Từ thử thách kinh dị Momo: Chỉ vì cãi nhau với bạn, trẻ lớp 2 đã muốn chết

(lamchame.vn) - Liên quan thử thách kinh dị Momo, bác sĩ lưu ý với các bậc cha mẹ, nếu trẻ có bất cứ biểu hiện tâm sinh lý nào khác thường, đầu tiên cha mẹ cần bình tĩnh, cảm thông, tôn trọng, hỗ trợ,  đồng hành với trẻ, không chỉ trích trẻ gây ra những hậu quả xấu.

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh sợ hãi khi phát hiện con bị tấn công tinh thần, đe dọa và yêu cầu thực hiện thử thách nguy hiểm đến tính mạng bởi nhân vật ảo Momo.

Momo đã bị khai tử

Nhân vật búp bê Momo hay cụ thể là "Thử thách Momo" (Momo Challenge) được cho là trào lưu đến từ nước Anh từ tháng 8.2018. Trong các đoạn video "Thử thách Momo", nhân vật Momo là một người phụ nữ đầu người thân gà có mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi như zombie sẽ có những lời nói hướng dẫn người xem cách tự tử hoặc tự làm hại bản thân. 

Ban đầu, Momo chỉ là một tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa. Vào tháng 8-2016, tại triển lãm nghệ thuật chủ đề "Ghost Gallery" tại Ginza, tác phẩm này được trưng bày.

Nghệ sĩ điêu khắc người Nhật Bản Keisuke Aisawa không thể tưởng tượng được một trong những tác phẩm điêu khắc mà anh tâm đắc nhất, từng gây tiếng vang lớn khi trưng bày tại Phòng triển lãm Vanilla tại Tokyo năm 2016, lại trở thành “công cụ” cho một trào lưu khủng khiếp, độc hại và gây ám ảnh nhất.

Theo The Sun, Keisuke cho biết anh đã vứt bỏ tác phẩm điêu khắc của mình, vốn được làm từ cao su và dầu tự nhiên, vào mùa thu 2018. "Nó đã mục nát rồi nên tôi đã vứt nó đi. Mọi người, những đứa trẻ giờ có thể yên tâm bởi Momo đã chết và lời nguyền sẽ biến mất", Keisuke Aisawa nói.

Quái vật Momo đã bị chủ nhân khai tử

Aiso nói rằng bản thân cảm thấy có trách nhiệm khi hình ảnh của Momo được dùng để hù dọa mọi người trong trào lưu "Thử thách Momo".

Trẻ lớp 2 muốn tự tử

Theo thông tin Ths-BS Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, dù có nghe thông tin về trào lưu thử thách Momo đang xôn xao mạng xã hội, nhưng thực tế bác sĩ chưa từng gặp ca bệnh nào bị ảnh hưởng trực tiếp từ trào lưu này. Tuy nhiên những ảnh hưởng từ truyện tranh, mạng internet … sau đó trẻ nhỏ gián tiếp làm hại bản thân thì Ths Mai Hương gặp khá nhiều.

Cụ thể, Ths-BS Nguyễn Mai Hương kể rằng bà đã từng gặp những trường hợp như vậy, mới đây có một cháu bé lớp 2, chỉ vì cãi nhau với bạn mà chạy ra sông đòi nhảy xuống sông chẳng hạn, hay có những trẻ có suy nghĩ tiêu cực  như muốn nhảy từ tầng 2 xuống đất để…. chết.  Những hành vi này thường chúng tôi gặp ở trẻ vị thành niên nhưng cũng có những trường hợp  ở trẻ nhỏ tuổi.

Thực ra những ý tưởng tự sát đơn độc chưa đủ cấu thành nên 1 bệnh lý, những suy nghĩ tự sát hay hành động tự làm đau hay đi kèm với  các rối loạn tâm lý, bệnh tâm thần, thường gặp nhất là trong rối loạn trầm cảm, các vấn đề cảm xúc, tư duy của những rối loạn này thúc đẩy sự xuất hiện những hành vi tự sát hoặc tự làm đau mình.

Ví dụ như khi trẻ bị trầm cảm, trẻ sẽ  luôn cảm thấy chán nản, bi quan, không tin tưởng người khác, luôn cho rằng mình có lỗi, hoặc có tội gì đó, hoặc nghĩ mình không có giá trị. Từ đó nảy sinh ý tưởng tự sát và lập kế hoạch tự sát…. Tự sát có 3 giai đoạn  là xuất hiện ý tưởng muốn tự sát, sau đó lập kế hoạch và thực hiện hành vi tự sát…

Làm gì với trẻ có ý tưởng tự sát

Với trẻ có ý tưởng tự sát cần phải đưa trẻ đi khám ngay, càng sớm càng tốt. Bác sĩ lưu ý với các bậc cha mẹ, nếu trẻ có bất cứ biểu hiện tâm sinh lý nào khác thường, trong đó có cả hành vi tự làm đau bản thân, đầu tiên cha mẹ cần bình tĩnh, cảm thông, tôn trọng, hỗ trợ,  đồng hành với trẻ. Nhiều trường hợp cha mẹ chỉ trích trẻ gây ra những hậu quả xấu.

Nếu có những tổn thương gây ảnh hưởng sức khỏe cần đưa trẻ xử lý vết thương, sau đó đưa trẻ đi khám chuyên khoa, phối hợp với bác sĩ can thiệp cho trẻ nếu cần. Có một số cha mẹ bỏ qua không đi khám và điều trị cho con, có bậc phụ huynh lại làm trầm trọng hóa vấn đề, tất cả đều không tốt cho trẻ.

Cha mẹ cần giữ thái độ tôn trọng, quan tâm tới trẻ. Nếu chú ý quá mức hoặc không chú ý quan tâm trẻ đều là cách ứng xử không phù hợp với những trẻ có hành vi tự làm đau. Tốt nhất cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang