Phút chạnh lòng của bác sĩ hiếm muộn: "Người vợ điều trị 2-3 lần chưa được, chồng đã đi cưới người khác"

(lamchame.vn) - Hơn 25 năm ươm mầm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, BS. Hồ Mạnh Tường cùng vợ là PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan đã điều trị cho hàng chục ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn, giúp họ có được niềm hạnh phúc được làm cha, mẹ như bao gia đình bình thường khác.

Ngày càng nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn

Xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ thường có khuynh hướng trì hoãn việc lập gia đình, đặc biệt là có con cái. Ở độ tuổi trước 30, chị em thường dành nhiều thời gian cho công việc, sự nghiệp, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính được BS. Hồ Mạnh Tường - Trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản, BV Mỹ Đức, kiêm Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM chỉ ra trước thực trạng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, khó có con.

Cùng với vợ là PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, BS. Hồ Mạnh Tường được biết đến là một trong những người tiên phong thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở Việt Nam. Hơn 25 năm theo đuổi công việc, BS. Tường cho biết trong độ tuổi sinh sản tốt thì hiện nay, người phụ nữ lại dành nhiều thời gian cho công việc, sự nghiệp…, đến lúc cảm thấy đầy đủ về khả năng, thích hợp mới có con. Xu hướng có con trễ ngày một nhiều hơn dẫn đến tỷ lệ hiếm muộn cũng tăng lên.

"Về mặt tự nhiên, người phụ nữ mang thai dễ, an toàn, thích hợp cho việc sinh em bé là từ 20 - 30 tuổi. Sau 30 tuổi, khả năng sinh sản bắt đầu chững lại và giảm dần, đặc biệt sau 35 tuổi giảm rất nhanh.

Mặc dù độ tuổi sinh sản của người phụ nữ kéo dài cho đến lúc mãn kinh nhưng chỉ có khoảng hơn 10 năm là giai đoạn tốt nhất cho việc mang thai. Ước tính hiện nay, hơn 10% các cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản ở Việt Nam có thể bị hiếm muộn. Như vậy, cả nước có thể có hơn 1 triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn", BS. Hồ Mạnh Tường nói.

Phút chạnh lòng của bác sĩ hiếm muộn: Người vợ điều trị 2-3 lần chưa được, chồng đã đi cưới người khác - Ảnh 2.

BS. Hồ Mạnh Tường cho biết ngoài nguyên nhân xu hướng lập gia đình, có con trễ của các cặp vợ chồng, bệnh lý của người vợ, người chồng cũng làm gia tăng tỷ lệ hiếm muộn. Hiện nay, nguyên nhân gây hiếm muộn xuất phát từ người chồng cũng tăng lên, gần tương đương so với người vợ.

"Theo các thống kê trên thế giới, số lượng tinh trùng của nam giới có khuynh hướng giảm dần, dựa vào kết quả so sánh lượng tinh trùng giữa những người đi khám trong thời gian gần đây so với trước kia có xu hướng giảm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc khó có con của các cặp vợ chồng", BS. Hồ Mạnh Tường nói.

Mặc dù chưa thể kết luận được chính xác nguyên nhân dẫn đến chất lượng tinh trùng của nam giới có xu hướng giảm nhưng theo BS. Hồ Mạnh Tường, độ tuổi, ô nhiễm không khí, thực phẩm, nước uống, môi trường sống, công việc gây stress, áp lực cuộc sống… cũng là một phần dẫn đến chất lượng tinh trùng ở nam giới giảm đi.

Phút chạnh lòng của bác sĩ hiếm muộn: Người vợ điều trị 2-3 lần chưa được, chồng đã đi cưới người khác - Ảnh 3.

BS. Hồ Mạnh Tường cùng vợ là PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (bìa trái) là một trong những người áp dụng kỹ thuật IVF đầu tiên tại Việt Nam (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Suốt hơn 25 năm gắn bó với công việc giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn tại Việt Nam thắp lên hi vọng có được con cái, BS. Hồ Mạnh Tường cho biết so với những năm đầu kỹ thuật IVF được triển khai ở Việt Nam, hiện nay việc điều trị hiếm muộn đã dễ dàng, phổ biến hơn với khoảng 50 bệnh viện, cơ sở y tế có thể thực hiện kỹ thuật IVF. Đặc biệt so với các nước trong khu vực, kỹ thuật IVF được thực hiện tại Việt Nam nhiều hơn, tỷ lệ thành công tương đương với các nước phát triển, ước tính đã có hơn 100.000 trẻ ra đời ở Việt Nam từ việc thụ tinh trong ống nghiệm.

Cùng với 2 bé Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo, cách đây 25 năm, vào ngày 30/4/1998, bé gái Phạm Tường Lan Thy (được biết đến là hotgirl ống nghiệm) với chữ lót Tường - Lan (Mạnh Tường - Ngọc Lan) được cha mẹ em đặt tên thay cho lời cảm ơn đối với 2 bác sĩ trực tiếp tham gia vào việc thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là 3 em bé được thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam, đánh dấu sự thành công cho công trình nghiên cứu trong nhiều năm của nhiều bác sĩ, nhân viên y tế BV Từ Dũ.

Theo BS. Hồ Mạnh Tường, trong những năm đầu thực hiện kỹ thuật IVF, khó khăn chồng chất khó khăn từ việc thiếu thốn máy móc, thuốc men đến kinh nghiệm, cho nên tỷ lệ thành công chỉ khoảng 15-20%. Mặc dù gặp nhiều trở ngại nhưng nghĩ đến những cặp vợ chồng có thể bỏ nhau, hạnh phúc gia đình tan vỡ chỉ vì hiếm muộn, thêm nữa các nước trên thế giới đã thực hiện kỹ thuật này từ mấy chục năm trước, đó là động lực để BS. Tường cùng với Ê-kíp quyết tâm thực hiện cho bằng được.

"Hiện nay thì ngành IVF ở Việt Nam phát triển không thua các nước trong khu vực, thậm chí một số kỹ thuật còn tốt hơn", BS. Hồ Mạnh Tường tự hào nói.

"Người vợ điều trị hiếm muộn 2-3 lần chưa được thì chồng đã đi cưới người khác"

So với thời gian đầu kỹ thuật IVF có mặt tại Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM cho biết các cặp vợ chồng hiếm muộn hiện nay không phải chờ đợi lâu nữa, chi phí IVF ở Việt Nam thấp hơn so với các nước. Đặc biệt, đội ngũ y bác sĩ có tay nghề giỏi, kỹ thuật máy móc hiện đại… cũng tăng khả năng điều trị hiếm muộn tại Việt Nam.

Phút chạnh lòng của bác sĩ hiếm muộn: Người vợ điều trị 2-3 lần chưa được, chồng đã đi cưới người khác - Ảnh 4.

BS. Hồ Mạnh Tường cho biết đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn ở tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn

"Vấn đề lớn nhất của các cặp vợ chồng hiếm muộn hiện này là kỹ thuật IVF thường tốn kém, nhất là đối với các cặp vợ chồng ở tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa, điều kiện tài chính eo hẹp. Ngoài ra, áp lực về tâm lý do tình trạng hiếm muộn, thời gian điều trị kéo dài, mãi chưa có con… cũng đè nặng lên các cặp vợ chồng hiếm muộn", BS. Hồ Mạnh Tường chia sẻ.

Theo BS. Tường, một cặp vợ chồng hiếm muộn phải vượt qua rất nhiều rào cản mới có thể bước đi trên hành trình tìm con. Thời gian, tiền bạc, sức khỏe, sự nghiệp… rất nhiều thứ xung quanh chi phối, tác động. Cơ hội điều trị hiếm muộn của những cặp vợ chồng ở xa các trung tâm y tế lớn (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng) dường như rất thấp.

Phút chạnh lòng của bác sĩ hiếm muộn: Người vợ điều trị 2-3 lần chưa được, chồng đã đi cưới người khác - Ảnh 5.

"Có một trường hợp chị ấy đến điều trị 2-3 lần nhưng chưa được. Sau đó chị ấy quay lại và nói giờ em có muốn làm nữa cũng không được bởi chồng em đi lấy vợ khác rồi.

Rồi có trường hợp trước đây khi kinh tế còn khó khăn, một cặp vợ chồng ngoài Bắc vào TP.HCM để điều trị. Họ kể tụi em vô đây là nguyên một cái làng ngoài đó mọi người hùn tiền lại, nếu mà điều trị không thành công thì không dám về luôn.

Rồi có trường hợp người chồng bị ung thư, tâm nguyện cuối đời của người chồng là có con trước khi nhắm mắt… Đó cũng là những áp lực khi thực hiện công việc này, mình cảm thấy có lỗi khi chưa thể mang lại niềm vui trọn vẹn cho người khác", BS. Hồ Mạnh Tường xúc động.

Trải qua hơn 25 năm tâm huyết với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, hơn ai hết, BS. Hồ Mạnh Tường hiểu được trách nhiệm công việc mà bản thân đang thực hiện. Những lời cảm ơn, động viên của các cặp vợ chồng hiếm muộn chính là liều thuốc tinh thần vô cùng quý giá cho đội ngũ y bác sĩ.

Phút chạnh lòng của bác sĩ hiếm muộn: Người vợ điều trị 2-3 lần chưa được, chồng đã đi cưới người khác - Ảnh 6.

Phút chạnh lòng của bác sĩ hiếm muộn: Người vợ điều trị 2-3 lần chưa được, chồng đã đi cưới người khác - Ảnh 7.

BS. Hồ Mạnh Tường cùng vợ hơn 25 năm qua đã trực tiếp điều trị cho hàng chục ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn, giúp họ thắp lên hi vọng có con

"Khi một cặp vợ chồng hiếm muộn có con, niềm vui không chỉ đến với 2 vợ chồng mà còn đến với bạn bè, dòng họ, người thân xung quanh, trong đó có cả y bác sĩ thực hiện.

Những người lúc trước không có khi vọng có con, họ tìm đến mình dù biết tỷ lệ thành công rất thấp nhưng họ vẫn muốn thực hiện. Họ chia sẻ riêng việc đi điều trị hiếm muộn đã cho họ một niềm hi vọng, chính niềm hi vọng đó là động lực để họ tiếp tục hành trình tìm con.

Đối với những cặp vợ chồng khó khăn về mặt kinh tế, chương trình 'Ươm mầm hạnh phúc' của BV Mỹ Đức mỗi năm điều trị miễn phí cho khoảng 100 cặp vợ chồng hiếm muộn, giúp họ có thêm hi vọng được trở thành cha, thành mẹ như những cặp vợ chồng bình thường khác", BS. Hồ Mạnh Tường chia sẻ.

Theo BS. Tường, hiện nay kỹ thuật IVF ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh để giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có được hạnh phúc đủ đầy của một tổ ấm gia đình.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị hiếm muộn, khó khăn lớn nhất là việc các cặp vợ chồng tiếp cận điều trị hiếm muộn trễ vì nhiều lý do. BS. Tường mong muốn các cặp vợ chồng cần cân đối các mục tiêu trong cuộc sống để làm sao có con càng sớm càng tốt, nhất là đối với sự phát triển của đứa trẻ sau này.

Phút chạnh lòng của bác sĩ hiếm muộn: Người vợ điều trị 2-3 lần chưa được, chồng đã đi cưới người khác - Ảnh 8.

"Các cặp vợ chồng hiếm muộn gặp áp lực rất nhiều từ gia đình, xã hội, từ những người thân xung quanh. Chúng tôi khuyên rằng đối với những người thân của các cặp vợ chồng hiếm muộn, cách hỗ trợ tốt nhất là ĐỪNG HỎI GÌ HẾT.

Nghĩa là đừng hỏi thăm, đừng có làm áp lực thì cặp vợ chồng sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Bản thân các cặp vợ chồng hiếm muộn, việc có con đã là áp lực rồi, đôi khi dù đó là lời động viên nhưng cũng khiến cặp vợ chồng đó gặp áp lực hơn rất nhiều. Các cặp vợ chồng hiếm muộn tự họ biết họ sẽ phải làm gì", BS. Hồ Mạnh Tường chia sẻ.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang