe đạp của mình đã bị đánh cắp, cũng đừng bực bội quá, vì đó là một ngày nắng đẹp…
5. Rên rỉ vì con không được như kì vọng của người lớn
Chúng ta làm nhiều cách vì bọn trẻ: kiếm tiền cho con học trường xịn, đưa con đi học năng khiếu, thuê gia sư kèm cặp, muốn con biết những môn học cao siêu… "Thế mà con lại nhõng nhẽo như con nít!".
Sự thụt lùi đó là do chúng ta đã hi vọng quá nhiều vào con, đã kỳ vọng quá nhiều vào kế hoạch đưa con mình chinh phục thế giới. Đứa trẻ có thể đã lo lắng quá nhiều vì chúng đọc không đủ nhanh, nhảy không đủ cao hay chỉ vì… quên không chuẩn bị sách vở cho ngày hôm sau.
Hãy để con sống đúng tuổi. Thi thoảng hãy giúp con chuẩn bị ba lô. Hãy nói bố mẹ tự hào về con, dù con thua hay thắng, dù con mắc sai lầm trong những cuộc thi. Đừng bao giờ nói rằng con xấu lắm vì con hay than vãn. Đứa trẻ nào cũng tuyệt vời, chỉ là vì sự rên rỉ đang tấn công chính con. Chỉ cần bố mẹ ở bên con, thì con sẽ dần từ bỏ và đánh bại thói quen khó chịu này.
Giờ thì hãy nhớ lại và phán đoán đi, con bạn rên rỉ vì lý do gì?
Vài nét về tác giả:
Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.
Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.
Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/nguoi-ta-canh-bao-nhung-nguoi-lan-dau-lam-me-rat-nhieu-thu-nhung-co-dieu-quan-trong-nhat-duoi-day-thi-lai-quen-2220201110182652367.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.