Tiệm hủ tiếu hơn 70 năm nổi tiếng với nồi sốt cà chua hầm mà về làm dâu rồi vẫn chưa được truyền ngay, cùng tấm bảng hiệu được "định giá" nghìn đô!

Tại đây còn nổi tiếng với món bánh từ Pháp, nhưng mỗi ngày chỉ bán duy nhất 100 cái mà 'phải ai siêng mới được ăn!?'

Tiệm hủ tiếu níu kéo Ở Sài Gòn hủ tiếu không phải hiếm, mà quán bán hủ tiếu cũng không phải là ít. Bởi đây được xem là một trong những món ăn được ưa chuộng nhất của người Sài Gòn mà ăn sáng cũng được, ăn trưa cũng "okie" hay ăn tối "cũng ổn". Thế nên đã có rất nhiều tiệm hủ tiếu được mọi người yêu thích, dần trở thành nghề gia truyền nuôi sống biết bao thế hệ mà vẫn luôn được người Sài Gòn yêu mến. Và một trong số đó chính là hàng hủ tiếu Thanh Xuân với tuổi đời hơn 70 năm nằm trên đường Tôn Thất Thiệp, quận 1.

Hơn 70 năm - Thầm cám ơn một gia đình vì di cư đã vô tình mang đến một hương vị không đâu có cho Sài Gòn

Tiệm hủ tiếu này không lạ, và nếu bạn là người Sài Gòn hay thích xem các bài review quán xá thì chắc đã từng xem đâu đó thông tin về nó. Nhưng không hiểu sao sau gần 10 năm quay trở lại, chính cái hương vị đó cùng sự niềm nở của cô Tươi (chủ quán) vẫn không thay đổi - đó là một thứ rất hiếm gặp và rất đáng trân trọng ở cái thời đại bây giờ đã khiến tôi quyết định viết một lần nữa để chắc rằng sẽ giúp nhiều người biết về Thanh Xuân hơn.

Tiệm hủ tiếu níu kéo

Tiệm Thanh Xuân nằm khuất trong một con hẻm nhỏ giữa trung tâm quận 1 sầm uất.

 
 
 
 

Cái "chất" mà Thanh Xuân không bao giờ đánh mất đó là ở hương vị và chất lượng. Nguyên do cũng vì mọi nguyên liệu đều được quán chọn khá kỹ, từ thịt đến tôm cua đều rất tươi ngon.

Ngày đó cô Tươi kể, hơn 70 năm trước vì mong muốn có cuộc sống tốt hơn nên gia đình của chồng cô (là ông Đỗ Văn Khuê) đã phải chạy từ Mỹ Tho lên Sài Gòn sinh sống. Song, sẵn gia đình nấu được món hủ tiếu rất ngon nên mượn người ta số vốn để mở quán buôn bán mưu sinh. Do chồng cô Tươi - ông Đỗ Xuân Thanh là cháu út cưng của ông Đỗ Văn Khuê nên đã được lấy tên rồi đọc lái thành Thanh Xuân làm tên quán cho có ý nghĩa và hay hơn.

Kể từ đó, quán hủ tiếu Thanh Xuân ra đời, chủ yếu bán 2 món là hủ tiếu ướt và hủ tiếu khô ăn kèm với thịt bằm, thịt xá xíu, tôm tươi,... với cách nêm nếm đậm đà, đặc sệt kiểu của người Mỹ Tho càng làm nên nét đặc trưng riêng cho tiệm vào thời bấy giờ. 

Và cũng nhờ thế mà gia đình cô Tươi - chú Thanh đã vô tình mang đến cho Sài Gòn một món hủ tiếu rất khác mà bây giờ dù có đi đâu cũng không thể nào kiếm ra được.

Tiệm hủ tiếu níu kéo

Tô hủ tiếu nước đầy đủ topping.

 
 

Nồi sốt cà chua hầm dù về làm dâu nhưng vẫn chưa được truyền ngay công thức

Tuy nhiên thứ làm nên sự khác biệt mà ngay cả những tiệm hủ tiếu gốc Mỹ Tho khác cũng không có đó chính là món nước sốt cà chua trứ danh "do một bà chị của gia đình mang từ quê nhà xuống Sài Gòn rồi hướng dẫn lại. 

Đó cũng được xem là bí quyết riêng của gia đình mà sau này dù cô đã cưới chú Xuân Thanh và theo nhà chồng, thì phải mất một khoảng thời gian dài sau cô mới được chia sẻ bí quyết làm món sốt cà chua để đứng bán trực tiếp, cũng như truyền cho đời con tiếp theo" - cô Tươi cho biết.

Tiệm hủ tiếu hơn 70 năm nổi tiếng với nồi sốt cà chua hầm cả Sài Gòn không đâu có, sở hữu tấm bảng hiệu được

Hủ tiếu chan sốt cà chua nghe lạ lùng nhưng lại thành thứ độc đáo nhất Sài Gòn mà chỉ Thanh Xuân mới có.

 
 
 

Nồi sốt cà mà cô Tươi đã cho chúng tôi chụp vội trông thật nhòe, nhưng cũng là một tư liệu quý giá đấy chứ!?

Nó "bí mật" tới mức mà khi chúng tôi tới đây, chú Xuân Thanh lúc đầu không muốn cho chúng tôi chụp ảnh nồi sốt. Phải một hồi lâu chính cô Tươi đã giúp chúng tôi vào xem và chụp duy nhất một bức hình và dặn "chú khó lắm, tụi con thông cảm nha".

Nước sốt này chỉ được dùng duy nhất với món hủ tiếu khô. Sau khi chuẩn bị đầy đủ hủ tiếu dai, tôm, thịt bằm, thịt xá xíu, vài chiếc càng cua,... thì sẽ được rưới lên trên mặt một vá sốt sền sệt, màu đỏ tươi. Khi ăn trộn hết lên thật đều, chính lớp sốt này đã giúp phần hủ tiếu được mềm mại, trơn tru, lúc ăn có vị chua chua, ngọt nhẹ, thơm thơm thật sự rất khó diễn tả một cách chính xác vì bên trong nó được nấu từ gì thì cô Tươi vẫn tuyệt đối giữ kín bí mật. 

Tấm bảng được "định giá" nghìn đô mà vẫn không bao giờ bán

Chuyện về tấm bảng hiệu Thanh Xuân cũng là một câu chuyện và đề tài được mọi người thảo luận rầm rộ một thời. Bởi một quán ăn hay một thương hiệu nào đó, thường người ta chỉ quan trọng về chất lượng món ăn hay độ danh tiếng mà nó mang lại cho cộng đồng. Ấy thế mà cách đây khoảng hơn 5 năm, chiếc bảng hiệu cũ kỹ này lại được một "ông Tây" mon men đến năn nỉ cô Tươi bán cho bằng được với mức giá lên tới hàng nghìn USD.

Tiệm hủ tiếu níu kéo

Tấm bảng từ nhiều năm trước đã được "định giá" hàng nghìn đô. Nó giờ là "di sản" của gia đình, là minh chứng cho sự tồn tại của một quán ăn của bao thế hệ.

Cô Tươi kể: "Ông Tây ổng bảo thích tấm bảng hiệu vì nhìn nó rất có tính gợi nhớ về lịch sử. Nó được viết hoàn toàn bằng tay, ngay cả hình con tôm, con cua nằm sát góc cũng được vẽ mộc hết. Nay đã hơn 70 năm rồi mà còn y nguyên vậy đó. Nhưng đây là bảng hiệu của quán, là biểu tượng tượng trưng cho Thanh Xuân nên gia đình cô đâu thể nào bán cho ổng!?"

Tiệm hủ tiếu hơn 70 năm nổi tiếng với nồi sốt cà chua hầm cả Sài Gòn không đâu có, sở hữu tấm bảng hiệu được
 

Đó cũng là lý do vì sao mà dù Thanh Xuân đã có tấm bảng quảng cáo mới làm bằng mica trông "thời đại" hơn nhưng khi khách quen hay người xưa trở lại, ai cũng có thói quen tìm cho bằng được tấm bảng cũ kỹ, ố vàng này làm điểm nhận diện. "Phải là tấm bảng đó mới đúng là Thanh Xuân" - chị Minh người sống ở gần tiệm chia sẻ.

Món bánh Pháp ăn được hay không phải xem độ siêng của bạn tới đâu!

Ủa có gì đó sai sai... Tiệm bán hủ tiếu mà lại có món bánh Pháp?

Ừa! Nghe rất "trớt quớt" nhưng Pateso là món bánh nổi tiếng không kém của tiệm, được bán suốt mấy chục năm qua và trở thành món tráng miệng thuộc dạng "không thể thiếu" mỗi khi tới quán. 

Điều đặc biệt là mỗi ngày chỉ có duy nhất 100 chiếc Pateso, được bán từ 6h sáng cho đến khi hết thì thôi. Ai mà có tật lười dậy trễ hay tới muộn thì xác định "xếp hàng" chờ tới lượt ngày mai thì quay lại ăn. 

Tiệm hủ tiếu hơn 70 năm nổi tiếng với nồi sốt cà chua hầm cả Sài Gòn không đâu có, sở hữu tấm bảng hiệu được

Bánh Pateso được mang ra cùng, còn ăn hay không thì tùy lựa chọn của khách. Nhưng đa phần là ai cũng phải ráng dành bụng để "xơi" 1 cái cho đã.

Cô Tươi cho biết: "Bánh được làm riêng và vì ưu tiên chất lượng nên không có nhiều và cũng chỉ có giá là 10k/chiếc nên nhanh hết lắm".

Nếu những ai chưa biết Pateso là gì thì đây là món bánh có nguồn gốc từ Pháp, vỏ làm bằng bột mì phết bơ nướng cho nóng, phồng xốp. Còn bên trong là nhân thịt heo, nấm mèo và hành khô. Nhiều người chia sẻ rằng: "Bánh Pateso giờ ở Sài Gòn bán không nhiều, chỉ có thời xưa thì thịnh nên để tìm được một hàng bán bánh ngon cũng khó. Riêng bánh ở Thanh Xuân thì khỏi bàn, nó đã là ký ức của nhiều thế hệ mà theo mình thấy qua bao chục năm rồi mà vẫn không thay đổi cả về chất lượng lẫn mùi vị".

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang