Thời gian gần đây, giới làm phim Trung Quốc đứng ngồi không yên khi nghe râm ran thông tin Tổng cục Điện ảnh và Phát thanh Truyền hình Trung Quốc (SARFT) sẽ khởi động lệnh cấm đối với dòng phim cổ trang. Xưa nay, phim cổ trang vẫn được xem là thế mạnh và tài nguyên vô tận của điện ảnh Trung Quốc khi thu về nguồn lợi khổng lồ, làm bàn đạp cho nhiều nghệ sĩ trẻ vụt sáng thành sao, góp phần truyền bá văn hóa, lịch sử nước nhà.
Thế nhưng, dòng phim này vẫn phải chịu sự “thất sủng” từ phía cơ quan quản lý. Tuy thông tin chưa được SARFT thông báo chính thức nhưng nhìn vào những gì đang diễn ra tại thị trường phim cổ trang, có thể thấy việc công khai lệnh cấm chỉ là vấn đề thời gian. Sau khi phim cung đấu bị "ghẻ lạnh", thị trường phim cổ trang cũng đứng trước nhiều thách thức mới đến từ lệnh cấm của cơ quan quản lý.
Nhiều thể loại phim cổ trang bị Trung Quốc cấm cửa. |
Hiện tại, khi tìm kiếm trên các nền tảng xem phim trực tuyến lớn nhất nhì Trung Quốc như: Youku, Iqiyi hay Tencent, người dùng vẫn có thể tìm thấy những tác phẩm cổ trang nhưng số lượng kết quả tìm kiếm đã giảm đáng kể. Trong đó, phim Đông cung vốn gây sốt từ tháng 2 nhưng hiện các tập phim bị xóa trên Youku, chỉ còn lại vỏn vẹn trailer. Người dùng mạng hiện nay cũng rất khó để tìm ra các tập phim của Diên Hi công lược hay Như Ý truyện.
Các thể loại cổ trang có thể bị cấm phát sóng gồm: võ thuật, giả tưởng, lịch sử, tiểu sử, xuyên không, cung đấu, thần thoại … Quyết định này khiến nhiều dự án phim đang đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đơn cử như tác phẩm Độc Cô hoàng hậu do Trần Kiều Ân và Trần Hiểu đóng chính đang phát sóng tại Trung Quốc đang đứng trước tình thế khó khăn. Tuy phim không bị cắt sóng giữa chừng vì lệnh cấm nhưng sau khi tập cuối kết thúc, cả bộ phim sẽ bị biến mất trên Iqiyi.
Sina đưa tin hôm 23.3, bên cạnh Độc Cô hoàng hậu, sẽ có ít nhất 20 phim cổ trang bị ảnh hưởng như: Giang sơn cố nhân, Đại Minh hoàng phi Tôn Nhược Vi truyện, Cẩm y chi hạ, Lang điện hạ, Tam sinh tam thế chẩm thượng thư…
Nhiều tác phẩm đã ấn định ngày chiếu nhưng đang chật vật vì phải dời chiếu, hủy chiếu. Điển hình như Thứ nữ Cẩm Lan dự kiến chiếu năm 2019 bị dời tới tháng 12.2020. Tân Bạch Nương Tử truyền kỳ dự kiến chiếu vào ngày 27.3 trên Iqiyi nhưng lịch chiếu đã bị hủy.
Lệnh cấm khiến các nhà sản xuất phim cổ trang như ngồi trên đống lửa. |
Tình hình nói trên khiến các nhà sản xuất như ngồi trên đống lửa vì kinh phí đầu tư trang phục, bối cảnh, diễn viên phim cổ trang đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Chưa kể, việc phim bị hoãn chiếu vô thời hạn khiến nội dung phim trở nên lỗi thời, nhàm chán và không còn theo kịp thị hiếu của người xem.
Nhiều khán giả không hiểu tại sao nhà chức trách cấm phim cổ trang. Hàng triệu khán giả bày tỏ sự phẫn nộ về việc này vì xưa nay thế mạnh của điện ảnh Trung Quốc là phim cổ trang bởi nội dung đa dạng, cốt truyện lôi cuốn, bối cảnh và trang phục được đầu tư công phu, hoành tráng. Chưa kể thể loại này chiếm số lượng lấn át những dòng phim đương đại mà nhiều năm gần đây chỉ quanh đi quẩn lại với các tác phẩm chuyển thể hoặc chịu ảnh hưởng từ ngôn tình.
Nguyên nhân khiến Tổng cục Điện ảnh và Phát thanh Truyền hình Trung Quốc có thể ra quyết định cấm phim cổ trang từ đây đến tháng 6 được cho là xuất phát từ việc lệnh cấm phim cung đấu được cơ quan này ban hành trước đó không được chấp hành nghiêm túc khiến các nhà quản lý quyết định mạnh tay hơn.
Hồi cuối tháng 1.2019, tờ Nhật báo Bắc Kinh từng liên kết với Ủy ban thành phố Bắc Kinh ban hành một tài liệu lên án những tác phẩm cung đấu như Diên Hi công lược hay Như Ý truyện. Họ cho rằng những tác phẩm cung đấu cổ súy cho lối sống thủ đoạn, mưu mô, tôn thờ quyền lực, ca ngợi lối sống hưởng lạc, sùng bái sự xa hoa, bóp méo lịch sử xa rời với khuôn mẫu đạo đức thực tế.
Cung đấu là thể loại phim cổ trang tranh đấu chốn hoàng cung. Nhiều các bộ phim cung đấu nói về Hoàng đế, phi tần, hoàng tử, công chúa rồi cả quan viên, nô tỳ vì mục đích cá nhân mà sinh dã tâm, hãm hại lẫn nhau.Trước đó, lệnh cấm này được đưa ra để hạn chế sự lan tỏa của dòng phim cung đấu, ngôn tình hóa câu chuyện hoàng cung rồi bóp méo lịch sử, biến các hoàng đế phi tần thành những nhân vật đắm chìm trong tình yêu ủy mị.
Cũng trong thời gian này, dòng phim cổ trang gần như bị cấm xuất hiện trên truyền hình. Trong quá khứ, Tổng cục Điện ảnh và Phát thanh Truyền hình Trung Quốc cũng từng cấm phim xuyên không vì cho rằng chúng phi logic, xuyên tạc lịch sử.
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.