Nhắc tới đất nước Đan Mạch, người ta nghĩ ngay tới truyện cổ Andersen, đồ chơi Lego, bia Carlsberg và 'danh hiệu' quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng nay, Đan Mạch lại được nhiều người nhắc đến bởi trẻ em ở đây được giao dục một cách rất đặc biệt.
Đơn cử như cuốn "The Danish way of parenting" (Làm cha mẹ kiểu Đan Mạch) của hai nữ tác giả Iben Sandahl - một nhà trị liệu tâm lý người Đan Mạch, và Jessica Alexander - nhà báo Mỹ lấy chồng Đan Mạch, tới nay đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng.
Đây cũng là một trong những cuốn sách về giáo dục con cái bán chạy nhất của Amazon.com và được đưa vào giảng dạy tại nhiều nơi tại Mỹ.
|
Thế nào là "PARENT"?
Jessica Alexander nảy ra ý tưởng viết cuốn sách này khi về quê chồng chơi và nhận thấy trẻ em nơi đây vui vẻ, tự tin, hòa đồng, dễ thích ứng với hoàn cảnh hơn, so với trẻ em Mỹ.
Cách giáo dục con trẻ của người Đan Mạch đã được hai đồng tác giả, cũng là hai bà mẹ, tóm tắt bằng từ "PARENT", sơ lược như sau:
P - Play: chơi đùa tại trường mẫu giáo, trường học với các bạn đồng trang lứa, vui chơi trong thiên nhiên với gia đình và bạn bè là một cách cho trẻ học hỏi về cuộc sống.
A - Authenticity: chân thực, các bậc làm cha mẹ cần trung thực với con cái. Nên cho con cái biết suy nghĩ thực sự của mình thay vì chỉ đưa ra những lời ca ngợi.
R - Reframing: điều chỉnh. Khi trẻ gặp chuyện không như ý thì nên hướng chúng vào những suy nghĩ, những mặt tích cực của vấn đề. "Hãy giúp con bạn tập trung vào những gì chúng có thể làm, thay vì những gì chúng không thể làm được".
E - Empathy: đồng cảm. Dạy cho trẻ thể hiện lòng trắc ẩn, sự đồng cảm cho bản thân và đối với người khác, tôn trọng và cố gắng thực sự hiểu mọi người.
N - No ultimatums: Không có tối hậu thư. Không nên độc đoán áp đặt các nguyên tắc của mình mà nên giải thích rõ ràng, tạo niềm tin trong con cái với cha mẹ.
T - Togetherness: kết hợp. Cùng trải qua những giây phút ấm cúng với bạn bè và gia đình là một phần trong cuộc sống hàng ngày ở Đan Mạch, góp phần tạo nên sự tin tưởng, thân cận, và thói quen lắng nghe. Cha mẹ cần có thời gian cùng sinh hoạt với con cái, như chơi chung, đi dạo, làm việc nhà, ...
|
Yêu thương thôi chưa đủ
Một nữ tác giả khác, Sofie Munster - người sáng lập ra tạp chí online Nordic Parenting cho các bậc phụ huynh, trong hai cuốn "Yêu thương thôi chưa đủ" và "Sự khôn ngoan là điều bạn thực hành", thì khuyên các bậc cha mẹ tạo cho con trẻ thói quen tự lập từ khi còn rất nhỏ bằng cách giao việc theo độ tuổi.
Thí dụ, trẻ được 3-4 tuổi thì có thể bỏ quần áo bẩn vào giỏ đồ giặt, dọn dẹp đồ chơi, treo áo khoác, để giày vào đúng chỗ, cho chó mèo ăn, … Qua đó trẻ sẽ tập thói quen có trách nhiệm với bản thân và với những người chung quanh.
Munster cũng là người thực hiện chương trình "Nuôi dưỡng một người thành công" trên đài TV2 cùng với chuyên gia xã hội học Nicolai Moltke-Leth. Tuy nhiên Munster không chủ trương thúc ép con cái như "Mẹ hổ" Mỹ Amy Chua - tác giả cuốn "Battle Hymn of the Tiger Mother".
Đối với Munster thì "một người thành công là người có thể tự đứng trên chân của mình và tạo dựng một cuộc sống tốt và thích hợp với bản thân". Không ai có thể mãi là nhân vật trung tâm trong mọi hoàn cảnh nên người ta cần biết chấp nhận là trong cuộc sống có những chuyện không theo ý mình.
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.