Một trong những ồn ào gây chấn động nhất làng giải trí Việt năm nay chính là scandal đời tư của Hiền Hồ. Khép mình được một thời gian thì cho đến gần đây, nữ ca sĩ dần quay trở lại với nghệ thuật khi chạy show, ra bài hát, có mặt ở nhiều sự kiện,... Sự trở lại khi vụ việc vẫn chưa lắng xuống khiến Hiền Hồ vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội. Và mới đây nhất chính là việc giọng ca Em ngày xưa khác rồi bị trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM gạch tên khỏi danh sách nghệ sĩ biểu diễn trong phút chót.
Cụ thể cách đây ít ngày, một trang Fanpage của trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã giới thiệu ca sĩ Hiền Hồ sẽ là khách mời trong đêm hội Chào tân sinh viên của trường. Bài đăng nhận về phản ứng dữ dội của sinh viên trong trường. Nhiều người cho rằng với những bê bối từng dính phải, nữ ca sĩ này không nên xuất hiện dày đặc ở các sự kiện âm nhạc, đặc biệt là một chương trình nghệ thuật tại trường học.
Chỉ vài tiếng trước khi sự kiện diễn ra, một trang Fanpage khác của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đăng tải bài viết cập nhật những khách mời sẽ có mặt trong đêm hội Chào tân sinh viên của trường. Theo đó, những ca sĩ đã được giới thiệu trước đó vẫn có mặt trong danh sách. Riêng Hiền Hồ đã vắng mặt khỏi danh sách biểu diễn chính thức này. Đại diện trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng xác nhận nhà trường đã dừng việc mời nữ ca sĩ biểu diễn tại ngày hội của trường.
Sự "tẩy chay" của bộ phận khán giả trẻ nhận được sự đồng tình của phần lớn công chúng. Từ trước đến nay, làng giải trí Việt có không ít nghệ sĩ phải "ở ẩn" vì những bê bối liên quan đến đời tư. Tuy nhiên cứ đợi một thời gian mà sự việc êm dịu thì họ tiếp tục "đam mê nghệ thuật", trở lại đường đua, chạy show như chưa có chuyện gì xảy ra. Dù scandal ảnh hưởng đôi chút đến hình ảnh nhưng sự thản nhiên, vô tư đi hát, giao lưu cùng khán giả.
Trong khi đó, làng giải trí của một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, một khi nghệ sĩ có bê bối về đời tư thì dường như "hết cửa để trở lại". Không chỉ nhà sản xuất, nhãn hàng, cơ quan quản lý mà chính khán giả là những người có "quyền lực tối cao" nói không với sự xuất hiện của nghệ sĩ có scandal vi phạm đạo đức. Khái niệm "phong sát" ở các nền giải trí mạnh không phải hình thành mới đây mà đã có từ lâu. Từ những vụ việc như Hiền Hồ, một số khán giả Việt yêu cầu làng giải trí nước nhà nên có biện pháp để răn đe nghệ sĩ vi phạm đạo đức, hoặc "phong sát" như làng giải trí quốc tế.
Người xưa có câu: "Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại" để biểu thị thái độ bao dung, tha thứ và tạo cơ hội để sửa đổi. Trước việc Hiền Hồ bị phản đối biểu diễn, một nhóm khán giả bày tỏ không nên tẩy chay với thái độ quá gay gắt. Không những vậy, còn có một vài ý kiến phân tích lỗi sai và đưa ra lời khuyên "Hiền Hồ nên sống chậm lại, dành thời gian suy nghĩ rồi quay trở lại với hình ảnh chín chắn hơn thì khán giả sẽ dễ tiếp thu".
Tạo cơ hội để sửa đổi cũng là ý niệm ban đầu của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM khi quyết định mời Hiền Hồ về biểu diễn. Cụ thể, khi chính thức lên tiếng về vụ việc hủy show của Hiền Hồ, đại diện của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM chia sẻ: "Khi mời Hiền Hồ, tôi nghĩ rằng nên cho Hiền Hồ được cơ hội để sửa chữa lại những gì mà mình đã mắc phải vì chúng ta đánh người chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Thế nhưng sau đó, qua nắm bắt nhà trường biết sinh viên tranh luận về việc mời ca sĩ Hiền Hồ nên đã cắt tiết mục của Hiền Hồ, đây là bài học của nhà trường và cũng là bài học cho những người từng bị tai tiếng".
Tuy nhiên, tạo cơ hội sửa chữa không sai nhưng vấn đề cốt lõi ở đây đến từ thời điểm và vị trí đặc biệt của người tạo ra lỗi lầm. Có người nói nghệ sĩ cũng như những người bình thường, sẽ có lỗi lầm và cần thời gian sửa chữa. Tuy nhiên một khi bạn đã nhận ánh hào quang, sống bằng tình yêu thương của khán giả, ngồi vị trí mà không phải ai cũng ngồi được thì bạn đã đã là một cá nhân đặc biệt hơn người khác, và trách nhiệm của những người nổi tiếng không dừng lại ở một công dân nữa rồi. Nghệ sĩ phải có ý thức với toàn bộ lời nói, hành vi của mình vì họ có sức ảnh hưởng, có người hâm mộ.
Hơn hết, là nghệ sĩ nhưng ồn ào của Hiền Hồ đi sai với quy chuẩn. Khi mà sự phẫn nộ của khán giả vẫn còn đó thì nữ ca sĩ lại quay trở lại rầm rộ. Rồi khi một cư dân mạng đặt câu hỏi "chị không được diễn ở trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nữa hả" thì Hiền Hồ dửng dưng "rồi có sao đâu em".
Sự phản đối của các sinh viên phản ánh sự thay đổi của khán giả về cách nhìn nhận và đón nhận một nghệ sĩ. Rõ ràng, khán giả luôn có quyền tiếp thu và từ chối tiếp thu, nên với những cá nhân có hành vi sai lệch cần có sự răn đe nghiêm khắc mà chính khán giả là những người có "quyền lực" này.
Nhận sai, xin lỗi để xoa dịu dư luận rồi quay lại với nghệ thuật vô hình chung trở thành kịch bản cho những nghệ sĩ vướng bê bối đời tư. Nhưng ở thời điểm hiện tại, biết lỗi và nhận lỗi là chưa đủ. Đã đến lúc khán giả cần quyết liệt hơn và sự phản đối dẫn đến việc bị hủy show phút chót của Hiền Hồ chính là hồi chuông cảnh tỉnh rõ ràng nhất.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.