Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bao gồm 11 chương, với 141 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Trong đó có nội dụng về giảm số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống 15 năm. Đây là một trong những nội dung quan trọng được người lao động (NLĐ) quan tâm, tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Thời điểm đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu là khi nào?
Đối với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:
Theo quy định tại Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định để được hưởng lương hưu thì người lao động cần đáp ứng điều kiện về tuổi nghỉ hưu cũng như là số năm đóng bảo hiểm xã hội.
Trong đó, số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu ít nhất từ đủ 15 năm trở lên kể cả nam và nữ.
* Quy định nêu trên không áp dụng đối với đối tượng hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động (Điều 65 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).
Đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện:
Theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.
Đồng thời, căn cứ tại Điều 140 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì thời điểm đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu là từ 1/7/2025.
Mức lương hưu hằng tháng là bao nhiêu?
Đối với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:
Theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định mức hưởng lương hưu hằng tháng như sau:
- Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
- Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
*Lưu ý: Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng là người lao động thuộc một số nghề, công việc đặc biệt đặc thù trong lực lượng vũ trang nhân dân do Chính phủ quy định. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước.
Đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện:
Theo quy định tại Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định mức hưởng lương hưu hằng tháng như sau:
- Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
- Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Ngoài ra, việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện như sau:
- Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
- Điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.