Thi thất bại đến 7 lần, tới lần thứ 8 nam sinh Hà Nội chinh phục thành công IELTS 8.5: Tiết lộ bí kíp học ai cũng nên tham khảo

(lamchame.vn) - Việt từng nản chí vì quá nhiều lần thất bại bầm dập nhưng em chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ chinh phục mục tiêu đạt chứng chỉ IELTS 8.5.

Cuối năm 2022, em Bùi Thành Việt (SN 2001, Hà Nội), sinh viên khoa Truyền thông quốc tế tại Học viện Ngoại giao đã nhận được chứng chỉ IELTS 8.5. Điểm thành phần lần lượt cho các kỹ năng mà Việt đạt được là: Speaking (Nói) - 8.5, Listening (Nghe) - 8.5; Reading (Đọc) - 9.0; Writing (Viết) - 8.5.

Để đạt được số điểm trên, Việt đã thi IELTS đến 8 lần. Lần đầu tiên, em thi vào năm 16 tuổi, lúc đó đạt 7.0 IELTS. Khi lên đại học, em tiếp tục thi và đạt điểm số 7.5. Không hài lòng với bản thân và điểm số đó, 6 tháng sau, nam sinh thi lại một lần và được kết quả như mong muốn là 8.0. Từ 2020 - 2022, Việt tiếp tục thi thêm 5 lần và phải đến cuối năm 2022, em mới nâng được tổng điểm lên 8.5.

Thành Việt hào hứng chia sẻ: "Từ năm 2016 - thời điểm biết tới IELTS đến nay là 7 năm. Thứ mà em học được nhiều nhất là việc tin vào bản thân. Em luôn thấy còn nhiều thứ để học và luôn cố gắng thực hiện. Hành trình vừa qua đúng nghĩa là máu, mồ hôi và nước mắt. Nhưng em tự hào vì mình đã làm được. Dù thất bại liên tục nhưng em thấy đó là một điều may mắn. Bởi nếu em có được mọi thứ mà em muốn thì em sẽ không phát triển được bản thân. 

Em không sinh ra với một chiếc "thìa vàng", không học trường quốc tế, không đi du học, thậm chí em chỉ vừa lên máy bay lần đầu tiên cách đây 2 tháng. Hoàn cảnh của em không phải đủ đầy. Những thứ em có được ngày hôm nay đều do sự nỗ lực rất lớn của bản thân. Nhờ hành trình chinh phục IELTS, em đã nhận ra rằng IELTS cho em không chỉ là kiến thức, mà còn là niềm tin vào bản thân". 

Nam sinh Hà Nội chia sẻ bí quyết thi đạt IELTS 8.5 - Ảnh 1.

Bùi Thành Việt đã nỗ lực thi IELTS đến 8 lần để đạt điểm số như mong muốn.

Hàng loạt bí quyết luyện thi IELTS, độc lạ nhất là cách học theo tư duy phản biện

1. Về kỹ năng Nghe và Đọc (Listening, Reading)

Việt chỉ sử dụng duy nhất một nguồn ôn luyện, đó là bộ Cambridge từ quyển số 9 - 17. Trong 8 năm học tiếng Anh và 5 năm đi dạy, nam sinh đã luyện đề ở bộ sách này đến 4 lần. Bên cạnh luyện đề, Việt còn đặt mục tiêu cho bản thân là phải đọc sách. Từ năm 2019 đến nay, 90% số sách nam sinh đọc là sách Ngoại Văn vì Việt muốn hiểu thông điệp của tác giả một cách chân thật nhất.

2. Về kỹ năng Nói (Speaking)

Việt không có nhiều tài liệu. Em thường dành thời gian luyện tập với bạn, với đồng nghiệp và với chính bản thân. Nam sinh chia sẻ, mỗi ngày em hay tự thu âm nhật ký bằng tiếng Anh. Đây là mẹo đơn giản giúp kỹ năng Nói của em cải thiện rõ rệt.

3. Về kỹ năng Viết (Writing)

Đây là kỹ năng khiến Việt "chật vật" nhất. Số lượng sách Writing nam sinh đã đọc (gần như là học thuộc) khá nhiều, bao gồm các bộ như: "The key to IELTS Writing" của cô Pauline Cullen, quyển "How to crack the IELTS Writing Task 2" của thầy Đặng Trần Tùng, quyển "Understand Grammar in IELTS" (Zim).

Bên cạnh sách về IELTS, Việt cũng rất thích mảng Self-help và kỹ năng giao tiếp. Việc đọc sách về Writing và sách kiến thức nói chung giúp nam sinh luyện tư duy tiếng Anh, cải thiện từ vựng cũng như giúp khả năng giao tiếp lưu loát hơn.

Nam sinh Hà Nội chia sẻ bí quyết thi đạt IELTS 8.5 - Ảnh 2.

Đối với Việt, kỹ năng khó nhất là Writing.

Trong 4 kỹ năng trên, Việt tâm sự, Writing cũng chính là kỹ năng khó nhất. Năm 14 tuổi, lần đầu tiên, nam sinh được tiếp xúc với IELTS. Khi đó khả năng ngữ pháp của Việt ổn, từ vựng đủ dùng nhưng bài luận của em không bao giờ đạt trên 6 điểm. Lý do là vì em phụ thuộc quá nhiều vào thầy cô, và gần như không chịu tư duy.

Đến năm Việt 17 tuổi, khi em nghe Ted Talk để luyện kỹ năng Listening, em biết đến thuật ngữ "tư duy phản biện". Trong bài Ted Talk đó, diễn giả đã nói về tầm quan trọng của câu hỏi "tại sao". Em đã thử áp dụng câu hỏi đó vào cuộc sống, từ những điều đơn giản như: "Tại sao đèn đỏ lại màu đỏ chứ không màu xanh?" đến những triết lý: "Tại sao mình lại học?", "Tại sao mình muốn giỏi ngoại ngữ?". 

Nam sinh Hà Nội cho biết: "Về cơ bản, em trở lại thành cậu bé 5 tuổi, luôn thắc mắc và tò mò về mọi thứ trong cuộc sống. Chỉ khác là khi đó em đã 17 tuổi, em có thể tự nghiên cứu để trả lời những câu hỏi trong đầu thay vì phải dựa vào thầy cô hay bố mẹ. Trong vòng 2 năm, từ năm 2017 - 2019, em viết tổng cộng hơn 300 bài văn. Năm 2020, khi thi lại, điểm Overall (tổng) của em lên 8.0 IELTS, nhưng điểm Writing của chỉ đạt 7.0. 

Trước điểm Writing như vậy, em khá thất vọng. Các câu hỏi "tại sao" một lần nữa lại hiện hữu trong đầu em. Em tự hỏi mình sao mình cố gắng nhưng điểm viết vẫn không như mong đợi. Em quyết định dừng lại việc viết bài mới, một phần vì không có động lực, một phần vì "cạn đề". Thay vào đó, em mở lại xem 300 bài đã viết trước và tự sửa sai cho chính mình".

Vào năm 2021 và 2022, Việt thi lại và lần lượt đạt điểm số 8.0 và 8.5 Writing. Điểm tổng của nam sinh cũng lên 8.5 Overall. Đây là thành quả nhờ việc áp dụng tư duy phản biện. Việc luôn tự nghi vấn bản thân khiến em không ngừng học hỏi, trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân. Đến nay, Việt có khoảng 500 bài viết luận IELTS.

Việt cho rằng, hành trình học Writing gần như là hành trình học "làm người". Bởi em không chỉ học viết mà còn học cách tư duy logic và tư duy phản biện, học giao tiếp, học cách thuyết phục người khác.

Nam sinh Hà Nội chia sẻ bí quyết thi đạt IELTS 8.5 - Ảnh 3.

Một lỗi sai phổ biến 10 người thì 9 người mắc phải khi thi IELTS 

Theo Việt, lỗi sai phổ biến nhất mà nhiều người gặp là không quản lý thời gian trong phòng thi hiệu quả. Trước tình trạng trên, có 2 kỹ thuật mà Việt khuyên các bạn cần nắm rõ để quản lý thời gian hiệu quả, đó là "skimming" và "scanning":

- Về Skimming: Bạn cần đọc lướt để nắm rõ ý chủ đoạn của bài.

- Về Scan: Bạn cần tìm thông tin nhỏ, thường là số liệu, tên riêng, khó diễn giải.

Theo Việt, những bạn mức điểm dưới 6.0 nên tập trung vào những câu hỏi dễ để có thể Scan nhanh thông tin trước (những câu hỏi có tên riêng, số, thuật ngữ,…). Còn những câu hỏi đòi phải động não như Matching information (bài nối thông tin) hay Multiple choice question (bài trắc nghiệm) thì có thể để sau.

Một phương pháp nữa giúp bạn quản lý thời gian phòng thi tốt hơn là tóm tắt đoạn văn. Phương pháp là khi vừa xong một đoạn, bạn cần sẽ ghi một chú ý nhỏ bên lề các thông tin chính của đoạn đó. Chẳng hạn như bạn có thể ghi đơn giản như "Tiểu sử Alex từ 3-6 tuổi", "nguồn gốc của hoá thạch". Điều này giúp bạn khi trả lời câu hỏi không phải đọc lại cả bài để tìm thông tin, mà chỉ cần dò theo những ghi chú đã ghi.

Nam sinh Hà Nội chia sẻ bí quyết thi đạt IELTS 8.5 - Ảnh 4.

Lỗi sai mà Việt thấy nhiều người mắc phải là không biết cách quản lý thời gian khi làm bài.

Bên cạnh đó, chia sẻ về khó khăn trong quá trình chinh phục IELTS, Việt cho biết em từng mất niềm tin vào bản thân. Khi thi đến 4 lần vẫn không đạt mục tiêu 8.5, Việt từng thất vọng, chán nản, nghi ngờ bản thân kém cỏi. Đối với Việt, áp lực không phải đến từ bài thi, mà là đến từ chính bản thân, từ nỗi lo sợ "giậm chân tại chỗ".

Và nếu không chinh phục được mục tiêu, không đạt điểm cao, Việt sẽ phải từ bỏ công việc yêu thích là truyền đạt kiến thức tiếng Anh cho các bạn trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc em sẽ mất đi khoản thu nhập đáng kể.

"Em từng rất tự ti vào bản thân. Em lo sợ nếu mình không cố gắng, mình sẽ thất bại, sẽ phụ lòng những người yêu. Em cũng sợ phải rời xa cuộc sống săn sales trên shopee, không còn đủ tiền trả Spotify để nghe nhạc Taylor Swift. Nghĩ đến đấy là em lại có động lực để học", Việt bật cười nhớ lại.

Hiện tại, dù mới 21 tuổi nhưng Việt đã có 5 năm đi dạy học. Em từng làm gia sư, trợ giảng, coach, cộng tác viên cho chương trình IELTS Face-off của VTV7 và làm Trưởng ban Học thuật cho một công ty giáo dục. Công việc mở ra cho Việt nhiều mối quan hệ, biết thêm các lĩnh vực khác nhau, trau dồi kỹ năng mềm và tìm ra cho bản thân mục đích sống cao cả.

Không giấu nổi niềm tự hào về những đóng góp, nam sinh Hà Nội chia sẻ: "Làm việc trong môi trường giáo dục vất vả nhưng rất vui và ý nghĩa. Em đang cố gắng cải thiện chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Em hy vọng mình có thể trở thành một người thầy không chỉ dạy học, mà còn có thể truyền cảm hứng và động lực cho học sinh".

Ảnh: NVCC

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang