Sau bao lâu bạn có thể bị tái nhiễm COVID-19?

(lamchame.vn) - Tái nhiễm COVID-19 có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đặc biệt đối với những người có sẵn bệnh lý nền và tiềm ẩn nguy cơ kéo dài các triệu chứng hậu COVID-19.

Các nghiên cứu về COVID-19 cho thấy người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Thậm chí những bệnh nhân này có khả năng mắc bệnh ở mức nghiêm trọng, phải điều trị hồi sức tích cực. Nhiều nước trên thế giới ghi nhận tình trạng gia tăng bệnh nhân nhập viện vì tái nhiễm COVID-19 và phát đi cảnh báo để cộng đồng cảnh giác với dịch bệnh.

Tái nhiễm là trường hợp một người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, sau đó bị nhiễm lại

Sự tái nhiễm thường chỉ xảy ra sau một số tháng nhất định. Nghiên cứu của Giáo sư Emily Oster, Đại học Brown, Mỹ cho thấy, ở hầu hết trường hợp, nguy cơ tái nhiễm COVID-19 là 3 tháng sau khi nhiễm bệnh. Khả năng tái nhiễm tăng lên tỷ lệ thuận với thời gian người bệnh khỏi COVID-19 sau lần nhiễm trước đó. Thời gian xảy ra tái nhiễm còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như, loại biến thể mà bệnh nhân đã nhiễm trước đó và họ đã tiêm chủng được bao lâu.

Thống kê gần đây của ngành y tế Mỹ cho thấy, quốc gia này đã ghi nhận tới 1,6 triệu ca tái nhiễm COVID-19 tại 24 bang. Kể từ khi xuất hiện biến chủng Omicron và các dòng phụ BA.4 và BA.5 với khả năng lây lan mạnh hơn, có vẻ như đã khiến hiện tượng tái nhiễm có sự gia tăng đột biến.

Sau bao lâu bạn có thể bị tái nhiễm COVID-19? - Ảnh 1.

Một số biến thể của virus SARS- CoV-2. Nguồn: SKĐS

Cảnh báo nguy cơ tái nhiễm COVID-19

Nghiên cứu gần đây với 39 nghìn người tái nhiễm COVID-19 tại Mỹ cho thấy, những người bị tái nhiễm có nguy cơ nhập viện, tử vong, gặp các vấn đề về phổi và tim, tiểu đường, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa và cả tâm lý cao so với những người chỉ bị nhiễm COVID-19 một lần.

Tiến sĩ Nirvana Luckraj - Giám đốc Y tế của Healthdirect: "Tái nhiễm COVID-19 có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đặc biệt đối với những người có sẵn bệnh lý nền và tiềm ẩn nguy cơ kéo dài các triệu chứng hậu COVID-19.

Giáo sư John Loannidis - Khoa nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, Đại học Stanford: "Số liệu về tình trạng trở nặng và tử vong của ca tái nhiễm còn rất hạn chế. Tuy nhiên rủi ro với sức khỏe là hiện hữu".

New York và California là hai bang dẫn đầu về số lượng các ca tái nhiễm COVID-19 tại Mỹ với hơn 200 nghìn trường hợp được báo cáo. Giới chức Y tế Mỹ cho biết, con số người tái nhiễm thực sự có thể còn cao hơn vì phần lớn các ca tái nhiễm là không triệu chứng khiến việc phát hiện và xét nghiệm bị hạn chế. Tuy nhiên những người tái nhiễm vẫn có khả năng lây virus cho người khác, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.

Sau bao lâu bạn có thể bị tái nhiễm COVID-19? - Ảnh 2.

Sau 60-90 ngày một người khỏi COVID-19 rồi nhiễm lại mới được xem là tái nhiễm. Nguồn: VOV

Vì sao số ca tái nhiễm tại Anh ở mức cao?

Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, tính từ thời điểm tháng 12 năm ngoái khi biến thể Omicron xuất hiện tại Anh, đến nay tỷ lệ tái nhiễm COVID-19 đã tăng gấp 15 lần.

Số ca tái nhiễm gia tăng ở Anh được cho là do các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Các dòng phụ này chứa các đột biến không có trong các chủng Omicron ban đầu. Các nhà khoa học cho rằng, đây là lý do khiến virus vượt qua bất cứ hàng rào miễn dịch nào được thiết lập trước đó. Vì vậy, nhiều người đã tiêm phòng hoặc nhiễm virus vẫn có thể tái nhiễm.

Giáo sư Tim Spector - Nhà dịch tễ học Anh: "Chắc chắn có rất nhiều người đã mắc COVID-19 hồi đầu năm nay đang tái mắc bệnh lần nữa. Kể cả những người đã nhiễm BA.1 hoặc BA.2 chỉ bốn tháng trước và nghĩ rằng mình sẽ được bảo vệ, thì lại đang tái nhiễm với BA.4 hoặc BA.5.

Đa số các trường hợp tái nhiễm là các nhân viên y tế và những người ở độ tuổi 18-40 tuổi do phơi nhiễm quá mức với SARS-CoV-2, do hoạt động nghề nghiệp hoặc ít tuân thủ các biện pháp phòng dịch cá nhân và giãn cách xã hội. Nguy cơ tái nhiễm cũng cao hơn ở những người chưa được tiêm chủng, hoặc có độ phủ tiêm chủng với các liều nhắc lại quá thưa.

Sau bao lâu bạn có thể bị tái nhiễm COVID-19? - Ảnh 3.

Virus mất trung bình 30 ngày để đào thải khỏi cơ thể sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính lần đầu. Nguồn: Shutterstock

Số ca COVID-19 tại Việt Nam tăng vọt - nhiều bệnh nhân tái nhiễm

Đây là thống kê số ca mắc COVID-19 tại nước ta những ngày gần đây. Có thể thấy số ca hai ngày trở lại đây đã tăng vọt, vượt mức: 2.000 ca/ ngày, tăng khoảng 45% so 1 ngày trước đó. Hôm qua 3/8 cũng là ngày có số ca mắc mới cao nhất trong hơn 2 tháng qua. Có thể thấy COVID-19 đang có dấu hiệu phức tạp trở lại và Hà Nội hiện là địa phương chiếm tỉ lệ số ca mắc mới cao nhất khi trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 300 ca.

ThS.BS: Đào Hữu Thân - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội: "Không như các bệnh truyền nhiễm khác thì một người có thể nhiễm đi nhiễm lại COVID nhiều lần. Biến thể BA.5 với khả năng lây lan mạnh hơn đã xuất hiện ở Việt Nam, đây là những yếu tố có thể kích hoạt lần sóng mới".

Ngay cả khi bạn bị nhẹ, hoặc không triệu chứng thì tái nhiễm COVID-19 vẫn là một điều vô cùng phiền phức. Cuộc sống của bạn sẽ một lần nữa phải ấn nút tạm dừng và cách ly không tiếp xúc ít nhất là 1 tuần. Nhịp sống đảo lộn là điều chẳng ai muốn gặp phải, chính vì vậy phòng bệnh là cách tốt nhất. Hãy ghi nhớ lịch và chủ động đăng ký tiêm các mũi vaccine nhắc lại để giảm nguy cơ tái nhiễm COVID-19.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang