Vương Cường sinh năm 1985 ở Thiên Tân, Trung Quốc. Năm 3 tuổi, Vương xuất hiện các triệu chứng xuất huyết não, vàng da, viêm não và bại não. Cậu không thể nói chuyện, đi lại và trí não kém phát triển hơn bạn bè cùng trang lứa. Ông Vương Bảo Trụ, bố của Vương Cường kể lại, năm đó vợ chồng ông đã mang con chạy chữa khắp nơi nhưng đều vô vọng. Tuy nhiên, ông Vương quyết không đầu hàng trước số phận.
Hành trình điều trị bệnh bại não cho con của người bố vĩ đại
Năm con trai 6 tuổi, ông Vương quyết định bỏ công việc ở nhà máy, bỏ ý định sinh con thứ hai để toàn lực nuôi dạy cậu con trai bệnh tật.
Mỗi lần đưa con đến viện, ông Vương đều chăm chú quan sát, học hỏi cách điều trị từ bác sĩ. Ông còn mua rất nhiều sách y học về thần kinh con người, các huyệt đạo để nghiên cứu. Ngoài ra, ông đăng ký tham gia khóa huấn luyện massage tại Bệnh viện Đại học Thiên Tân rồi tự thực hành các bài tập trên cơ thể mình và vợ.
Dần dần, ông tự xây dựng một liệu pháp điều trị kết hợp thuốc cổ truyền Trung Quốc và thuốc Tây. Mỗi ngày, bố Vương dành khoảng 3 tiếng để massage đầu, chân tay và lưng cho con trai. Ông giúp con tập vật lý trị liệu và luyện nói.
Bên cạnh đó, ông lên thực đơn ăn uống riêng phù hợp với thể trạng của con trai, đa số đều là các món có lợi cho não bộ.
Sau 3 năm kiên trì, cuối cùng con trai ông Vương cũng có tiến triển. Các ngón tay của Vương Cường có thể duỗi thẳng và cậu bắt đầu tập đi, tập nói, phản ứng dần linh hoạt hơn, tay chân bắt đầu phối hợp với nhau. Không chỉ vậy, cậu còn cộng trừ được đến 100.
Năm 9 tuổi, Vương Cường được bố mẹ cho theo học tại một trường tiểu học ở địa phương. Tuy tiếp thu còn chậm nhưng kết quả vẫn khá tốt. Song song với việc học, Cường được bố mẹ dạy chơi cờ tướng để luyện tập trí não. Cậu thậm chí giành giải nhất trong một giải đấu cấp địa phương.
Thế nhưng trong mắt bạn bè, Cương vẫn chỉ là đứa trẻ ngốc và thường xuyên bị trêu chọc, bắt nạt, đánh đập. Ông Vương khi ấy động viên con: "Nếu không muốn bị bắt nạt, hãy trở nên thật mạnh mẽ!". Sau đó ông quyết định dạy con tập quyền anh.
Tự làm "bao cát" để dạy con thành tài
Vương Cường bắt đầu học quyền anh từ năm 13 tuổi. Đây là môn thể thao đòi hỏi sự phối hợp thể chất nên là thách thức khá lớn với cậu bé từng mắc chứng bại não. Để giúp con, ông Vương bắt đầu dạy cậu bé các bài tập nhảy dây trước để nâng cao thể chất. Dù là bài tập đơn giản nhưng Vương phải mất nửa năm mới luyện tập được.
Để tăng khả năng chiến đấu của con, Vương Bảo Trụ tự hy sinh thân mình làm “bao cát” để con tập quyền. Trên người ông lúc đó đầy những vết thâm tín. “Lần nghiêm trọng nhất tôi bị đấm tổn thương thủy tinh thể, bị ngất phải cấp cứu”, ông bố vĩ đại kể lại.
Kể từ đó mắt phải của ông Vương về cơ bản không nhìn thấy gì.
Sau một thời gian dài luyện tập, dần dần Vương Cường đã đạt được một số thành tích nhỏ. Song vì không phải là võ sĩ chuyên nghiệp nên cậu chỉ có thể xin tham gia một số giải nghiệp dư. Khi ban tổ chức biết Vương Cường là bệnh nhân bại não, họ thậm chí từ chối cho cậu tham gia giải đấu. Một số đơn vị vẫn chấp nhận nhưng nhiều đối thủ tỏ ra khó chịu khi phải đấu với Vương Cường.
Năm 2012, Vương Bảo Trụ đưa con đến Thượng Hải, tham gia một khóa đào tạo huấn luyện viên quyền anh. Cường sau đó trở thành bệnh nhân bại não đầu tiên trên thế giới có chứng chỉ huấn luyện viên quyền anh, từ đó mở đường đến với quyền anh chuyên nghiệp.
Cuối năm 2014, Vương Cường giành giải vô địch đấm bốc quốc gia tại tỉnh Hà Bắc. Năm 24 tuổi, chàng trai bại não năm xưa thành lập một câu lạc bộ đấm bốc. Giống như bố, Vương Cường tự biến mình thành “bao cát” để dạy học trò.
Chia sẻ trước truyền thông, Vương Cường bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với công ơn dưỡng dục của bố mẹ và mong muốn đền đáp hai người thật xứng đáng. Cường khi vọng câu chuyện của bố con anh sẽ truyền cảm hứng cho các gia đình có con em mắc bệnh khác.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.