Mới đây, trên mạng xã hội Tiktok đang truyền tay nhau một video quay cận cảnh miếng thịt lợn chảy ra dịch trắng khiến người tiêu dùng lo sợ. Cụ thể, khi dùng dao xẻ miếng thịt lợn nạc này, đập vào mắt người xem là những ổ màu trắng, to như đốt ngón tay. Khi dùng tay nặn thì thấy chảy ra một chất dịch màu trắng đặc như mủ.
Người dùng Tiktok kinh hãi khi mua thịt lợn bị áp xe bã đậu
Hình ảnh kinh hãi, có tính gây tò mò cao đã thu hút rất nhiều Tiktoker theo dõi và bình phẩm. Nhiều người cho rằng con lợn này bị ung thư, người khác cho rằng lợn bị áp xe do tiêm kháng sinh quá nhiều, không tiêu hết thuốc, người khác cho rằng thịt lợn nhiễm ấu trùng sán, lợn gạo... Rất nhiều kết luận đưa ra khiến người tiêu dùng lo lắng khi mua phải miếng thịt lợn như vậy.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), hình ảnh như video phản ánh cho thấy lợn có các ổ áp xe. Tuy nhiên, có thể nó không thực sự đáng sợ như những gì bạn đang nghĩ.
Áp xe dạng bã đậu lành tính có thể xuất hiện ở lợn trong quá trình chăn nuôi
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, áp xe bã đậu lành tính là tên gọi của một tổ chức viêm nhiễm. Áp xe dễ dàng được nhận diện trên lâm sàng với các đặc điểm như miếng thịt xuất hiện bọng nhỏ giống như mụn nhọt và khá mềm, khi dùng dao cứa, chúng sẽ vỡ.
Áp xe có thể hình thành ở khắp các vùng trên của cơ thể, có hình thái giống như ổ mụn nhọt. Nhiễm trùng là nguyên nhân trực tiếp và phổ biến nhất gây ra áp xe. Vị trí xuất hiện các ổ áp xe thường chỉ giới hạn ở vị trí tổn thương trên cơ thể con lợn, chứ không lây lan sang các vị trí khác trong cơ thể.
Trong đó, áp xe bã đậu lành tính thường chỉ xuất hiện ở trên những con lợn quá mẫn cảm do bị tiêm phòng vắc- xin hoặc trong quá trình điều trị kháng sinh. Sự tắc nghẽn chất tiết của các tuyến mồ hôi, tuyến bã cũng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Khi đó, vết tiêm hoặc vết tổn thương sẽ sưng lên. Hệ miễn dịch cơ thể con lợn chống lại vi khuẩn sinh ra một chất lỏng gọi là mủ, chứa nhiều vi khuẩn và xác bạch cầu. Vết mủ lâu ngày sẽ dần chuyển sang màu trắng giống như bã đậu.
"Bình thường khi tiêm, vật nuôi có thể xuất hiện hiện tượng sưng, nóng đỏ tại khu vực tiêm. Nhiều con vật tự khỏi nhưng cũng có nhiều con gặp phản ứng hơn bình thường với vắc-xin hoặc thuốc kháng sinh nên bị mưng mủ, lâu dần sẽ thành ổ áp xe, nhìn trông giống bã đậu và nhiều người lầm tưởng là ấu trùng sán", chuyên gia lý giải.
Ở nước ta, ngành chăn nuôi ngày càng phát triển, để phòng trừ dịch bệnh phổ biến, người chăn nuôi thường cho con vật tiêm nhiều mũi vắc-xin. Đây là việc làm cần thiết, quan trọng, đảm bảo cho vật nuôi sinh trưởng, phát triển, phục vụ nhu cầu trong tương lai. Thế nên, khi nhìn thấy hình ảnh áp xe này ở thịt lợn, bạn không cần phải quá lo lắng thịt lợn bẩn, thịt lợn bệnh...
"Cắt bỏ phần thịt có hiện tượng áp xe bã đậu đi, những phần còn lại không bị làm sao, chúng ta vẫn đem vào sử dụng bình thường được. Còn nếu người dân muốn vứt hết đi thì đó là do lựa chọn của người dân nhưng điều này không thật sự cần thiết, gây lãng phí", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.
Làm thế nào để mua được thịt lợn ngon, sạch?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, thịt lợn ngon là thịt của những con lợn đang khỏe mạnh, thịt thường rất tươi, màu sắc miếng thịt hồng tự nhiên, phần mỡ trắng. Còn thịt con lợn bị bệnh sẽ có màu sắc bất thường. Đặc biệt, với thịt lợn có dấu hiệu hỏng thì màu sắc thường nhợt nhạt, tím tái, thâm đen. Cụ thể:
- Màu sắc: Thịt lợn sạch có màu hồng tươi, khi ấn tay vào miếng thịt sẽ thấy ấm và không rỉ nước. Thịt lợn đã tiêm thuốc để bơm nước thì thịt không còn màu hồng, màu nhạt hơn, khi ấn tay vào miếng thịt thì cảm thấy lạnh và nước rỉ ra ngoài.
- Độ săn chắc: Thịt lợn tươi ngon khi sờ vào thớ thịt có cảm giác đàn hồi, màng bên ngoài khô và dính. Trong khi đó, lợn đã bị tiêm thuốc, miếng thịt thường nhão, không có sự đàn hồi.
- Khi chế biến: Thịt lợn ngon khi chế biến sẽ săn lại, khi tẩm ướp gia vị thịt khô ráo, không ra nước. Thịt đã bị tiêm thuốc thì khi nấu, miếng thịt quắt lại, ra nhiều nước, ăn không ngon, mất đi hương vị đặc trưng và mau bị ôi thiu.
- Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh: Thông thường lợn siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5-2cm.
- Thịt lợn có chứa các độc chất ractopamine và clenbuterol thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng.
- Thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn rất có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng.
- Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc.
Ngoài ra, để tránh nguy cơ mua phải thịt lợn bẩn, người tiêu dùng cũng nên mua thịt lợn ở những cơ sở uy tín, có đóng dấu kiểm dịch rõ ràng của cơ quan chức năng, tránh mua ở những hàng quán vỉa hè, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn. Để mua được thịt lợn tươi ngon tốt nhất nên đi chợ vào buổi sáng, vì buổi chiều thường có những loại thịt tồn lại trong ngày.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.