Sài Gòn mùa dịch khó khăn, chàng Hip Hop dancer nấu cơm tặng người khuyết tật vì tình yêu với người mẹ khiếm thị

Biết nhiều người khuyết tật như mẹ anh khó tự xoay xỏa giữa mùa dịch, đặc biệt khi toàn thành phố đang giãn cách theo Chỉ thị 16, anh Huân cùng gia đình nấu cơm phát miễn phí tới tận tay họ.

Chàng dancer và người mẹ khiếm thị

Chu Văn Huân (SN 1989, quận Gò Vấp, TP.HCM) và mẹ không phải là những gương mặt xa lạ. Trước đó, anh chính là cậu con trai đưa người mẹ khiếm thị của mình đi thi khiêu vũ tại Vietnam's Got Talent năm 2016 và khiến nhiều người rơi nước mắt. Huân đi thi nhưng không đặt nặng chuyện hơn thua, chỉ mong hai mẹ con có một kỷ niệm đẹp. 

Những mặc cảm không nên có thời thơ ấu từng khiến anh cố che giấu việc mình là con của một người khuyết tật. Đưa mẹ tới cuộc thi tài năng này, anh muốn bày tỏ lòng biết ơn với mẹ của anh.

Chàng trai Gò Vấp phát cơm miễn phí tới tận hang cùng ngõ hẻm:

Chu Văn Huân và mẹ trong cuộc thi Vietnam's Got Talent năm 2016.

Như những cậu bé khác, sợ xấu hổ với bạn bè nên Huân chẳng mấy khi để bạn bè biết mình có 1 người mẹ khiếm thị. Cũng nhiều lúc Huân cự cãi mẹ, dù trong lòng rất phục mẹ. Mẹ dù khiếm thị nhưng ý chí rất mạnh, làm việc gì cũng không sợ, không ngại, một tay nuôi Huân lớn, chăm sóc và dành điều tốt nhất cho anh. Tính cách này một phần đã truyền sang anh.

Sau này lớn lên, lúc nhìn mẹ đi lại trong nhà cụng đầu vào chỗ này chỗ kia bươu trán, bươu đầu cũng là chuyện bình thường. Mẹ cũng biết đi xe đạp thật chậm vì dù mẹ không nhìn thấy gì nhưng vẫn thấy 1 chút màu đục nên đi xe bằng... quán tính. Cũng có lúc mẹ sang đường nguy hiểm, Huân nhìn mà ứa nước mắt.

Mẹ không nề hà bất cứ nghề gì miễn có thể kiếm ra tiền để nuôi Huân ăn học. Dù mẹ khiếm thị nhưng vẫn tự tay làm mọi việc, chăm sóc anh lớn lên. Đến lúc nhìn lại, Huân thấy mẹ mình thật vĩ đại, hơn cả nhiều bà mẹ khác. Huân thay đổi và cố gắng để bù đắp cho mẹ bằng tình yêu thương và cuộc thi năm ấy đã là một kỷ niệm đẹp với hai mẹ con.

Chàng trai Gò Vấp phát cơm miễn phí tới tận hang cùng ngõ hẻm:

Chu Văn Huân, chàng dancer phát cơm miễn phí cho người khuyết tật quanh khu vực anh sống.

Huân là một dancer. Trước đây cũng được giải lớn giải nhỏ, cũng ra nước ngoài thi đấu vì anh có niềm đam mê hiphop. Hiphop đã giúp Huân bớt nóng tính, kiên nhẫn và biết nghĩ hơn. Dù nhiều người cho rằng đội nhảy hiphop hầu như toàn đứa hư hỏng.

Mẹ tuy khiếm thị, không biết chữ nhưng mẹ cũng mê âm nhạc và điều kỳ diệu là mẹ cũng thích khiêu vũ. Vì vậy, Huân quyết định phải cùng mẹ nhảy để vượt qua chính mình, để có một kỷ niệm đẹp của hai mẹ con. Đây cũng là lúc để Huân xám hối cho những ngày mặc cảm vì có một người mẹ khuyết tật và "đưa mẹ ra ánh sáng" rồi tự hào nói rằng mình đã có một người mẹ tuyệt vời như thế.

Những ngày dịch bệnh, Sài Gòn giãn cách theo Chỉ thị 16, nhìn mẹ khiếm thị hôm đó lại bị cụng đầu đau điếng giống như nhiều lần khác. Huân nghĩ: "Mình lành lặn như thế này xoay xỏa cho cuộc sống giờ còn khó. Vậy còn những người khuyết tật như mẹ vào lúc này mà không có cả người thân ở bên thì làm thế nào?". Huân đã bàn với mẹ rồi cùng bạn bè, gia đình nấu cơm và đi tới những hang cùng ngõ hẻm phát miễn phí cho người khuyết tật.

"Mẹ còn có tôi, những người khuyết tật ngoài kia chỉ có một mình"

Mẹ là người khiếm thị, nhưng mẹ còn có Huân và cô, dì, chú, bác trong gia đình. Có rất nhiều người khuyết tật ngoài kia chỉ sống lẻ loi trong khi Sài Gòn thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16. Họ biết nhờ ai giúp nếu tay chân không có, mắt cũng chẳng thấy gì. Trong cộng đồng của mẹ, mẹ kể có những người chỉ ăn cơm trộn mắm qua ngày.

Từ năm 2012, Huân bị chấn thương tay trong một lần bị tai nạn, Huân vẫn nhảy, nhưng đây không còn là 1 công việc để anh kiếm cơm 100% nữa. Hiện giờ anh có tham gia dạy nhảy và phụ giúp cùng cùng gia đình bán cháo, bán hàng nước… cuộc sống chỉ gọi là tàm tạm. Các cô, dì, bác là anh chị em của mẹ ở Sài Gòn khá nhiều nên mọi người cũng đùm bọc nhau.

Khi dịch bệnh xảy đến, cô Huân đang có hàng cháo sườn, bảo đằng nào cũng không bán hàng được thì làm gì đó từ thiện giúp người. Thế là gia đình anh mỗi người 1 tay 1 chân tổ chức nấu cơm phát cho những người nghèo khổ. Lúc đó cách làm vẫn là nấu và để cơm trước nhà để cho người nghèo, người vô gia cư cần đến lấy và mang cơm ủng hộ khu cách ly.

 
 
 
 
 

Gia đình anh Huân chuẩn bị cơm để phát cho người khuyết tật.

Còn lần này Huân nhìn sang mẹ và thương hơn những người khuyết tật. Anh biết xuất cơm của gia đình cần được đưa đến địa chỉ khẩn thiết hơn. Khi nói với mẹ dự định này, mẹ Huân vui mừng lắm.

Tuy nhiên, làm thế nào để mang cơm đến tận tay những người khuyết tật khi phần lớn họ ở trong hang cùng ngõ hẻm, việc tìm nhà và đưa đến đúng địa chỉ là khó khăn. Mẹ Huân cũng có cộng đồng của mình, những người khiếm thị truyền địa chỉ cho nhanh bằng tai. Tuy nhiên, giờ ai ở yên nhà nấy, các khu vực khá mù mờ nếu chỉ nghe theo miêu tả, nhưng Huân vẫn cố gắng tìm ra để đưa cơm đến cho họ.

 
 
 
 

Đưa từng xuất cơm tới đúng địa chỉ dù tận hang cùng ngõ hẻm quận Gò Vấp, TP.HCM.

Huân kể: “Có 1 ông đã già rồi bị khiếm thị như mẹ, trong người có bệnh lại còn không có con cháu gì ở cạnh. Lúc mang cơm đến phát, ông nói ông chỉ lấy 1 suất cơm thôi vì ông bị bệnh nên không ăn được nhiều, tủ lạnh cũng không có, vậy nhường cho người khác nữa. Ông ngày ăn 1 phần cơm là được rồi. Mình cũng thấy mắt cay cay”.

Lịch nấu cơm bình thường của gia đình Huân là dậy từ 3-4 giờ sáng để chuẩn bị sơ chế nguyên liệu và nấu, đóng gói để kịp giờ mang cơm cho bà con. Huân cũng chẳng ngại đôn đáo phụ giúp, làm shipper hay xử lý các công việc liên quan đến gọi người chung tay cùng gia đình.

Hiện nay, gia đình Huân đã phát được 3-4.000 ngàn suất cơm trong vòng hơn 10 ngày, mỗi ngày 300-500 suất, mỗi suất đầy đặn cơm, rau, canh và món mặn... Ngày 19/7 anh không phát được cơm do nhà hết lương thực, thực phẩm. Bù lại Huân lại xin được tài trợ thanh long nên anh mang quả phát cho mọi người, anh cười:

"Cũng đỡ vì hôm nay nhiều người mong tôi tới mà không có gì cũng thương".

Rất nhiều người khuyết tật đang cần sự trợ giúp

Hiện tại Huân vẫn kêu gọi từ các mạnh thường quân để nhờ mọi người chung tay cùng gia đình mình để có cơm cho những người khuyết tật trong những ngày hơn bao giờ hết đồng bào cần tương thân tương ái. Đôi lúc anh cũng ước giá mình có điều kiện hơn để có thể chủ động nấu cơm phát cho người khuyết tật đủ trong thời gian họ cần hỗ trợ này.

Huân tâm sự: “Người khuyết tật vốn lòng tự trọng cao. Họ cũng khổ quen rồi nên sẽ không hé răng đâu. Nhưng có đến tận nơi mới biết họ đang cần lắm sự trợ giúp dù là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Có những người đã cụt cả chân cả tay lại còn khiếm thị nữa nên họ rất khó xoay xỏa trong lúc này.

Có gia đình một chú khiếm thị phải nuôi 2 cháu nhỏ. Một nhà khác lại bị di truyền, cả 5 người lớn và 2 trẻ nhỏ đều khuyết tật. Mình cũng mong có thể nhận được nhiều hơn sự ủng hộ từ mọi người để chung tay giúp những người khuyết tật. Đây là mình mới chỉ làm trong phạm vi quận Gò Vấp thôi và cũng chỉ là được 1 số điểm mình biết tới, còn rất nhiều nơi khác ngay trong quận này mình vẫn chưa có khả năng tìm đến họ. Thêm nữa, ở các khu vực khác cũng vậy, nơi nào cũng có người khuyết tật cả".

Huân cho biết sẽ gắng hết sức để hỗ trợ nhiều hơn nữa những người khuyết tật đang chịu cảnh nghèo đói.

Chàng trai Gò Vấp phát cơm miễn phí tới tận hang cùng ngõ hẻm:

Một người khiếm thị lúc Huân đưa cơm đến.

Dù hiện tại anh không giàu, nếu không muốn nói rằng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Huân biết mình còn lành lặn thì vẫn còn làm ra được.

"Dù tôi cũng lo cho sức khỏe của mình nhưng vẫn cố giúp đỡ họ bằng tấm lòng. Họ là những người thiệt thòi hơn chúng ta. Sự cứu trợ, cưu mang, đùm bọc là vô cùng cần thiết để giúp họ cùng vượt qua dịch bệnh để không ai bị bỏ lại phía sau. Tôi hy vọng chính quyền địa phương cũng như các mạnh thường quân có thể tìm đến những người khuyết tật. Họ rất cần sự giúp đỡ trong lúc này", Huân nói.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang