Phụ huynh nhiều nước cũng 'đau đầu' vì lạm thu

(lamchame.vn) - Ngoài học phí, nhiều trường tại một số quốc gia còn 'đẻ' thêm một số khoản phí trở thành gánh nặng cho không ít phụ huynh.

Phụ huynh nhiều nước cũng đau đầu vì lạm thu - Ảnh 1.

Đầu năm học, phụ huynh ở nhiều nước cũng phải tính toán đủ đường các khoản tiền trường thu - Ảnh: ALAMY

Theo India Times, tại thành phố Navi Mumbai (Ấn Độ), nhiều phụ huynh phản ánh về tình trạng tăng học phí tại một số trường trên địa bàn nhưng không có lý do rõ ràng. 

Ông Sunil Choudhari - chủ tịch Hiệp hội phụ huynh Navi Mumbai - cho biết nhiều trường tăng học phí 15% trong năm học này so với năm học trước, dù những ảnh hưởng về kinh tế của đại dịch vẫn còn đó.

Đáng nói hơn, dự kiến từ năm 2023 - 2024, học phí sẽ lại tiếp tục tăng thêm 15%. Theo ông Sunil Choudhari, ngoài việc trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền của các gia đình vốn bị thiệt hại sau COVID-19, một trong những lý do khiến tình hình căng thẳng là lý do tăng học phí của các trường đưa ra không rõ ràng và có nhiều khoản không hợp lý. 

Chẳng hạn có trường nói sẽ trích một phần tăng học phí để phát triển trường, nhưng không nêu rõ sẽ phát triển gì, phát triển thế nào, trong thời gian bao lâu.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh tại Lagos - thành phố lớn nhất của Nigeria - cho rằng họ thường phải trả những khoản tiền không rõ ràng mà trường đưa ra. 

Phụ huynh John Akinluyi cho biết tiền thu có phần tổ chức tiệc tùng trong trường. Bữa tiệc cuối năm 2021 mà con ông dự ở trường được trường tính đến khoảng 25 USD, khoảng 600.000 đồng, cho mỗi học sinh.

Trên trang báo điện tử Vanguard (Nigeria), ông John Akinluyi cho rằng một số trường ở Lagos còn "tống tiền" phụ huynh bằng những khoản tiền từ học phí, học bạ đến phí xây dựng và phát triển, thậm chí cả phí… chuyển ngữ tài liệu. 

Ông chia sẻ dường như đang thiếu vắng sự hiện diện của các cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát các khoản thu này tại nhiều nơi ở Nigeria.

Phụ huynh nhiều nước cũng đau đầu vì lạm thu - Ảnh 2.

Học sinh tại UAE - Ảnh: Khaleej Times

Tại Kuwait, tờ Kuwait Times ghi nhận một hình thức lạm thu qua… bài tập. Nhiều phụ huynh phản ánh một số trường tăng cường giao bài vở cho học sinh sau dịch COVID-19, trong đó rất nhiều bài được cho là không liên quan gì đến môn học. 

Để hoàn thành "đống" bài ấy, học sinh sẽ phải mua thêm dụng cụ học tập hoặc đăng ký sử dụng ngoài giờ những phòng ốc, trung tâm của nhà trường.

Bà Um Fahad - mẹ của một học sinh trung học đang theo học tại một trường công lập - cho rằng một số khoản tiền đã không được thông báo đầu năm học, chỉ phát sinh khi số lượng bài tập, bài kiểm tra tăng cao. 

Bà cho biết học kỳ vừa rồi phải đóng khoảng 390 USD, hơn 9 triệu đồng, để trường in ấn tài liệu và bài tập cho con.

Tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Cơ quan Phát triển Nhân lực và Tri thức (KHDA) của Dubai bắt đầu công bố bảng danh mục trực tuyến, giới thiệu chi tiết những khoản thu tại các trường tư thục của Dubai. 

Ngoài học phí, danh mục này sẽ trình bày chi tiết các khoản phụ phí khác trường yêu cầu, chẳng hạn như đưa đón học sinh, những hoạt động ngoại khóa, những khoản phí cho công nghệ thông tin, sách vở trong suốt một năm.

Các trường sẽ có nhiệm vụ cùng với KHDA chuẩn hóa và minh bạch thông tin về những khoản tiền phụ huynh phải đóng, công khai trên cả trang web của KHDA và của các trường. 

Theo trang Gulf News (UAE), trước đây nhiều trường học tại Dubai đã chủ động cung cấp thông tin về những khoản thu đầu năm này tuy nhiên không ít trường lại tìm cách giấu đi hoặc thông báo chưa rõ ràng, khiến cho nhiều phụ huynh không thể có so sánh giữa các trường đầu năm học.

Ngoài ra, danh mục thu chi này cũng sẽ trình bày những khoản giảm giá ở mỗi mục cho từng đối tượng học sinh. Điều này sẽ giúp cho phụ huynh có thể biết được những khoản thu mình được miễn giảm. 

Đồng thời, phụ huynh cũng có thể so sánh, đối chiếu học phí lẫn nhau và so với những năm trước. 

"Khi có sự minh bạch về phí, cả phụ huynh và nhà trường đều có thể tập trung tốt hơn vào sự phát triển của trẻ", TS Abdulla Al Karam - tổng giám đốc KHDA - cho biết.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang