Từ dạy cách xếp hàng…
Nhiều phụ huynh than phiền, bọn trẻ bây giờ thường không có sự kiên nhẫn để chờ đợi. Có trẻ tỏ ra cáu gắt khi mãi chưa đến lượt mình. Có trẻ vì không kiên nhẫn mà bỏ hàng để chen lấn lên phía trên… Thậm chí, nhiều trẻ được bố mẹ đưa đi ăn nhà hàng luôn tỏ thái độ khó chịu nếu món ăn mang ra chậm.
Cô Nguyễn Thị Kim Dung - Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) cho biết, sự kiên nhẫn làm cho trẻ trở thành người dễ chịu, không nổi nóng, biết nhường nhịn người khác, đem lại cho đối phương cảm giác thoải mái.
Trẻ em không tự biết cách kiên nhẫn, điều này đòi hỏi chúng ta cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục và từng chút một. Trong nhiều nhà trường, giáo viên thường chú trọng dạy trẻ kỹ năng xếp hàng từ khi còn nhỏ.
Theo cô Dung, kĩ năng xếp hàng chờ đến lượt là một trong những kỹ năng quan trọng và rất cần thiết, gắn liền với thực tế cuộc sống hàng ngày mà cô giáo cần phải hướng dẫn trẻ. Đây cũng chính là tiền đề tạo thành thói quen tốt cho trẻ sau này lớn lên ra xã hội trở thành người lịch sự, biết ứng xử văn minh nơi công cộng.
Đối với trẻ mầm non còn nhỏ, cô giáo cần lưu ý phương pháp dạy trẻ xếp hàng. Cô giáo chọn khu vực có không gian rộng, ít đồ đạc để đảm bảo việc xếp hàng không bị gián đoạn.
Hướng dẫn trẻ xếp hàng là tạo lập khu vực quy định. Giáo viên đánh dấu mốc bắt đầu giúp trẻ dễ dàng xác định vị trí đứng. Trong quá trình tạo lập hàng, cô giáo nên chú ý khoảng cách đứng giữa mỗi trẻ để tránh tình trạng trẻ đứng chen chúc, xô lấn bạn.
Trẻ thường có xu hướng tranh giành vị trí đứng đầu bởi tâm lí muốn trở thành người quan trọng nhất. Đây là trong những vấn đề khó khăn mà giáo viên mầm non thường gặp phải khi hướng dẫn trẻ xếp hàng.
Cách thức để giải quyết vấn đề này là chỉ định sẵn trẻ đứng đầu để làm mẫu giúp các trẻ khác nắm được cách thức xếp hàng. Bên cạnh đó, cô nên thay đổi luân phiên và tăng tầm quan trọng của vị trí đứng khác để giảm bớt sự chú ý của trẻ vào vị trí đầu hàng.
Tiếp theo, giáo viên cần để trẻ tự giác xếp hàng. Sử dụng những đặc điểm bên ngoài hay hoạt động của trẻ trong ngày để gợi ý trẻ tự biết xác định vị trí đứng của mình.
Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng thẻ đeo ghi số thứ tự hoặc tô màu khác nhau làm dấu hiệu để trẻ làm quen với màu sắc và con số. Việc để trẻ tự giác xếp hàng không chỉ giúp việc hướng dẫn trở nên dễ dàng mà còn tạo cho trẻ tính tự lập, tư duy nhạy bén và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Hàng ngày ở lớp, trẻ cũng thường xuyên được ôn luyện, củng cố kĩ năng xếp hàng chờ đến lượt thông qua nhiều hoạt động.
Ví dụ như xếp hàng rửa tay, xếp hàng lấy cơm, xếp hàng tập thể dục, xếp hàng khi lên xuống cầu thang, xếp hàng khi ra dạo chơi ngoài trời… Trẻ còn được trải nghiệm xếp hàng khi được nhận quà của cô giáo.
Đến những trò chơi đơn giản
Cô giáo Nguyễn Thị Liên, Trường Mầm non Ninh Khánh (Ninh Bình) cho rằng, đối với trẻ từ 1 đến 6 tuổi, cần có các trò chơi để rèn tính kiên nhẫn.
Theo đó, cha mẹ có thể cho trẻ chơi trò cắt ghép tranh. “Người lớn có thể chuẩn bị cho con các bức tranh về phong cảnh, đồ vật… rồi cắt bức tranh ra thành các mảnh ghép nhỏ rồi cho trẻ ghép. Mức độ tăng dần từ dễ đến khó.
Trò chơi này có thể áp dụng cho gia đình có 2 – 3 con nhỏ để tạo sự thi đua giữa các con. Gia đình có 1 bé, cha mẹ tạo cuộc thi giữa bé và cha mẹ để tạo sự hứng thú cho bé”, cô Liên hướng dẫn.
Thực tế, nhiều cha mẹ không cho phép con chơi kéo. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng nên cho trẻ 2 tuổi trở lên học cách dùng kéo. Mẹ có thể cho con dùng kéo thủ công không sắc nhọn và đảm bảo an toàn trong lúc chơi. Yêu cầu trẻ ngồi yên khi chơi, không đứng lên, không chạy nhảy.
Đưa cho trẻ một vài tờ giấy để trẻ tập cắt, làm các đồ thủ công đơn giản hoặc cắt thành những dải giấy dài. Trò chơi này giúp con học được sự khéo léo và tính kiên nhẫn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng rèn luyện thói quen dùng thìa, đũa sẽ giúp trẻ học kỹ năng khéo léo và kiên nhẫn.
Cùng với đó, người lớn có thể cho trẻ chơi trò ghép hình. Trẻ tìm điểm đến của một bức hình, cha mẹ có thể chuẩn bị 1 tấm hình của các thành viên trong gia đình. Sau đó cho bé dán vào các vị trí để tạo thành bức tranh gia đình hoàn chỉnh.
Khi bé tự làm thứ gì đó một mình, con buộc phải suy nghĩ và tìm ra cách chơi tốt nhất, nếu không bé hoàn toàn phải chơi lại. Việc này giúp con phát huy óc sáng tạo, trí tưởng tượng, và đặc biệt là có thời gian suy nghĩ thấu đáo. Đây cũng là một trong những cách có thể rèn tính kiên nhẫn cho bé.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia giáo dục, các thiết bị điện tử như tivi, máy tính bảng, điện thoại thông minh đều không tốt cho sự phát triển óc sáng tạo, trí tưởng tượng của trẻ.
Những thiết bị này thường cung cấp những chương trình giải trí nhanh chóng và dễ khiến trẻ bị lệ thuộc. Những trẻ có thói quen sử dụng các thiết bị điện tử thường nảy sinh tâm lý cáu gắt, chán nản, thiếu sự kiên nhẫn và tập trung.
“Bên cạnh việc cho trẻ tham gia các hoạt động thực tế, một số bộ phim hoạt hình hay sách, truyện cũng có thể giúp trẻ hiểu về tính kiên nhẫn. Giống như hầu hết các hành vi khác, kiên nhẫn là học cách điều chỉnh cảm xúc.
Trẻ cần hiểu rằng không phải lúc nào trẻ thích gì là được đó. Cha mẹ hãy cho trẻ biết bạn hiểu cảm xúc của con, sau đó giải thích lý do tại sao trẻ cần phải kiên nhẫn”, cô Liên nhấn mạnh.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.