UBND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tối 18/12 ban hành công văn hoả tốc về việc điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng cấp độ 3 để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn quận trong tuần qua có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện các khu vực dân cư có số ca mắc tăng nhanh tại các phường Phố Huế, Bạch Mai, Cầu Dền, Đống Mác, Đồng Nhân, Lê Đại Hành, Thanh Nhàn, Thanh Lương.
Theo đánh giá cấp độ dịch ngày 17/12 của UBND TP. Hà Nội, quận Hai Bà Trưng thuộc cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao). Cụ thể, 1 phường ở cấp độ 3, 11 phường cấp độ 2 và 6 phường cấp độ 1.
Dừng bán hàng ăn uống tại chỗ
Để kịp thời triển khai các biện pháp an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng trong cộng đồng, UBND quận Hai Bà Trưng yêu cầu thực hiện nghiêm một số nội dung kể từ 12h ngày 19/12:
- Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về.
- Dừng các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời.
- Hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin; các đơn vị căn cứ số lượng công việc và mức độ lây lan dịch bệnh để tổ chức phương án làm việc phù hợp, khuyến khích các đơn vị tổ chức cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc luân phiên.
- Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Phòng họp phải thông thoáng và khử khuẩn trước khi tổ chức, hạn chế dùng điều hòa trung tâm, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách...
Từ 12h ngày 19/12, quận Hai Bà Trưng dừng bán hàng ăn uống tại chỗ
- Học sinh lớp 12 các trường Trung học phổ thông, Trung tâm GDNN - GDTX tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy - học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.
- Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự thực hiện các hoạt động trực tuyến, trong trường hợp thực hiện bằng hình thức trực tiếp cần tuân thủ các điều kiện như: Có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Không tập trung quá 20 người. Tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR. Xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
100% người tham dự đã tiêm đủ liều vaccine/ đã khỏi bệnh Covid-19. Những người thuộc diện cách ly/ theo dõi sức khỏe/ có triệu chứng nghi ngờ Covid-19 không tham gia hoạt động trực tiếp.
- Các cơ sở lưu trú đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
- Điểm tham quan du lịch: Đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR. Mỗi đoàn không quá 10 người. Cán bộ, nhân viên phục vụ được tiêm đủ liều vaccine/ đã khỏi bệnh Covid-19.
Vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết
- Duy trì chế độ ứng trực thường xuyên, hoạt động của các Tổ Covid cộng đồng.
- Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.
- Tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý đến các khu vực nguy cơ cao: Khu chung cư, cơ sở khám chữa bệnh, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở giao nhận hàng hóa, nơi tập trung đông người...
- Kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm các quy định.
- Thực hiện rà soát, thống kê danh sách những người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, người chống chỉ định tiêm vaccine phòng Covid-19, người chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 để tổ chức tiêm ngay, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho các đối tượng nêu trên.
- Thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại hộ gia đình, khu chung cư, khu nhà ở cho thuê trọ, ký túc xá sinh viên, trụ sở làm việc, hội họp, trên phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Quan tâm chăm lo kịp thời đời sống, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, khu vực cách ly y tế.
Trước đó, sau khi chuyển sang cấp độ 3, từ 12h ngày 13/12, UBND quận Đống Đa cũng đã yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán hàng mang về. Đồng thời, địa phương này cũng vận động người dân không ra đường khi không cần thiết.
Quận Hoàn Kiếm cũng yêu cầu 5 phường thuộc "nguy cơ cao" tạm dừng các hoạt động, dịch vụ không thiết yếu, hạn chế hoạt động sự kiện tập trung đông người từ 12h ngày 19/12.
Cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến hết ngày 18/12), Hà Nội có tổng 25.653 ca, trong đó 9.765 ca cộng đồng và 15.888 người đã được cách ly. Liên tiếp trong 4 ngày (từ 15 đến 18/12), thành phố vượt 1.000 ca mắc/ ngày, từ 1.300 đến 1.400 ca.
Hà Nội vừa ban hành chỉ thị hỏa tốc, yêu cầu các địa phương khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhất là trong dịp cuối năm.
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.