Hoa khôi đầu tiên đất Nam Kỳ
Cuộc thi hoa hậu đầu tiên tại Việt Nam do người Việt tổ chức vào năm 1865 mang tên Miss Sài Gòn. Tuy mang tên Miss Sài Gòn nhưng cuộc thi đã nhận thí sinh của cả miền Nam lúc bấy giờ. Có gần 100 cô gái ghi tên tham dự. Kết quả là cô Ba (con gái của một thầy thông tên Chánh), làm nghề thư ký giành vương miện. Sau khi đeo vương miện hoa hậu, người Pháp đã đề nghị cô Ba chụp ảnh trong trang phục áo tắm nhưng đều bị từ chối.
Sau đó, chân dung của cô Ba, một hình ảnh đẹp đằm thắm, nhu mì của phụ nữ thuần Việt được in tên con tem với nhiều giá khác nhau, bán với số lượng rất lớn. Rồi chân dung của cô cũng được in trên bánh xà bông, lọ nước hoa của hãng Trương Văn Bền. Một sản phẩm thương hiệu Việt nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu qua Singapore, Malaysia, Cambodia, Lào… đánh dạt các loại xà bông, nước hoa của Pháp và Hongkong nhập khẩu.
Chân dung cô Ba in trên hộp của hãng xà bông nổi tiếng. |
Trong cuốn “Sài Gòn tạp pín lù” của học giả Vương Hồng Sển, tác giả giới thiệu vẻ đẹp của cô Ba rất kiêu sa: “Kể về người đẹp trong Nam, xưa hơn hết, có cô Ba, con thầy Thông Chánh. Cô đẹp không ai bì, đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Cô đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Nhà thơ Dây thép (Bưu điện), và một hiệu buôn xà bông xin phép họa hình làm mẫu rao hàng: Xà bông Cô Ba. Muốn biết danh tiếng bực nào xin ráng tìm các bà cỡ 1900 hỏi lại”.
Sinh ra trong gia đình vương giả, sắc đẹp và nổi tiếng, nhưng cuối đời cô Ba rơi vào bi kịch. Cô sống khép kín khi cưới biện lý Tây Jaboin. Năm 1893, cha cô và chồng mâu thuẫn. Cô bắn chết chồng và bị Tòa đại hình Mỹ Tho xử tử ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh.
Nguyễn Hữu Thị Lan lúc 18 tuổi, trước khi trở thành Nam Phương Hoàng Hậu |
Bi kịch của hoa hậu Ðông Dương
Có rất ít tư liệu viết về một người phụ nữ nổi tiếng xinh đẹp, 3 năm liền giành danh hiệu Hoa hậu Đông Dương, đó là Nam Phương Hoàng Hậu (tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, quê ở đất Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà được miêu tả có một vẻ đẹp “chim sa cá lặn”, cái tên Nam Phương cũng chính do chồng bà là vua Bảo Đại đặt khi bà được phong hoàng hậu.
Phần thưởng cho hoa hậu là một chiếc xe Lambretta, một kiềng 1 lượng vàng, 3 ngàn tiền mặt (tương đương 10 lượng vàng lúc đó) và một chuyến du lịch đi Mỹ.
Theo Hồi ký Con rồng An Nam của Bảo Đại thì “…Tôi đã chọn tên cho hoàng hậu mới là Nam Phương, có nghĩa là hương thơm của miền Nam. Và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng, màu dành riêng cho Hoàng đế…”. Với sự sủng ái và biệt đãi như vậy, có thể hình dung ra vẻ đẹp toàn mỹ của bà hoàng này. Các hình chụp bà vào năm bà 18 tuổi tuy đã ngả màu theo thời gian cũng cho ta thấy một vẻ đẹp sang trọng, quý phái với khuôn mặt phúc hậu, nụ cười ẩn chứa một nét kiêu sa, đôi mắt như có một màu tím sâu thăm thẳm, xa xôi.
Trở thành vợ của vua một nước, những tưởng cuộc đời bà đầy danh vọng lẫn quyền lực, nhưng hóa ra lại đau khổ, cô đơn và thăng trầm cho đến những năm tháng cuối đời. Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, Bảo Đại thoái vị, nhà Nguyễn suy vong, bà Nam Phương đưa các con sang Pháp sinh sống. Trong cơn bạo bệnh bất ngờ ập tới, bà đã ra đi ở tuổi 49. Đám tang bà vắng vẻ, không tiếng khóc than, không lời ai điếu. Nấm mộ bà đơn sơ đặt trong nghĩa trang của nhà thờ ngay tại Chabrignac.
Nhan sắc Thu Trang - Công Thị Nghĩa ngày đăng quang hoa hậu. |
Cuộc đời thăng trầm
Tiếp đến, cuộc thi hoa hậu năm 1955 (do Bộ Xã hội của chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức ngày 20/2/1955, nhân dịp lễ Kỷ niệm Hai Bà Trưng), được tổ chức tại rạp Lido (Chợ Lớn) mới đánh dấu chính thức cho các cuộc thi hoa hậu của miền Nam sau này. Người đoạt ngôi hậu là Công Thị Nghĩa cũng trở thành một tên tuổi trí thức, hoạt động cách mạng nổi tiếng về sau. Cuộc thi này không phần thi trình diễn áo tắm vì dư luận lúc ấy không cho phép, các cô gái dự thi cũng chưa có lối sống, ý tưởng… cởi mở như hiện nay.
Công Thị Nghĩa (sinh năm 1932, quê Hà Nội, di cư vào Nam trước năm 1954) đạt các chỉ số đo rất lý tưởng (vào thời đó): Cao 1,61m, nặng 53kg, số đo ba vòng là: 86-62-88. Vào Nam, Công Thị Nghĩa liền cuốn hút và trưởng thành trong các phong trào đấu tranh đô thị của sinh viên học sinh lúc bấy giờ. Rồi cô trở thành một điệp báo viên hoạt động bí mật tại nội thành với bí danh Tư Nghĩa. Khi tổ điệp báo này bị lộ, Tư Nghĩa bị bắt, ra tòa án binh Pháp vào năm 1952. Được luật sư Nguyễn Hữu Thọ (sau này là Phó Chủ tịch nước) bào chữa, một năm sau cô Tư Nghĩa được trả tự do. Ra tù, cô tiếp tục hoạt động dưới hình thức một nhà báo, viết cho nhiều báo với bút danh Thu Trang.
Và Thu Trang đến với cuộc thi hoa hậu với tư cách là một ký giả, đi làm tin về cuộc thi. Cuộc thi tổ chức không có vòng sơ khảo. Hơn 30 thí sinh đều vào thẳng chung khảo vì lượng người đăng ký tham gia ít. Khi ký giả Thu Trang làm việc với ban tổ chức, các thành viên ban giám khảo đều nhận ra vẻ đẹp lộng lẫy, mặn mòi của… nhà báo liền “dụ” bà tham gia cuộc thi. Năm đó Thu Trang vừa tròn 23 tuổi.
Được bạn bè ủng hộ, động viên, Thu Trang liều mình tham gia và đoạt ngay ngôi hậu. Cuộc thi này chỉ có phần thi áo dài, áo dạ hội và ứng xử. Cách đối đáp sắc sảo, thông minh, dí dỏm, chân tình của cô nhà báo đã chinh phục hoàn toàn tình cảm của ban giám khảo. Phần thưởng cho hoa hậu là một chiếc xe Lambretta, một kiềng 1 lượng vàng, 3 ngàn tiền mặt (tương đương 10 lượng vàng lúc đó) và một chuyến du lịch đi Mỹ.
Hoa hậu Công Thị Nghĩa là tác giả cuốn sách Du lịch văn hóa ở Việt Nam. |
Rồi Thu Trang tham gia đóng phim (phim Lục Vân Tiên, đạo diễn Tống Ngọc Hạp, bà đóng vai Kiều Nguyệt Nga). Nhân cơ hội một số nhà làm phim Pháp mời cô qua đóng phim, cô học tiếng Pháp, thi vào chuyên ngành cao học lịch sử phương Đông của Đại học Sorborne. Cô đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại trường này với đề tài “Những hoạt động của Phan Chu Trinh tại Pháp”. Sau này, Thu Trang cũng là tác giả cuốn “Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp từ năm 1917 đến 1923”.
Năm 1967, Thu Trang cùng với đạo diễn Tống Ngọc Hạp sang Nhật để lồng tiếng cho bộ phim Lục Vân Tiên. Một hoa hậu “sắc nước hương trời” cùng với một người đàn ông đào hoa đã khiến hai người xích gần nhau hơn nơi xứ người… khiến cô có thai. Ngày đó, việc có thai với một người đàn ông đã có vợ bị xã hội “ném đá” khủng khiếp. Về nước, Thu Trang quyết tâm giữ lại cái thai và sinh một người con đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên. Cái tên này là sự hoài niệm, lưu dấu một mối tình chóng vánh nhưng đầy ngang trái. Và Công Thị Nghĩa gần như giấu kín quá khứ, những người tiếp xúc chỉ biết bà là một tiến sỹ sử học ở Pháp.
Năm 1957 cũng đánh dấu một cột mốc, đó là việc tổ chức thi hoa hậu quốc tế đầu tiên tại Sài Gòn. Cuộc thi có sự tham gia của các người đẹp đến từ Ấn Độ, Hongkong, Cambodia, Lào…Cuộc thi này chỉ thi áo dài truyền thống Việt Nam và ứng xử.
Theo hoahau.tienphong.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.