Tiếng khóc khát sữa của các em bé Nậm Chày theo chị đi học khiến cộng đồng xót xa

(lamchame.vn) - Nhiểu em nhỏ trường Tiểu học Nậm Chày (Văn Bàn, Lào Cai) vừa đi học nhưng vẫn phải trông em nhỏ đang tuổi bú mớm ngay trên lớp khiến thầy cô không khỏi xót xa nhưng không còn cách nào khác.

Mới đây, một video đăng tải về tình trạng các em nhỏ trường tiểu học Nậm Chày vừa đi học vừa phải chăm em, lo cho em miếng ăn giấc ngủ… của thầy giáo Triệu Quí Toàn, giáo viên Trường tiểu học Nậm Chày (Văn Bàn, Lào Cai) đã khiến dư luận hết sức bàng hoàng.

Ngay sau khi đăng tải clip này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng, rất nhiều người đã bày tỏ sự xót xa cho những em nhỏ vùng khó khăn đang ngày ngày vừa học chữ vừa trông em ngay trên lớp học.

Hình ảnh em Hóa trông em trong giờ học (cắt ra từ clip)

Trong clip cô học trò tuy bé xíu nhưng vẫn vừa viết bài vừa phải dỗ em. Em càng quấy khóc, chị càng không thể ngồi yên học bài. Sau đó cô bé ôm em vào lòng cũng không làm nguôi tiếng khóc. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của bạn ngồi cạnh, cô bé xốc em lên, buộc trên lưng để địu.

Tuy nhiên tiếng khóc của em nhỏ ấy không phải là trường hợp duy nhất học sinh phải mang em đến lớp. Trong lớp học mà thầy Toàn ghi lại, nhiều học sinh cũng phải mang em đi học cùng để trông nom thay cha mẹ.

Bữa trưa của các em được nhà trường phát

Do quá xót xa trước những hình ảnh học trò của mình nên thầy Triệu Quí Toàn muốn quay lại clip chia sẻ với cộng đồng. Thầy Toàn cũng cho biết, bé gái phải dỗ em trong clip là em Vàng Thị Hóa, học sinh lớp 5 tại điểm trường Hỏm Trên của Trường tiểu học Nậm Chày.

Gia đình em Vành Thị Hóa có 5 chị em, trên Hóa có 1 chị đã học cấp 2 nên không thể đưa em đi học theo được, Hóa phải trông. Sang năm Hóa lên lớp 6, đứa em chưa đầy 1 tuổi của Hóa có thể sẽ được giao lại cho em kế tiếp của mình.

Em Hóa chỉ là một trong rất nhiều em học sinh khác có hoàn cảnh tương tự. Các thầy cô giáo ở điểm trường đều phải chấp nhận hoàn cảnh “éo le” như vậy bởi nếu để em ở nhà thì chị cũng phải nghỉ để trông em.

Khó khăn trong các lớp học có tiếng khóc của con trẻ chỉ là một góc nhỏ so với những vất vả của thầy và trò Nậm Chày.

Theo thầy Toàn, những đứa trẻ ở vùng khó khăn như Hỏm Trên đều lớn lên theo cảnh “trứng gà, trứng vịt” nuôi nhau. Bố mẹ chúng phải vào nương thảo quả mất nhiều ngày mới về, nên các em phải tự trông nhau.

"Nhìn các em chúng tôi thương lắm, nhưng phải chịu thôi chứ biết làm thế nào. Khóc quá cho đứa em ra ngoài một tí rồi lại vào... Trên này nhiều cái vất vả, đây chỉ là góc nhỏ thôi", thầy giáo Toàn ngậm ngùi.

Thầy Toàn chia sẻ: “Trong những lớp học vùng cao các thấy cô chỉ mong ước đơn giản là có một chỗ ngồi yên ổn, các em ngoan để chị học bài. Thế là hạnh phúc rồi.

Mỗi ngày đến trường, đến lớp của thầy và trò tại Nậm Chày nói chung và các điểm trường nói riêng là những ngày đấu tranh với gian khó

Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Nậm Chày ông Sầm Văn Tuyến, cho biết: Khó khăn trong các lớp học có tiếng khóc của con trẻ chỉ là một góc nhỏ so với những vất vả của thầy và trò Nậm Chày.

Mỗi ngày đến trường, đến lớp của thầy và trò tại Nậm Chày nói chung và các điểm trường nói riêng là những ngày đấu tranh với gian khó để đến với cái chữ, thầy Tuyến chia sẻ.

Mùa mưa, sạt lở, mùa lạnh… thiên nhiên khắc nghiệt nhiều lúc nhìn các trò đến lớp trong hoàn cảnh thiếu thốn mà rơi nước mắt.

Được biết, xã Nậm Chày là địa phương đứng trong tốp đầu của huyện Văn Bàn và cũng là của tỉnh Lào Cai về tỷ lệ hộ nghèo với trên 60 %, dân trí thấp, tỷ lệ sinh cao lại dày nên những hình ảnh đầy xót xa như vậy là hình ảnh quen thuộc trên các lớp học.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang