Thay đổi về cơ thể
3 tháng đầu tiên là thời gian quan trọng nhất của thai kỳ. |
Mang bầu thường có biểu hiện rõ nhất vào tuần thứ 5 và thứ 6 của thai kỳ. Nếu bạn nghĩ rằng mình đã có thai, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để xác định chắc chắn. Khi đã có kết quả chính xác, bạn cần lên kế hoạch ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý bởi 3 tháng đầu tiên là giai đoạn quan trọng nhất của thai kỳ. Lúc này thai chỉ mới hình thành, còn khá yếu, chính vì vậy bạn cần lưu ý trong ăn uống và các hoạt động hàng ngày để tránh ảnh hưởng tới thai kỳ.
Thời gian mang thai thường được tính từ ngày cuối cùng của kỳ kinh gần nhất. Trong 3 tháng đầu tiên này là lúc thai nhi có nhiều thay đổi nhất. Thông thường, đến tuần thứ 6 là phôi thai đã có kích thước bằng hạt đậu, bắt đầu có tim thai. Đến hết tháng thứ 3 thì các cơ quan, bộ phận trên cơ thể đã dần dần được hình thành. Lúc này thai đã lớn bằng quả táo, tim thai cũng được phát hiện rõ ràng hơn qua ống nghe chuyên dụng.
Trong 3 tháng đầu mang thai, do cơ thể phải cung cấp nhiều máu hơn cho thai nhi nên sẽ xuất hiện những cảm giác mệt mỏi, luôn thấy đói và thèm những món ăn mà mình không bao giờ nghĩ tới, trong khi những món trước đây rất thích thì lại hoàn toàn thờ ơ. Bên cạnh đó, mẹ bầu trong giai đoạn này cũng thường cảm thấy chóng mặt, hay đau đầu, buồn nôn và thường xuyên buồn đi tiểu.
Những dưỡng chất cần cung cấp trong 3 tháng đầu mang thai
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 3 tháng đầu. |
Trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, mẹ bầu chỉ cần bổ sung thêm 200-300 calo mỗi ngày để có thể tăng từ 1-2,5kg. Một số dưỡng chất cần thiết mà bạn cần bổ sung là:
Axit folic: Axit folic có tác dụng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cột sống và bộ não của em bé. Chính vì vậy, ngay từ khi có ý định mang thai, chị em nên bổ sung thêm axit folic cho cơ thể.
Sắt: Trong thời gian mang thai, cơ thể phải cung cấp nhiều máu hơn cho thai nhi. Do đó, thiếu máu trong giai đoạn này là điều không thể tránh khỏi. Để con thông minh hơn và cơ thể người mẹ bớt mệt mỏi hơn, bạn đừng quên bổ sung những thực phẩm chứa nhiều sắt vào bữa ăn hàng ngày.
Canxi: Canxi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển xương của bé. Nếu trong thời gian mang thai bạn không bổ sung đủ lượng canxi cần thiết, rất có thể bé sẽ "hút" canxi từ mẹ và làm bạn bị loãng xương sau khi sinh. Vì vậy, trong thời gian thai nghén, đặc biệt trong 3 tháng đầu tiên, mẹ bầu cần bổ sung thêm thật nhiều canxi để con phát triển khỏe mạnh nhé.
Protein: Trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu cần bổ sung khoảng 70g protein mỗi ngày để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho con phát triển khỏe mạnh và an toàn.
Tránh ăn gì trong 3 tháng đầu mang thai?
Những thực phẩm nên và không nên sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ. |
Không chỉ là trong khi mang thai mà trước khi có ý định mang thai, bạn cũng nên điều chỉnh một số chế độ ăn uống cũng như nghỉ ngơi sao cho hợp lí.
Nhiều người thường có thói quen ăn rất mặn. Điều này không những không tốt cho cơ thể mà còn có thể dẫn đến huyết áp cao, sưng phù khi mang thai, ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và bé.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại cá có nguy cơ chứa thủy ngân cao như cá thu, cá mập, cá kiếm,... cũng có thể gây tổn thương đến não bộ của thai nhi. Chính vì vậy, trong thời gian mang thai, các mẹ cần tránh ăn các loại thực phẩm có chứa thủy ngân để bảo vệ con khỏi những tác hại mà nó mang lại.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng không nên sử dụng những thực phẩm đã được bác sĩ và các chuyên gia chỉ định là không tốt cho thai nhi như các loại củ, quả đã mọc mầm bởi chúng chứa nhiều chất độc hại, không tốt cho thai nhi. Những sản phẩm từ bơ, sữa chưa qua tiệt trùng; cá, thịt, trứng tái; thức ăn đã ôi thiu, có mùi lạ cũng không được phép sử dụng vì những thực phẩm này chứa rất nhiều các loại vi khuẩn không tốt cho sự phát triển của thai nhi. Tránh ăn những loại thức ăn có khả năng gây động thai như đu đủ xanh, táo mèo, long nhãn, ớt, rau sam,... Nên lựa chọn những thực phẩm an toàn cho sức khỏe, sơ chế và chế biến cẩn thận trước khi sử dụng.
Khi đang mang thai, bạn cũng không nên sử dụng nhiều đồ uống có cồn. Những chất độc trong rượu, bia có thể qua cơ thể mà xâm nhập trực tiếp vào thai nhi và gây hại cho con, có thể khiến bé chậm phát triển hoặc bị dị dạng một số bộ phận trong quá trình phát triển. Bên cạnh đồ uống có cồn, đồ uống có gas, chứa cocain, cafein cũng hoàn toàn không tốt cho thai nhi. Cafein có thể gây hại cho phôi thai, dẫn đến khả năng sảy thai cao. Ngoài ra còn kìm hãm sự hấp thu sắt và kẽm của mẹ bầu, làm tình trạng thiếu máu trở nên nghiêm trọng hơn. Cocain cũng phá vỡ các vitamin, khiến cho phụ nữ mang thai thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và táo bón.
Quan hệ an toàn trong 3 tháng đầu mang thai
Cả vợ và chồng đều cần lưu ý khi quan hệ trong thời gian mang thai. |
Trong thời gian mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, các cặp vợ chồng cần biết cách quan hệ sao cho hợp lí để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Vấn đề này tưởng chừng như rất đơn giản nhưng nhiều cặp vợ chồng đã không cẩn thận mà để lại những hậu quả đáng tiếc.
Trong 3 tháng đầu mang thai, cơ thể phụ nữ thường xuất hiện những triệu chứng nôn nghén, chán ăn, mệt mỏi, do đó ham muốn cũng bị giảm đi phần nào.
Bạn cần hiểu rằng trong thời gian mang thai, bộ phận sinh dục nữ thường chứa nhiều máu và có khuynh hướng to lên, mềm ra, dễ giãn rộng và sâu hơn. Tuy nhiên, khi quan hệ tình dục, âm đạo vẫn có thể tiết dịch nhầy làm trơn niêm mạc trong khi cổ tử cung vẫn hoàn toàn đóng kín. Quan hệ trong thời gian này, dương vật sẽ không thể tiếp cận tới bào thai, tinh dịch cũng không thấm vào trong tử cung được do cổ tử cung đã bị nút nhầy đóng chặt. Tuy vậy, bạn vẫn cần chú ý tránh giao hợp quá sâu hay các tư thế đè nén vào tử cung làm kích thích âm đạo quá mức.
Nếu trong thời gian mang thai, cơ thể sản phụ xuất hiện những triệu chứng như ra huyết ở âm đạo, bị chuột rút nhiều, cổ tử cung yếu, đau và khó chịu phần phụ,... thì nên dừng ngay việc quan hệ và đến gặp bác sĩ để được kiểm tra kịp thời.
Những trường hợp không nên quan hệ khi mang thai
Có tiền sử sảy thai: Nếu bạn đã có tiền sử một vài lần sảy thai trước, tốt hơn hết nên tránh quan hệ trong 3 tháng đầu mang thai. Sau 3 tháng đầu tiên, nếu bác sĩ chỉ định thai nhi đã hoàn toàn an toàn và khỏe mạnh thì mới nên quan hệ lại.
Cổ tử cung không khỏe: Cổ tử cung yếu thường do sảy thai hoặc sinh nở trước đó để lại. Trong trường hợp này, bạn cũng nên kiêng "chuyện ấy" trong suốt thời gian mang bầu.
Có khả năng sinh non: Nếu trước đây bạn từng sinh non hay có những triệu chứng co thắt tử cung thì việc quan hệ cũng nên hoãn lại trong suốt thời gian thai kỳ.
Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân: Một số phụ nữ khi mang thai thường bị chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân, hay bị chuột rút,... cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa sản để được khám thai và tư vấn về vấn đề quan hệ trong khi mang thai.
Mắc bệnh nhau tiền đạo: Nhau tiền đạo hay bất kỳ vấn đề nào gặp phải ở nhau đều sẽ được bác sĩ chỉ định tránh quan hệ để không gây chảy máu nhau thai.
Rò rỉ nước ối: Khi bị rò rỉ nước ối có nghĩ là thai nhi của bạn đang không được bảo vệ an toàn trong túi nước ối. Quan hệ trong thời gian này rất nguy hiểm và dễ gây nhiễm trùng cho bé.
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.