#Tôi dạy con: Giúp 2 con ngừng tị nạnh nhau và còn trở thành "cạ cứng"

Tình chị em thắm thiết được một thời gian thì chú em vào tuổi chướng. Chú bắt đầu tranh cướp đồ chơi của chị, cắn chị, xô chị ra nếu thấy mẹ ẵm bồng chị. Cô chị chán nản thằng em tới nỗi đã đề xuất: “Mẹ ơi, mẹ coi có ai xin em Ben thì mẹ cho quách đi. Con không thể chịu nổi nó nữa rồi!”

Khi quyết định “vượt khó” để sinh bé thứ hai, mình đã nhìn con gái cả và thầm nghĩ: "Em bé sẽ là “món quà” lớn nhất mà ba mẹ tặng cho con đó." Mình hiểu trách nhiệm của ba mẹ là kết nối hai “món quà” đó lại với nhau, để chị hai vượt qua nỗi “mất mát” vị thế con một được cưng chìu, dần dần chấp nhận, yêu mến và là người dẫn đường cho em bé của mình. Đầu xuôi thì đuôi sẽ lọt, mình tin vậy!

Khi mẹ mang thai

Trong thời gian bầu bì, mình chuẩn bị tâm lý “có em” cho con khá tốt. Lúc đó con đã đi học được gần một năm, mến cô quen bạn nên mình cũng yên tâm mà có thêm thời gian để chăm sóc cho em bé suốt cả ngày dài. Khi đi khám thai, mình cũng cho con theo để con có thêm hiểu biết. Những sách vở mà mẹ đọc, nếu con quan tâm thì mẹ cũng tìm cách giải thích phù hợp với độ tuổi của con. Con cùng mẹ đi sắm sửa áo quần đồ dùng cho em bé. Con thích thú xem bụng mẹ to tròn dần qua mỗi tuần. Khi người quen sinh em bé, mình đi thăm cũng đưa con gái theo cùng, để con phần nào mường tượng em bé của mình sẽ trông như thế nào và cuộc sống gia đình mình sẽ thay đổi ra sao.

Vợ chồng mình cũng trò chuyện và thống nhất cùng vui chơi với con, ba cũng có thể tắm rửa cho con; đánh răng, đọc truyện cho con buổi tối, đưa đón con đi học. Nhờ đó bé vừa yêu mẹ vừa quấn ba. Mình yên tâm chồng sẽ là điểm tựa cho con khi mình ở cữ. Mình cũng nói rõ với con là khi có em bé mẹ sẽ bận bịu hơn, em còn yếu ớt luôn cần mẹ chăm sóc cả ngày. Có thể em sẽ khóc đêm, sẽ ị đùn, cũng y như con lúc bé vậy. Rồi còn sẽ thấy em lớn dần lên, biết cười biết nói, vỗ tay, biết đi và cùng chơi với con nữa đó!


Ảnh minh họa

Trong giai đoạn này, có đôi lần những người lớn vô tâm chọc ghẹo con: "Bé sắp ra rìa rồi nha", Mình rất muốn nổi giận, nhưng mình chọn cách bỏ qua những con người và những lời nói đó, bế con lên, nói nhẹ nhàng nhưng chắc chắn: Con luôn là con gái cưng của ba mẹ, không có chuyện ra rìa đâu nha! Rồi mình bế con đi ra khỏi bầu không khí u ám đó.

Mình còn nhớ như in khuôn mặt hãnh diện của con khi cùng ba vào viện thăm mẹ và em bé mới một ngày tuổi. Con nhẹ nhàng đung đưa nôi em, cười tươi tắn khi mẹ chụp hình hai chị em. Con về khoe khắp xóm là mẹ con sinh em bé rồi, khoe với cô giáo con đã lên chức chị hai rồi đó, em của con là em trai, nó chỉ bú mẹ thôi chứ chưa biết ăn cơm!

Giai đoạn nghỉ thai sản và chăm con nhỏ

Lý thuyết đã rành như vậy nhưng áp dụng vô thực tế sẽ lắm chuyện cười ra nước mắt. Dù mình có cố gắng dỗ em bé ngủ rồi sang đọc truyện, vỗ về con gái cả trước khi để con ngủ với ba, thì vẫn sẽ không tránh khỏi cảnh nhiều lúc con muốn được mẹ ôm ấp mà không được đáp ứng ngay. Mình vẫn nhớ một đêm con lỡ tè dầm giật mình dậy, rồi chạy qua phòng em kiếm mẹ, khóc nức nở: “Mẹ ơi, sao mẹ không ngủ với con?” Chồng mình cầm cái quần sạch của con chưa kịp thay cho, vẻ mặt ngái ngủ, chạy theo con, cười như mếu!

Giai đoạn này em bé cũng chỉ ăn sữa và ngủ, mình dù bận bịu vẫn bỏ nhỏ với ba bé, thỉnh thoảng vào cuối tuần ba ở nhà trông em chừng 2-3 tiếng, mình chở con đi công viên, đi xem phim. Con ôm níu cánh tay mẹ, ánh mắt ngước lên hạnh phúc nói: “Lâu lâu mẹ chở con đi chơi, con thích quá mẹ ơi!”


Từng ngày từng ngày, con chấp nhận sự hiện diện của em trong gia đình (Ảnh minh họa)

Dù nhiều khi thấy rối bời, mình vẫn dặn dò mọi người trong nhà không tỏ ra tội nghiệp cô chị. Chỉ cần hiểu và nhớ con đã phải “hy sinh” thế nào rồi bù đắp cho con sau đó mà thôi. Con dần ghi nhớ nhịp sống mới của gia đình, biết nhắc mẹ sao chưa vắt sữa cho em, thỉnh thoảng còn tò mò kéo tã em ra xem rồi gọi mẹ thay. Mẹ thấy bao mệt mỏi như tan biến khi một chiều con đi học về, vào ngắm em ngủ và nói: “Em nhà mình cũng dễ thương ha mẹ!”

Chú em rắc rối

Em bé tầm 8 tháng là đã tỏ ra mê chị rõ rệt, chị chơi gì em cũng mon men bò theo, thấy chị đi học về là nhún nhảy vui mừng. Tình chị em thắm thiết được một thời gian thì chú em vào tuổi chướng. Chú bắt đầu tranh cướp đồ chơi của chị, cắn chị, xô chị ra nếu thấy mẹ ẵm bồng chị. Cô chị chán nản thằng em tới nỗi đã đề xuất: “Mẹ ơi, mẹ coi có ai xin em Ben thì mẹ cho quách đi. Con không thể chịu nỗi nó nữa rồi!”


(Ảnh minh họa)

Vợ chồng mình một mặt áp dụng “kỷ luật không nước mắt” với chàng út, một mặt kiên trì trò chuyện để chị hai bao dung với em hơn. Mình không bao giờ phớt lờ cảm xúc tức giận, đau khổ của con gái, để kịp thời an ủi nâng đỡ con. Nhưng mình cũng nói để con hiểu rằng, khi con ở vào tuổi của em bây giờ, con cũng chướng như vậy, con cũng làm hư hỏng bao nhiêu là đồ chơi của ba mẹ, nhưng ba mẹ vẫn tha thứ cho con đó.

Một lần con gái quyết liệt tìm cách “cho em” đến mức mình đã phải đồng ý là nếu con tìm được ai nhận nuôi em thì mẹ sẽ cho. Con hỏi khắp và cuối cùng có một bà trẻ đồng ý nhận nuôi. Hôm bà đến đón em, mình bảo con soạn đồ cho em để bà đem theo về, bỗng con mếu và nói mẹ ơi hay là thôi để em lại nuôi đi. Bà trẻ làm căng, bảo bà đã đến rồi, bà sẽ đón Ben về, taxi đợi ngoài ngõ rồi kìa. Con òa khóc ôm mẹ xin mẹ nói với bà để giữ em lại. Mình phải vờ dắt con ra “điều đình” với bà, rằng em Ben vẫn còn bú mẹ, về nhà bà không có sữa mẹ, nên bây giờ bà về đi, sau này em lớn nếu em đồng ý ở với bà thì con mới cho bà!


Sau dạo đó, mỗi lần em làm con “phát điên” là con chạy vào phòng, đóng cửa lại, ở trong đó chơi một lát cho tới khi bớt giận mới ra. Mình trân trọng nỗ lực đó của con!

Đến một ngày, chị hai do chạy nhanh, va vào chiếc xe bị xước chân chảy máu. Chị đau đến nỗi không thể tự đứng lên, phải đợi mẹ đến bế dậy. Mình vừa ẵm dỗ con, vừa gọi “Ben ơi lượm dép cho chị đi con”. Mẹ bế chị chạy về nhà sơ cứu, chú em lúp xúp chạy theo hai tay cầm hai chiếc dép của chị. Về nhà mẹ rửa ráy rồi đi lấy băng cá nhân cho chị, quay ra thấy chú em đứng xoa xoa chân chị, còn cuối xuống hôn. Cô chị xúc động quên cả khóc!


(Ảnh minh họa)

Hai chị em cứ thế, đánh nhau đấy rồi lại quay ra giỡn chơi. Còn mình, chỉ một lòng giữ bình tĩnh, yêu cả hai con công bằng và vun vén cho tình cảm chị em mới chớm nở còn nhiều bồng bột ấy. Mình biết, con học và hiểu về sự khác biệt, sự cạnh tranh, sự hợp tác ngay từ chính trong gia đình mình, với các anh chị em của mình, nên con có “uýnh nhau” hay cãi cọ cũng không phải là điều đáng sợ. Vì cứ cùng “chiến đấu” thì ắt sẽ nảy sinh tinh thần đồng đội thôi mà! Đôi khi thấy bọn chúng “sát cánh” lập mưu qua mặt ba mẹ mà phải phì cười luôn đó chứ!


(Ảnh minh họa)

Hôm qua con gái ôm mình hỏi: “Mẹ ơi, vì sao người lớn hay nhường người nhỏ?”. Mình đã trả lời con rằng: “Vì người lớn yêu thương người nhỏ đó con. Người lớn nhường nhịn, rồi bảo ban người nhỏ. Người nhỏ nhìn người lớn yêu thương mình, sẽ học được cách yêu thương!”

Mình biết, con đường để chị em chúng gắn bó như thể tay chân khi tới tuổi trưởng thành sẽ còn nhiều đoạn gập ghềnh phải đi qua. Nhưng tình yêu nào mà chẳng cần thời gian vun đắp. Mình tin rồi đây con sẽ hiểu có anh chị em là một diễm phúc trên đời, để mai này cùng nhau ôn lại những kỷ niệm ấu thơ ngọt ngào bên ba mẹ, để lưu giữ những trò “trẻ trâu bá đạo” nhất cho nhau!

Theo Làm Cha Mẹ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang