Những cơn ho rút ruột
Anh Th. 35 tuổi,bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức Bệnh viện Covid-19 TP Thủ Đức (do Bệnh viện TP Thủ Đức phụ trách). Khi ấy hai phổi anh tổn thương trắng xóa, nồng độ oxy máu mao mạch (SpO2) lúc ngồi tụt xuống 60-65%.
Anh Th. là trường hợp gặp tình trạng thiếu oxy máu thầm lặng, nồng độ oxy máu giảm thấp nhưng lại không cảm thấy khó thở nhiều, vẫn dung nạp được oxy lưu lượng cao qua thở máy không xâm lấn (HFNC), SpO2 đạt 80-85% nếu kết hợp nằm sấp. Trường hợp của anh Th. nếu không cố gắng tập thở thì khả năng cao phải đặt nội khí quản.
Anh Th. đã cố gắng tập thở và dần phục hồi, thở oxy qua mũi. Sau gần 1 tháng điều trị Covid-19, anh Th. được xuất viện nhưng sức khỏe khá yếu, đi lại chưa vững, chỉ tự làm vệ sinh cá nhân.
Anh Th. bị những cơn thiếu oxy thầm lặng, thở nặng nhọc, SpO2 dao động 88-92%. Những cơn ho bất chợt đến khi thiếu oxy, ho từ 20 – 30 phút, cơn ho tưởng như rút hết sức lực, đau thắt ngực, tai ù đi. Có lúc anh phải ôm ngực, dựa lưng vào tường, thở hổn hển như cố lấy từng chút oxy bằng miệng.
Các bác sĩ cho biết anh Th. bị tổn thương phổi và phải mất từ 3 đến 4 tuần phục hồi. Hàng ngày, anh vẫn phải tập thở, tập thể dục nhẹ nhàng để tăng sức bền.
Bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM.
Hơn 200 di chứng
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Ái – điều hành đơn vị Điều trị Hậu Covid – 19 Bệnh viện quốc tế Minh Anh, TP.HCM, hầu hết những người mắc Covid-19 trở nên khỏe hơn chỉ trong vòng vài tuần kể từ khi nhiễm bệnh, tuy nhiên với một số người lại gặp phải các tình trạng hậu Covid-19 khiến chất lượng cuộc sống suy giảm.
Theo bác sĩ Ái, bệnh nhân sau khi mắc Covid-19 có thể gặp một loạt các vấn đề về sức khỏe mới, còn gọi là di chứng Covid-19, hội chứng Covid-19 kéo dài, Covid-19 hậu cấp tính… Không ít bệnh nhân sau khi trải qua một thời gian dài vật lộn với Covid 19, sau khi đã âm tính thì hành trình tập luyện (có khi phải tiếp cận với y tế) để hồi phục hoàn toàn sức khỏe mới thật sự bắt đầu.
Có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới về di chứng hậu Covid-19, tạp chí Y khoa E Clinical Medicine của The Lancet hồi giữa tháng 7/2021, đưa ra những dữ liệu toàn diện về các triệu chứng dai dẳng hậu Covid-19.
Nghiên cứu này khảo sát 3.762 bệnh nhân Covid-19 tại 56 quốc gia, từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2020 cho thấy, trung bình bệnh nhân gặp 56 triệu chứng khác nhau.
Tổng cộng, 203 loại di chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan của cơ thể, như sương mù não, ảo giác, mệt mỏi, run và ù tai...; 1/3 triệu chứng tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh trong ít nhất sáu tháng kể từ khi khỏi Covid-19. Khoảng 22% số người được khảo sát cho biết họ không thể làm việc hoặc bị sa thải sau khi mắc Covid-19; 45% người phải giảm cường độ làm việc.
Theo một khảo sát tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM công bố ngày 20/9, cho thấy, 53,3% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Những bệnh nhân từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và tỷ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%.
Và với quá trình tư vấn cho bệnh nhân F0 (đang điều trị và sau điều trị) do các bác sĩ đảm trách đã tiếp nhận và trả lời rất nhiều câu hỏi liên quan về vấn đề này, tập trung vào các triệu chứng sau đây:
- Khó thở hoặc hụt hơi
- Mệt mỏi, chóng mặt tư thế
- Khó chịu sau gắng sức
- Khó suy nghĩ, khó tập trung
- Ho
- Đau đầu, đau ngực, dạ dày
- Tim đập nhanh, đánh trống ngực
- Đau cơ, đau khớp
- Cảm giác tê bì
- Tiêu chảy
- Gặp vấn đề về giấc ngủ
- Sốt
- Phát ban
- Thay đổi tâm trạng
- Thay đổi về vị giác và khứu giác
Để lấy lại trạng thái cân bằng, bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Ái khuyên bệnh nhân khi có dấu hiệu di chứng sau điều trị Covid-19nên :
- Tránh làm việc gắng sức
- Tập thể dục với cường độ tăng dần, từ các bài giãn cơ đến đi bộ
- Tập thở giúp phục hồi chức năng phổi
- Tư vấn tâm lý
- Điều trị ổn bệnh nền đi kèm
Và khi các triệu chứng đau ngực, khó thở, chóng mặt không được cải thiện, mất ngủ kéo dài, hãy nghĩ đến việc đến một đơn vị y tế để được khám và điều trị giúp cơ thể lấy lại sức khỏe một cách hiệu quả nhất – BS Ái khuyến cáo.
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.