Thực hư việc ăn bột ngọt nhiều bị mất trí nhớ

(lamchame.vn) - Bột ngọt (mì chính) là chất phụ gia thường có trong căn bếp của mọi gia đình giúp cho thực phẩm hấp dẫn, ngon miệng hơn. Tuy nhiên, có những nguồn tin cho rằng ăn bột ngọt nhiều sẽ bị mất trí nhớ, teo não...

Bản chất của bột ngọt là gì và làm từ đâu?

Bột ngọt (mì chính) có tên khoa học là Mono Sodium Glutamate (MSG) là một muối Natri của axit glutamic. Một amino axit không cần thiết trong tự nhiên. Bột ngọt được dùng làm phụ gia thực phẩm. Và nổi tiếng với khả năng làm tăng hương vị món ăn.

Hiện nay, bột ngọt được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu tự nhiên khác nhau. Như ngô, mía, sắn, củ cải đường… bằng phương pháp lên men tự nhiên.

 

Mía và sắn sẽ được xử lý chủ yếu bằng phương pháp sinh học (enzym) tạo thành dung dịch đường. Sau đó, dung dịch đường sẽ được thanh trùng. Và bổ sung vi sinh vật cùng các chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất.

Quá trình lên men diễn ra và sản phẩm thu được chính là glutamate – thành phần chính của bột ngọt. Glutamate sẽ được trung hòa bởi Na2CO3 (soda). Hoặc NaOH để tạo thành muối natri của glutamate, tức dung dịch bột ngọt. Sau khi được lọc màu, dung dịch bột ngọt sẽ được kết tinh thành hạt để đóng gói.

Bản thân bất kỳ một người nội trợ nào phải rõ là bột ngọt chỉ là một phụ gia điều vị trong nấu ăn. Bột ngọt không phải là thực phẩm. Hay cung cấp bất kỳ chất dinh dưỡng nào cho cơ thể. Lạm dụng hoặc dùng quá nhiều bột ngọt có thể dẫn đến rất nhiều những hậu quả về sức khỏe!

Ăn nhiều bột ngọt có ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh không?

Nhiều mẹ nội trợ lo lắng về việc ăn bột ngọt nhiều có bị mất trí nhớ, ảnh hưởng đến thần kinh.

Ảnh minh họa

Trước đây từng có 1 thí nghiệm: Tiêm liều bột ngọt với liều lượng 3g/kg vào chuột. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã thấy hệ thần kinh của chuột bị tổn hại. Nguyên nhân do chất glutamate có trong bột ngọt là chất dẫn truyền thần kinh trong não, kích thích tế bào não truyền xung đột thần kinh. Sau đó, máu sẽ chuyển thành glutamate lên não và tác động đến thần kinh của chuột.

Tuy nhiên, thí nghiệm này không thực tế nếu áp dụng trên người vì:

- Liều lượng bột ngọt tiêm vào chuột rất lớn. Nếu quy đổi lượng dùng này đối với người trưởng thành nặng 60kg thì sẽ cần dùng tới 240g bột ngọt (tức là 50 thìa cafe) trên 1 ngày. Lượng này lớn hơn nhiều lần so với khẩu phần ăn của 1 người.

- Con người dùng bột ngọt qua đường ăn chứ không phải là tiêm trực tiếp như trong thí nghiệm với chuột. Do đó, chất glutamate có trong bột ngọt sẽ được chuyển hóa trong quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, hàng rào máu, tế bào của não bộ sẽ ngăn sự di chuyển của glutamate đang có sẵn trong máu vào não. Do đó ăn bột ngọt không gây mất trí nhớ hay teo não như tin đồn với liều lượng vừa phải.

Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết: “Nếu dùng bột ngọt quá nhiều thì chính glutamate trong mỳ chính sinh ra “dư thừa” sẽ gây rối loạn hoạt động của não, dần đến suy thoái não. Chưa kể gan và thận do phải làm việc cật lực để thải hồi độc chất acid amin dẫn đến suy yếu và gây nhiều rối loạn. Ngoài ra, trong bột ngọt có 13% muối natri, nếu dùng quá liều lượng sẽ tăng nguy hiểm với những người mắc bệnh cao huyết áp, thận, tim”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên rằng nên hạn chế mỳ chính chừng nào hay chừng đó, không dùng mỳ chính cho trẻ nhỏ.

Mặc dù vậy nhưng không phải cứ dùng bột ngọt là có hại cho sức khỏe. Bởi mỳ chính được xem là một gia vị thực phẩm và đưa vào danh mục các phụ gia thực phẩm được sử dụng trong chế biến thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam năm 2001 (Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT ngày 31/8/2001). Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định mỳ chính được phép sử dụng như một chất phụ gia thực phẩm trong chế biến thức ăn gia đình, nhà hàng cũng như trong công nghiệp chế biến thực phẩm. Nếu sử dụng đúng liều lượng thì mỳ chính vô hại, chính vì thế trên thế giới chưa có nước nào cho rằng mỳ chính có hại và cấm sử dụng mỳ chính trong chế biến thực phẩm, không hề có bất kì khuyến cáo nào cho việc sử dụng gia vị này.

Bột ngọt vô hại khi người tiêu dùng biết sử dụng một cách thông minh, có giới hạn nhất định. Theo khuyến cáo của các chuyên gia chỉ nên cho bột ngọt vào thức ăn là 6g cho một người thể trạng khoảng 50kg đến 60kg.

Sử dụng bột ngọt đúng cách để an toàn cho sức khỏe

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu công nhận rằng bột ngọt là gia vị hoàn toàn vô hại đến con người, thế nhưng người dùng cần phải biết dùng bột ngọt thế nào cho đúng cách.

- Không bỏ bột ngọt vào đồ ăn khi đang nấu ở nhiệt độ cao bởi nhiệt độ cao sẽ làm xảy ra các phản ứng hóa học khiến bột ngọt trở thành chất gây hại. Tốt nhất, các mẹ nên cho bột ngọt vào khi thức ăn đã chín và vừa mới tắt bếp.

- Không bỏ bột ngọt vào đồ ăn đã nguội vì bột ngọt hòa tan kém ở nhiệt độ thấp.

- Những thực phẩm có vị ngọt không cần bỏ thêm bột ngọt bởi sẽ làm món ăn bị lợ, mất ngon.

- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không nên ăn bột ngọt.

- Chỉ nên sử dụng bột ngọt với liều lượng vừa phải. Người dùng cần phải hiểu rằng, bột ngọt chỉ là một chất điều vị giúp cho thức ăn trở nên ngon miệng hơn, chứ không phải là chất cung cấp dinh dưỡng vì thế bột ngọt không thể sử dụng với liều lượng lớn.

Bột ngọt chỉ thật sự có hại khi bạn sử dụng lượng quá nhiều, nấu bột ngọt với nhiệt độ cao hay sử dụng bột ngọt không rõ nguồn gốc. Chính vì thế khi sử dụng bột ngọt bạn hãy đảm bảo lượng sử dụng phù hợp và dùng bột ngọt rõ nguồn gốc để đảm bảo an toàn cho người dùng.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang