Trẻ em cũng bị tăng huyết áp

Tăng huyết áp hiện nay không còn là bệnh của người lớn mà trẻ em cũng có thể mắc. Tỉ lệ trẻ bị béo phì, lười hoạt động tăng cao khiến bệnh tăng huyết áp (THA) ở trẻ cũng gia tăng.

Vì sao trẻ em bị tăng huyết áp?

Nguyên nhân gây THA ở trẻ có nhiều, từ những nguyên nhân gây THA cấp tính như các vấn đề liên quan đến thận, mạch máu, thuốc và thức ăn đến các nguyên nhân gây THA kéo dài hoặc mạn tính như hẹp eo động mạch chủ, suy thận mạn, bệnh lý chủ mô thận, bệnh lý mạch máu thận, u thận... Những yếu tố nguy cơ dẫn đến THA nguyên phát ở trẻ em gồm: THA bẩm sinh do di truyền hoặc do tiền sử gia đình, bị thừa cân, béo phì, tiểu đường type 2 và tăng cholesterol hoặc triglyceride. Việc tìm kiếm nguyên nhân là vấn đề rất quan trọng để chẩn đoán THA ở trẻ em.

Các bậc cha mẹ nên nhớ những trường hợp cần theo dõi huyết áp ở trẻ em gồm: trẻ có tiền sử sinh non, rất nhẹ cân, hoặc biến chứng trong thời kỳ sơ sinh cần được hồi sức tích cực; trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh đã phẫu thuật hoặc chưa phẫu thuật; nhiễm khuẩn tiểu tái phát, tiểu máu hoặc tiểu đạm tái phát; bệnh thận hoặc các dị dạng đường niệu; tiền sử gia đình bị bệnh thận bẩm sinh; trẻ ghép tạng đặc (gan, thận…); bệnh ác tính hoặc được ghép tủy; trẻ dùng các loại thuốc có nguy cơ làm THA; trẻ mắc các bệnh hệ thống khác có liên quan đến THA (như đa u sợi thần kinh); có bằng chứng tăng áp lực nội sọ.

Trẻ em cũng bị tăng huyết áp - Ảnh 1.

Chỉ số huyết áp ở trẻ em.

Cách xác định tăng huyết áp ở trẻ em

Khác với việc xác định THA ở người lớn, không có một định nghĩa cụ thể nào về mức huyết áp bình thường ở trẻ em dựa trên việc chỉ đọc huyết áp tâm thu trên huyết áp tâm trương. Ở trẻ em, những chỉ số huyết áp được coi là bình thường phụ thuộc vào tuổi, giới tính và chiều cao của trẻ. Thông thường, huyết áp của trẻ thấp hơn mức huyết áp bình thường của người trưởng thành. Nếu huyết áp của trẻ ở mức cao trong cả 3 lần khám liên tiếp thì cần thiết phải tiến hành thêm xét nghiệm để kiểm tra chính xác trẻ bị THA hay do bệnh lý khác. Việc làm các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu và siêu âm thận có thể cần thiết để giúp xác định nguyên nhân gây THA ở trẻ.

Trẻ bị THA ban đầu không có bất kì triệu chứng gì. Ở một số trường hợp có các biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, nôn ói, đỏ bừng mặt, hồi hộp, vã mồ hôi, đánh trống ngực, co giật, giảm thị lực, mệt mỏi, phù... Giống như ở người trưởng thành, THA ở trẻ em cũng là “bệnh giết người thầm lặng”, bởi nó hiếm khi biểu hiện rõ ràng, biến chứng đến bất ngờ và nguy hiểm. Nếu trẻ bị THA kéo dài mà không được phát hiện sớm và điều trị sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Những biến chứng tim mạch liên quan đến THA trẻ em bao gồm: phì đại tim (phì đại thất trái) có thể tiến triển thành suy tim, tổn thương mạch máu, tổn thương võng mạc mắt, biến chứng thần kinh. Trẻ em và trẻ vị thành niên bị THA có thể tiếp tục bị THA khi trưởng thành nếu không được điều trị, đồng thời gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ, cơn đau tim, suy tim và bệnh thận.

Chẩn đoán trẻ em bị THA phải do các bác sĩ đo bằng các thiết bị dành riêng cho từng lứa tuổi. Tuy nhiên các nhà tim mạch học cũng chỉ đưa ra một con số chung cho từng lứa tuổi để xác định (xem bảng trên). Khi chỉ số huyết áp của trẻ em cao hơn huyết áp bình thường thì cần theo dõi thêm để có chẩn đoán chính xác về THA.

Trẻ em cũng bị tăng huyết áp - Ảnh 3.

Cần hạn chế cho trẻ ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ để phòng tăng huyết áp.

Phòng ngừa là quan trọng nhất

Phòng ngừa THA cho trẻ bằng cách đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, khoa học: khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ cần được tính toán lượng dinh dưỡng phù hợp. Nên hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm có nhiều đường, dầu mỡ, mặn, những thức ăn nhanh, đồ uống có đường, thực phẩm chế biến sẵn, các món ăn nhanh, ăn vặt. Cùng với đó là tăng cường chế độ ăn nhiều chất xơ, trái cây, rau xanh...

Tăng cường hoạt động thể chất: nên hướng trẻ tham gia vui chơi, hoạt động ngoài trời, tập thể dục, khuyến khích trẻ năng động và yêu thích, đam mê, luyện tập môn thể thao nào đó để duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý. Thời gian hoạt động thể chất của trẻ khoảng 60 phút mỗi ngày. Hạn chế việc trẻ ngồi quá lâu trước màn hình vi tính, xem tivi, chơi game,...

Giảm áp lực học tập cho trẻ: trẻ cũng có thể bị stress khi áp lực học hành quá lớn, tâm lý căng thẳng mệt mỏi từ cha mẹ, bạn bè, gia đình... Mà đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc THA, ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang