Tiền bạc chính là cái kính chiếu yêu: Vay tiền và cho vay tiền phơi bày bản chất con người

Người trưởng thành quả thực có rất nhiều cái không dễ dàng gì, nhưng nếu có thể thì cố gắng đừng đem chuyện tiền bạc vào giữa tình thân hay tình bạn, bởi vì tính mạo hiểm của nó là vô cùng lớn, không cẩn thận một chút thôi là tình cảm sẽ tan vỡ vì tiền bạc lúc nào không hay.

01

Cách đây không lâu, có một tin tức như này:

Người mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, cần chi phí phẫu thuật lên tới hàng trăm triệu.

Đối với một gia đình bình thường, mấy trăm triệu để phẫu thuật quả thực là một con số không thể ngờ tới, người con trai K. vất vả chạy đôn chạy đáo suốt một tháng trời mới gom được 20 triệu, chỉ đủ tiền tiêm ở bệnh viện vài ngày.

Vì muốn cứu mẹ, K. chạy vạy khắp nơi, điện thoại gọi tới nóng cả máy, nhưng vẫn không gom đủ số tiền phẫu thuật.

Vừa nghe nói tới chuyện vay tiền, có người né nói không có, có người nói vừa cho vay hết rồi, có người thì kể lể nói mình còn nghèo hơn…

Dù có người chịu cho vay thì con số cũng rất ít ỏi.

Là con trai cả trong gia đình, nhìn người mẹ bệnh tật, người cha già, đứa em thơ dại, K. bất lực…

Kết quả nhân lúc người cha tới bệnh viện, K đã lựa chọn tạm biệt cuộc sống vì quá áp lực…

Một người chỉ khi lâm vào đường cùng, khi phải cúi đầu xuống vay tiền người khác, anh ta mới lĩnh ngộ ra được thế nào gọi là lực bất tòng tâm, thế nào là chó cắn áo rách.

Cũng giống như một câu nói trong bộ phim mang tên "Pegasus", nó đâm trúng tim đen của không biết bao nhiêu người:

"Sự suy sụp của người trưởng thành, đều bắt đầu từ việc vay tiền mà ra…"

Tiền bạc chính là cái kính chiếu yêu: Vay tiền và cho vay tiền phơi bày bản chất con người - Ảnh 1.

02

Một người bạn của tôi từng trải qua một câu chuyện hết sức rối lòng:

Vài năm trước, gần tới Tết, cậu ấy tới ngân hàng rút tiền mặt về để phát lương cho nhân viên.

Kết quả, vừa ra khỏi ngân hàng, đi được một đoạn đường thì bị một người đi xe máy giật mất túi tiền, bao nhiêu tiền của cứ thế không cánh mà bay.

Vì làm ăn không được tốt, công xưởng lỗ nhiều năm liền nên quả thực không thể rút ra thêm được ngần đó tiền nữa.

Hết cách, cậu ấy nghĩ tới chuyện đi vay tiền.

Ban đầu cậu ấy khá lạc quan vì nghĩ rằng bình thường quan hệ rộng, bạn bè làm ăn kinh doanh nhiều, mượn mỗi người một ít qua giai đoạn này chắc không phải chuyện gì khó khăn.

Nhưng, cậu ấy đã nhầm.

Điện thoại cho bạn bè, vừa nhắc tới chuyện vay tiền là ai nấy đều nói mình thực ra cũng chẳng có bao nhiêu, không thể cho vay được.

Có người còn nghi ngờ cậu ấy dựng chuyện bị cướp?

Tất cả những "anh em tốt" trước đó, nghe tới hai chữ vay tiền là ngay lập tức quên hết tình nghĩa huynh đệ.

Giai đoạn đó cậu bạn ăn không ngon ngủ không yên, không biết đào đâu ra ngần đó tiền bù vào.

Cuối cùng, cậu ấy đành đi nước cờ bất đắc dĩ nhất, tìm tới công ty cho vay nặng lãi và thế chấp nhà.

Một phân tiền cũng có thể làm khó anh hùng hảo hán, câu nói này không hề khoa trương tý nào.

Vay tiền sở dĩ có thể khiến người khác suy sụp, đó là bởi khi đi vay tiền sẽ khiến người khác triệt để cảm nhận được thế nào gọi là cô độc bất lực, vừa bất lực vì rơi vào đường cùng, vừa thất vọng vì không ai giúp đỡ.

Cũng giống như lời của cậu bạn, số tiền bị cướp khiến cậu ấy nhận rõ được hiện thực, thì ra mình cô độc tới vậy, trông thì có vẻ rất nhiều bạn bè, nhưng cuối cùng, chẳng có lấy một người sẵn sàng giúp đỡ.

Tiền bạc chính là cái kính chiếu yêu: Vay tiền và cho vay tiền phơi bày bản chất con người - Ảnh 2.

03

Người vay tiền suy sụp, người cho vay suy sụp hơn

Bởi lẽ không cẩn thận một chút thôi là sẽ có thể thành kết cục mất tiền mua thêm một kẻ thù, tới cuối cùng, tiền mất, bạn bè cũng tan.

Tháng trước, đồng nghiệp G. có kể chuyện cho tôi, nói chỉ vì 4 triệu bạc mà bạn thân nhất đã block cô ấy.

Lúc mới tốt nghiệp, nhà cô bạn thân kia có việc nên đã vay G. chút tiền.

G. thương bạn nên đã đưa hết 4 triệu mà mình tiết kiệm được lúc đó cho bạn vay, chỉ giữ lại vài trăm làm sinh hoạt phí cho mình.

Tháng đó, G. sống rất tằn tiện, chỉ dám ăn bánh bao với mỳ gói, gầy mất 2 cân thịt.

Nhưng cho dù như vậy, G. vẫn an ủi bạn, nói bạn khi nào có tiền hãy trả mình, không cần gấp.

Kết quả, cứ đợi cứ đợi rồi thành ra 2 năm.

Thấy cô bạn thường xuyên đăng lên trang cá nhân nào là Dior, nào là Chanel, G. mới vào hỏi liệu có thể trả mình 4 triệu ngày xưa được chưa.

Không ngờ cô bạn ấy không những không thấy xấu hổ mà còn vặn lại: "Có 4 triệu thôi mà, có cần phải đòi như thế không?"

Vừa chuyển khoản trả tiền xong, lập tức block luôn G.

G. hoang mang, rõ ràng là mình cho vay tiền, ai dè lại mua thêm một kẻ thù như vậy, tình cảm bao năm cứ vậy mà tan rã.

Một học giả từng làm một cuộc điều tra, kết quả cho thấy, người trả tiền đúng hạn và đúng đủ số tiền chỉ chiếm 24,2%, đến ¼ cũng chưa tới.

Đây chính là quy tắc vay tiền của người trưởng thành, tôi không cho anh vay, anh sẽ nghĩ là tôi không muốn giúp anh, tình cảm chúng mình cũng chẳng cần phải sâu đậm hơn làm gì.

Nhưng nếu tôi cho anh vay thì tôi lại không biết nên mở mồm ra sao mới có thể lấy lại số tiền đó, ai biết được anh có ý định trả tiền tôi đúng hạn hay không.

Bạn nói xem, chỉ vì chút tiền mà làm rạn nứt tình cảm đôi bên, cho vay cũng không được, không cho vay cũng không xong, có đáng để suy sụp hay không?

Tiền bạc chính là cái kính chiếu yêu: Vay tiền và cho vay tiền phơi bày bản chất con người - Ảnh 3.

04

Thứ cho vay đi không phải là tiền, mà là cái tình cái nghĩa

Tôi trước giờ không ủng hộ chuyện vay tiền của bạn bè người thân, bởi vì thứ bạn vay không chỉ là tiền mà nó còn là cái tình cái nghĩa.

Tiền vay đi thì dễ trả, nhưng tình người lại rất khó trả.

Từ nhỏ tới lớn, cứ nhắc tới cô là thím lại bắt đầu một tràng giang đại hải, nói cô vô tình vô nghĩa.

10 năm trước, cô làm ăn kinh doanh, không đủ tiền nên đã vay thím 20 triệu.

Cũng nhờ 20 triệu này mà cô làm ăn phát tài, trở thành nhà giàu nhất trong họ.

Vốn dĩ chỉ nghĩ câu chuyện đến đấy là kết thúc có hậu, ai ngờ, đó mới chỉ là bắt đầu.

Cứ tới dịp lễ tết, nếu cô không mang quà lớn quà nhỏ sang nhà thím là thím lại bắt đầu bài ca muôn thuở, "nếu năm đấy nhà mình không cho vay tiền, cô út liệu có ngày hôm nay hay không?"

Chỉ vì đã cho vay tiền mà thím lúc nào cũng cho rằng cô nên cảm ơn mình cả đời, dù có trả tiền rồi thì cũng vẫn phải luôn tỏ ra biết ơn ân nhân cho mình được như ngày hôm nay.

Vậy mới nói, khi người khác cho bạn vay tiền, là bạn đã nợ người ta cả hai chữ "tình nghĩa".

Dù bạn có trả cho đối phương cả lãi cả lời, thì thứ bạn nợ người ta vẫn là cái tình.

Trên mạng, từng có người nói, nếu bạn trân trọng một mối quan hệ nào đó, cố gắng bớt dính dáng tới chuyện tiền bạc lại.

Bởi lẽ, những mối quan hệ tốt thường được thiết lập trên cơ sở hai bên bình đẳng với nhau, nếu một bên thành chủ nợ, bên còn lại thành con nợ, vậy thì tình cảm hai bên sẽ bị mất cân bằng.

Ngoài ra, mối quan hệ vay mượn, và khoảng cách mong đợi trong tâm lý cũng rất dễ khiến một mối quan hệ trở nên mong manh và dễ bị tổn thương hơn.

Số tiền bạn mong đợi, không khớp với họ; thời gian bạn mong đợi, không khớp với họ; sự cảm kích mà họ dành cho bạn lại không khớp với mong đợi của bạn…

Nếu bạn có thể xử lý tốt sự "không ăn khớp" này, vậy thì tình cảm hai bên sẽ không bị ảnh hưởng.

Nhưng vấn đề là, rất nhiều người lại không làm được.

Tiền bạc chính là cái kính chiếu yêu: Vay tiền và cho vay tiền phơi bày bản chất con người - Ảnh 5.

05

Vay tiền, cho vay tiền, kẻ khó cuối cùng chính là bản thân

Có một câu chuyện:

Người bạn thân sắp kết hôn muốn mua nhà, L. hào phóng cho vay hàng chục triệu, thấy cho vay tiền mà giữ được tình cảm anh em thì cũng đáng.

Không ngờ không lâu sau, mẹ của L. bị bệnh nặng, cần gấp tiền để phẫu thuật.

Lúc này, L. mới gọi điện cho người bạn kia đòi tiền, kết quả đối phương lại nói tiền trả hết cho bên bất động sản rồi, tạm thời chưa thể trả được ngay.

Bất kể L. có nói ra sao thì người bạn kia vẫn đều kiên quyết hiện tại không thể trả được.

Không còn cách nào khác, L. chỉ còn biết đưa chuyện này ra pháp luật giải quyết.

Một bên là người mẹ đang cần phẫu thuật gấp, một bên là người bạn không thể trả tiền ngay, tình huống này, nghĩ thôi cũng đã thấy tréo ngoe.

Không ít người hiện đại luôn thiếu đi ý thức về nguy cơ, luôn quá lạc quan với hiện tại.

Khi người khác hỏi vay tiền, họ hoàn toàn không nghĩ tới chuyện nhỡ chẳng may có chuyện gì xảy ra mà mình không có tiền thì phải làm sao, cứ thế đưa hết tiền cho người khác vay.

 

Cho vay đi rồi mới biết, cho vay thì dễ mà đòi lại thì khó, đúng kiểu "người nợ là ông, người cho vay là cháu".

Vì tình vì nghĩa, cho vay tiền rồi mới phát hiện ra, mình đã tự đẩy mình vào thế khó.

Muốn cho vay tiền, trước tiên hãy nghĩ tới khả năng của mình, chỉ cho vay trong phạm vi năng lực của mình, luôn luôn phải nhớ chừa lại cho mình tiền để phòng những trường hợp cấp bách.

Cũng giống như nhiều người nói, trước khi cho vay tiền, chuẩn bị sẵn tâm lý là đối phương sẽ ì ra không chịu trả mình tiền ngay.

Cho vay hay vay tiền cũng đều dễ dàng khiến con người ta suy sụp, suy cho cùng cũng bởi vì tiền bạc chính là cái kính chiếu yêu, nó rất dễ chiếu rọi cái xấu xa trong bản chất con người.

Bất kể là vay hay cho vay đều không phải ngoại lệ, đều có nguy cơ bị cái xấu của con người đánh bại!

Người trưởng thành quả thực có rất nhiều cái không dễ dàng gì, nhưng nếu có thể thì cố gắng đừng đem chuyện tiền bạc vào giữa tình thân hay tình bạn, bởi vì tính mạo hiểm của nó là vô cùng lớn, không cẩn thận một chút thôi là tình cảm sẽ tan vỡ vì tiền bạc lúc nào không hay.

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/tien-bac-chinh-la-cai-kinh-chieu-yeu-vay-tien-va-cho-vay-tien-phoi-bay-ban-chat-con-nguoi-161212102200203638.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang