Hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường đều biết đến vai trò của việc tập thể dục đối với việc kiểm soát lượng đường trong máu. Nhưng điều đó không có nghĩa là người bệnh có thể tập quá nhiều hay tập sai thời điểm. Đặc biệt là tập thể dục sau mỗi bữa ăn, bệnh nhân không nên tập quá sớm hay quá muộn.
Vậy bệnh nhân tiểu đường nên tập thể dục vào thời điểm nào sau bữa ăn? Bác sĩ nội tiết Li Aiguo (chuyên gia Khoa Nội tiết của Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật) sẽ đưa ra lời khuyên ngay sau đây.
Thời điểm tốt nhất để bệnh nhân tiểu đường tập thể dục là khi nào?
Theo bác sĩ Li Aiguo, bệnh nhân tiểu đường nên tập thể dục sau bữa ăn 1 tiếng đồng hồ, giữ thói quen này sẽ có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, thời gian mỗi bài tập không được dưới 30 phút, cũng không được quá 1 tiếng đồng hồ, và điều quan trọng là phải lựa chọn cường độ tập phù hợp với bản thân, để lượng mỡ và calo trong cơ thể được tiêu hao tốt, đồng thời cũng không gây hạ đường huyết quá mức.
Nhưng vì sao lại nên tập thể dục sau bữa ăn 1 tiếng? Bác sĩ giải thích rằng, lúc này dạ dày đã tiêu hóa được một phần thức ăn, người bệnh không còn quá no, hơn nữa đây là thời điểm đường huyết đạt đỉnh, việc vận động hợp lý có tác dụng hạ đường huyết rất tốt. Tuy nhiên bạn nên ghi nhớ một số lưu ý trước khi tập để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người bệnh tiểu đường cần lưu ý gì khi tập thể dục sau bữa ăn?
1. Theo dõi lượng đường trong máu của bạn trước khi tập
Do đường huyết của bệnh nhân tiểu đường rất dễ tăng cao sau bữa ăn nên nếu bệnh nhân bị mất kiểm soát đường huyết thì càng nên tránh vận động càng tốt, vì lúc này tập thể dục có thể gây ra một số tác hại, cũng như chấn thương. Bệnh nhân có thể tiếp tục tập luyện khi đường huyết ổn định.
2. Chú ý đến cường độ tập luyện
Người bệnh tiểu đường không nên quá gắng sức, hãy cố gắng lựa chọn phương pháp tập luyện phù hợp với bản thân, việc tập quá nặng sẽ làm tiêu hao năng lượng quá mức gây tụt đường huyết nhanh, đồng thời tăng biến chứng tiểu đường. Các bài tập phù hợp nhất với bệnh nhân tiểu đường đó là đi bộ, yoga, thái cực quyền...
3. Luôn quan sát cơ thể trong khi tập
Trong khi tập luyện chúng ta nên theo dõi tình trạng của cơ thể mình, nếu bệnh nhân bị hạ đường huyết do tiêu hao quá nhiều năng lượng sẽ có cảm giác mệt mỏi, yếu ớt, đau đầu... lúc này cần nghỉ ngơi ngay để tránh chấn thương, ngất xỉu.
4. Cần khởi động đầy đủ trước khi tập thể dục
Người bệnh tiểu đường cần chú ý khởi động kỹ trước khi vận động, đặc biệt là tập yoga và chạy bộ, việc khởi động đúng cách có thể khiến chân tay thích nghi dần với việc vận động và tránh chấn thương cho tay chân khi vận động.
Nhìn chung, việc vận động đúng cách sau bữa ăn giúp hạ đường huyết và rất có lợi cho người tiểu đường. Nhưng ngoài việc tập luyện, bạn cũng nên kiểm soát chế độ ăn uống, điều chỉnh thói quen làm việc và nghỉ ngơi. Cần thay đổi nhiều thói quen khác nhau để đường huyết thực sự ổn định, tránh hàng loạt tổn thương cho tim mạch, thận, mắt do đường huyết dao động quá lớn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.