Thủ khoa đầu vào ĐH Kinh tế quốc dân: ‘Bố mẹ sẵn sàng bán nhà để em được đi học’

(lamchame.vn) - Với tổng điểm 28,8, Trần Quốc Tuấn (Thái Nguyên) trở thành thủ khoa đầu vào trường Đại học Kinh tế quốc dân năm 2024.

Mùa tuyển sinh năm nay, Trần Quốc Tuấn - học sinh trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên) xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào trường Đại học Kinh tế quốc dân với tổng điểm 28,8 tổ hợp A00 (Toán 9,8; Lý 9,5; Hoá 9,5), chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

“Khi biết đạt 28,8 điểm khối A00, em tự tin có thể đỗ vào ngành bản thân mong muốn, nhưng không nghĩ sẽ đạt vị trí thủ khoa”, Tuấn nói.

Thủ khoa đầu vào ĐH Kinh tế quốc dân: ‘Bố mẹ sẵn sàng bán nhà để em được đi học’ - Ảnh 1.

Em Trần Quốc Tuấn (Ảnh: NVCC)

Trong đợt xét tuyển đại học lần này, nam sinh Thái Nguyên chỉ đăng ký 2 nguyện vọng, đều vào trường Đại học Kinh tế quốc dân. Cụ thể, 10X đăng kí nguyện vọng 1 vào ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng và nguyện vọng 2 vào ngành Kinh doanh thương mại. Trước đó, Tuấn đã trúng tuyển vào ngành Kinh doanh thương mại vào trường thông qua phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nói về cơ duyên chọn ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, Tuấn cho biết, sau khi tìm hiểu thông tin trên các phương tiện truyền thông, cậu nhận thấy đây đang là ngành học dẫn đầu xu thế thị trường, cơ hội việc làm rộng mở. Bản thân Tuấn cũng rất thích những kiến thức liên quan đến kinh tế, thương mại nên đã quyết định đăng ký và chinh phục.

Ngoài thành tích thủ khoa đầu vào đại học, 10X từng nằm trong top học sinh có điểm đầu vào cao nhất trường THPT Chu Văn An, liên tiếp 3 năm giành giải nhì học sinh giỏi toán tỉnh Thái Nguyên.

Tuấn khiêm tốn nói, bí quyết học tập không có gì đặc biệt, thậm chí chưa bao giờ thức khuya dậy sớm để học bài. Tân thủ khoa cho rằng, điều quan trọng phải tuân thủ kỷ luật trong học tập, biết cách phân bổ thời gian hợp lý. Ngoài ra, bản thân cần giữ tâm lý thoải mái, không nên tạo áp lực cho chính mình, linh hoạt giữa học tập và nghỉ ngơi để đạt được hiệu quả tốt nhất trong các hoạt động.

“Thời gian rảnh em vẫn thường đọc tin tức, xem chương trình giải trí và chơi game. Tuy nhiên em luôn đặt cho bản thân giới hạn thời gian để không bị chìm đắm trong các trò giải trí mà bỏ bê việc học”, Tuấn nói.

Thủ khoa đầu vào ĐH Kinh tế quốc dân: ‘Bố mẹ sẵn sàng bán nhà để em được đi học’ - Ảnh 2.

10X Thái Nguyên liên tiếp 3 năm giành giải Nhì học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh niềm vui khi trở thành tân thủ khoa đầu vào tại ngôi trường kinh tế top đầu cả nước, nam sinh Thái Nguyên bày tỏ sự lo lắng về vấn đề học phí cho 4 năm đại học. Tuấn kể, bố mẹ là lao động tự do, nhà lại có anh trai theo học tại trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên nên kinh tế gia đình không mấy dư dả.

“Bố em từng động viên hai anh em, chỉ cần các con nên người, dù khổ, khó khăn bố mẹ cũng sẽ tằn tiện, tiết kiệm để các con được đi học. Thậm chí, kể cả có phải bán đất hay bán nhà cũng lo cho hai anh em đi học. Chính điều đó đã đốc thúc, tạo động lực cho em trong việc hoàn thành việc học để không phụ lòng kỳ vọng của bố mẹ” , Tuấn tâm sự.

Thấu hiểu những hi sinh to lớn đó, suốt 12 năm học phổ thông, 10X luôn cố gắng học tập để có thể chạm tới cánh cổng trường đại học danh giá. Sau khi nhập học, thời gian đầu, nam sinh Thái Nguyên đặt mục tiêu tập trung tối đa vào việc học để theo kịp tiến độ và nhịp sống sinh viên, sau đó sẽ sắp xếp đi làm thêm, kiếm tiền đỡ đần bố mẹ.

Biết tin học trò trở thành thủ khoa của Đại học Kinh tế quốc dân, thầy Nguyễn Văn Hiếu, giáo viên trường THPT Chu Văn An hạnh phúc và tự hào. Thầy Hiếu nhận định, kết quả này xứng đáng với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ của Tuấn suốt những năm tháng dưới mái trường THPT.

“Tuấn là học trò nghị lực, tinh thần tự học cao. Mỗi ngày lên lớp, em đều chăm chú nghe giảng, chủ động làm bài tập, đề cương để củng cố kiến thức, đồng thời sẵn sàng giúp đỡ các bạn giải những bài tập khó. Tôi rất ấn tượng về cậu học trò hiền lành, chịu khó vươn lên để đạt được ước mơ của bản thân” , thầy Hiếu nhận xét.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang