Tuệ An - Người làm công việc chữa "vết thương lành" cho phụ nữ: "Các chị em hãy bớt càm ràm, đừng nhắc nhiều đến nỗi đau của bản thân nếu muốn tâm an"

Phụ nữ bây giờ cần biết nhiều thứ để hình thành lối sống tích cực và thậm chí tự biết cách chữa lành mọi 'vết thương'.

Người chữa vết thương lành cho phụ nữ: Phụ nữ đừng càm ràm, đừng nhắc đến nhiều nỗi đau của bản thân, buông xả để tâm an - Ảnh 1.
 

Thời đại công nghệ số phát triển, các nền tảng mạng xã hội (MXH) lần lượt ra đời nhằm gắn kết mọi người lại với nhau, mang đến nhiều loại hình giải trí độc đáo. Một trong số đó, phải kể đến nền tảng MXH TikTok. Đây là loại hình giải trí, cho phép người dùng hàng loạt các video sáng tạo để thu hút người xem. Tuy nhiên, ngoài những video sáng tạo của giới trẻ, loại hình hài vui nhộn thì cũng xuất hiện các video chia sẻ về phương châm cuộc sống. Điển hình nhất có thể nhắc đến những cái tên như: Trần Ngọc Quân, Mc Radio, sư thầy Thích Nhân Tâm,… và mới đây nhất là người phụ nữ Tuệ An.

Người chữa vết thương lành cho phụ nữ: Phụ nữ đừng càm ràm, đừng nhắc đến nhiều nỗi đau của bản thân, buông xả để tâm an - Ảnh 2.
 

Tuệ An (sinh năm 1989, Hà Nội) là người phụ nữ chia sẻ những vết thương lòng và gỡ rối chính nó cho phụ nữ trên TikTok, hầu hết các video của cô đều có độ "viral" cao và nhận về hàng triệu view chỉ sau 24h đăng tải. Cô xuất hiện với vóc dáng nhỏ nhắn, giọng điệu nhẹ nhàng nhưng cũng đầy quyết đoán mỗi khi xoáy sâu vào nỗi đau của phụ nữ, cách mà họ có thể vượt qua cho chính bản thân họ và những người xung quanh.

Vừa qua, Tuệ An đã có buổi trò chuyện cùng với Afamily, cô cho biết, nguyên nhân gốc rễ chính mà phụ nữ thường xuyên chịu nỗi đau chính là chưa hiểu được bản thân mình đang muốn điều gì, nên cho đi và để lại những gì. Họ bị mất cân bằng giữa việc tạo dựng giá trị cho bản thân và trao đi tình yêu thương với mọi người.

Xây dựng TikTok về phụ nữ là để cho đi giá trị chứ không hề mong muốn nhận về "tiền thưởng"

 
 

Chị bắt đầu chia sẻ nền tảng kiến thức trên nền tảng mạng xã hội TikTok từ khi nào?

Mình bắt đầu xây dựng kênh TikTok từ tháng 10 năm 2020. Lúc bấy giờ các video chia sẻ trên đó chủ yếu được cắt ghép từ các khóa đào tạo, tư vấn chữa vết thương lành cho nhiều người phụ nữ. Về cơ bản, nền tảng mạng xã hội TikTok là nơi để giúp mình lan tỏa nhanh hơn đến với giới trẻ, bởi trên đó hầu hết là phải đến 90% giới trẻ sử dụng.

Điều gì khiến chị lựa chọn chủ đề về phụ nữ để chia sẻ chứ không phải là một vấn đề tâm lý xã hội khác?

Bản thân mình cũng là phụ nữ, mình cũng trải qua những cay đắng nhất định trong cuộc sống. Gia đình phá sản, hôn nhân từng lâm vào bế tắc cả vợ và chồng đều rơi vào trầm cảm một thời gian dài. Lúc đó, không còn cách nào khác là cả hai vợ chồng phải đứng dậy làm lại. Khi đó hai vợ chồng cùng nỗ lực đứng lên, cảm nhận được cuộc sống này còn nhiều thứ giá trị, và còn nhiều người khổ sở hơn để từ đó cả hai có thể trở lại là bình thường. Sau đó, hai vợ chồng gần như làm mọi thứ có thể bán hàng online, bán đủ thứ, bán cả những chiếc vòng tay đá nhỏ nhỏ. Rồi hai vợ chồng quay trở lại kinh doanh, kinh tế đi lên, mối quan hệ cũng hạnh phúc và hòa hợp hơn thì lúc bấy giờ mình mới nghĩ đến việc, tại sao mình không lan tỏa năng lượng này đến cho phụ nữ để họ có thể vượt qua được chính mình. Và khởi đầu bằng việc mình lập hội nhóm trên facebook, tìm kiếm những người cũng từng như mình, hơn mình để giúp họ vượt qua được ngã rẽ của cuộc đời.

 
 

Khi xây dựng kênh và đưa ra những thước video như vậy. Chị nhận thấy giới trẻ chủ yếu quan tâm đến vấn đề gì?

Hầu hết là quan tâm đến vấn đề chữa lành tổn thương, vượt qua đau khổ và có được hạnh phúc đích thực. Đa số nhận ra bản thân họ đều có những nỗi đau của riêng mình. Có bạn trẻ đau vì tiền, vì tình, hôn nhân gia đình, có người đau về cha mẹ. Và dường như tất cả đều chưa tìm được căn nguyên của vấn đề để "chữa" vết thương lòng đó. Cho nên, những thước video của mình chia sẻ lên cũng mong muốn giúp một phần nào đó cho các chị em phụ nữ hiểu được vấn đề và đưa ra quyết định sáng suốt.

Những video chị đưa lên có vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dân mạng không?

Có chứ. Cũng có nhiều bạn trẻ vào một số video để lại bình luận không đồng ý với quan điểm mà mình đưa ra. Theo mình ước lượng có khoảng 30% là không đồng ý với những quan điểm mà mình đưa ra trên các video. Trong đó có cả nam và nữ. Có thể họ là những người có suy nghĩ khác, hoặc có thể cuộc sống của họ chưa va vấp những tình huống như vậy nên việc họ đưa ra quan điểm khác là điều bình thường.

Nhiều người cho rằng, chị xây dựng kênh chia sẻ như vậy cuối cùng cũng chỉ để kinh doanh. Chị thấy thế nào?

Năm 2019 thì mình quyết định từ bỏ tất cả để làm công việc này. Mình bỏ hết công việc từ một việc rất tốt ở một tổ chức phi chính phủ của UK đến các công việc kinh doanh khác để thực hiện sứ mệnh mang đến những điều giá trị tốt đẹp cho phụ nữ. Khi mà mình bắt đầu làm công việc này, mình có quan điểm, nếu mình làm giáo dục vì kiếm tiền thì mình sẽ không bao giờ làm. Tại vì để kinh doanh, thì mình có nhiều lĩnh vực kinh doanh ra tiền hơn thế. Thế nên, mình làm giáo dục thì hãy làm giáo dục thực sự. Đó là cái triết lý xuyên suốt của mình. Mình cũng tin rằng hạnh phúc mới là đích đến đáng nhất của cuộc đời chứ không phải tiền nên ngay từ đầu câu slogan của mình chính là "Giúp cho bạn hạnh phúc tự thân bằng cách làm chủ chính mình". Có nghĩa là bạn phải tự tạo cho mình hạnh phúc đó bằng việc bạn hãy làm chủ được chính bạn.

PHỤ NỮ ĐỪNG QUÁ TẬP TRUNG VÀO KHỔ ĐAU MÀ HÃY VUN BỒI NỘI LỰC ĐỂ ĐI XUYÊN QUA KHỔ ĐAU, LÀM CHO MÌNH CÓ GIÁ TRỊ

Người chữa vết thương lành cho phụ nữ: Phụ nữ đừng càm ràm, đừng nhắc đến nhiều nỗi đau của bản thân, buông xả để tâm an - Ảnh 5.
 

"Phụ nữ thì đôi khi có quyền yếu đuối, nhưng đã làm mẹ thì phải kiên cường. Cuộc sống cho ta nhiều sóng gió không phải để ta chết chìm trong đó mà là để ta học cách bơi, bơi xuyên qua khổ đau bờ bên kia chính là hạnh phúc" – Tuệ An.

Nhận thấy video chị chia sẻ chủ yếu là xoáy vào vấn đề phụ nữ mắc phải, là sai lầm mới dẫn đến đổ vỡ, phụ nữ hay càm ràm. Tại sao chị lại trách phụ nữ hơn thay vì thông cảm?

Thật ra, không hẳn là mình trách hoàn toàn phụ nữ hay càm ràm, nhắc lại câu chuyện phiền toái trong nhiều lần mà bởi vì bản thân mình chính là nguyên nhân là vấn đề và cũng là giải pháp cho mọi điều mình có nên không thể đổ lỗi cho những đối tượng khác được Thực chất, chúng ta phải học cách tự chịu trách nhiệm và buông xả. Buông xả với mọi điều không hay trong cuộc sống. Những điều nó sẽ không làm mình tốt lên mà còn khiến mình rơi vào bế tắc. Trên thực tế, nếu phụ nữ không chịu buông xả thì chính họ lại khiến bản thân mắc kẹt vào điều đó.

Nói như vậy, là phụ nữ hãy sống bớt suy nghĩ hơn và mang lại giá trị cho mình nhiều hơn?

Đúng vậy! Phụ nữ hay đàn ông cũng cần biết mình nên dành thời gian cho điều gì. Những thứ không khiến mình trở nên vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn thì có lẽ mình nên gạt nó sang một bên. Vì nếu cứ giữ mãi, chắc chắn nó sẽ là thứ cản trở và dần hình thành nhân cách thiếu đi sự vị tha trong cuộc sống.

 
 

Rất nhiều phụ nữ cũng mạnh mẽ như chị, cũng có nhiều lời khuyên đến giới trẻ không chỉ trong hôn nhân, tình yêu mà còn là bài học cuộc sống đáng chú ý. Nhưng thường người ta hay nói, những người nói đạo lý thường sống không tốt. Và trường hợp của Hoa hậu chuyển giới Hương Giang là điển hình cho sự tẩy chay đến từ dân mạng. Quan điểm của chị ra sao?

Chúng ta hãy nhìn vào những thứ họ làm thay vì nhìn vào lời nói họ đưa ra. Mấu chốt của vấn đề là nói hay ai cũng nói được. Còn làm được hay không mới là điều ta cần quan tâm hơn cả. Trường hợp của cô Hoa hậu Hương Giang xưa nay không phải hiếm. Nghệ sĩ mà, xung quanh họ sẽ có nhiều người thích và ghét. Cho nên khi nói quá hay, quá tốt thì đôi khi cũng sẽ bị phản ứng ngược nếu như ngoài đời họ không làm được như thế. Nhưng mình tin, Hương Giang đến thời điểm hiện tại, cô ấy vẫn là người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán và thông minh. Cô ấy chỉ thiếu đi một chút về sự điều tiết cảm xúc.

Nếu được chữa lành cho Hương Giang, chị sẽ làm gì?

Thật ra, mình nghĩ cô ấy sẽ có đủ nghị lực để có thể tự chữa lành cho bản thân. Bởi vì cô ấy cũng đã trải qua nhiều những khủng hoảng trong cuộc đời của mình. Nếu có gặp khủng hoảng điều cô ấy có thể nên làm đó là không cần nói gì cả, không cần làm gì nhiều và dành thời gian để chăm sóc cho chính tâm hồn của mình thì cô ấy sẽ khôi phục được sự mạnh mẽ vốn có của mình.

Chị có gặp trường hợp bị như Hương Giang khi đăng tải video giảng dạy lối sống cho phụ nữ?

Có chứ. Cũng có những người để lại bình luận là, trời ơi bà này nói thì hay lắm nhưng không biết thực tế hôn nhân ra sao, hay có người lại chê bà này nói dở quá,… Và lúc đó các bạn cộng sự của mình mới nói là, đọc những bình luận như vậy chỉ muốn xóa ngay đi thôi. Nhưng mình nói, tại sao phải xóa vì đương nhiên khi xuất hiện có độ "viral" cao chúng ta không thể tránh được những điều đó. Bởi, người ta chỉ không có quan điểm trái chiều với bạn khi bạn không là ai thôi. Còn khi bạn đã có tầm ảnh hưởng dù là một chút thì cũng sẽ gặp phải các luồng tư duy trái chiều. Lúc này, điều mình cần làm chính là, luôn nói những cái gì mà mình làm và làm những cái gì mà mình nói, luôn sống thật tử tế và bình an là được.

 
 

Sau khi chị chia sẻ, tôi lại nhớ đến một người phụ nữ từng nổi lên là người quyền lực về livestream có 300 nghìn người xem. Người phụ nữ ấy đi từ sự việc bị lừa đến 200 tỷ và dần dần nhắc đi nhắc lại nỗi đau của chính mình. Thậm chí là bóc mẽ rất nhiều các nghệ sĩ. Vậy phải chăng việc làm của chị đó là đang tự làm đau chính mình?

Thật ra là có. Bởi vì khi mà tâm của chúng ta an nhiên thì chúng ta sẽ không bao giờ nói ra những lời đó. Kể cả là mình cảm thấy rất tệ với một ai đó. Vì khi mà mình nói ra những điều đó thì bên trong mình bắt đầu có những sân giận, của sự buồn phiền, của sự chán, của sự oan ức một điều gì đó khiến mình khổ đau. Và khi mà chúng ta nhắc đi nhắc lại nỗi đau đó nhiều lần thì người đau nhất vẫn chính là mình chứ chẳng phải một ai khác.

Nên đôi khi chúng ta chia sẻ nỗi oan ức, sự thật của mình lên để không ai mắc phải cái đó chẳng hạn, đó là một ý tốt cho cộng đồng. Nhưng rồi, chúng ta hãy dừng lại. Còn nếu mà chúng ta tiếp tục đay nghiến với điều đó thì chúng ta chỉ làm vết thương của mình bị khoét sâu dần.

Dù được người ta đón nhận với những chia sẻ. Nhưng người phụ nữ đó lại không chấp nhận người khác nói xấu về mình. Là một người chữa lành như chị thì chị suy nghĩ như thế nào?

Thật ra, mình không dám khuyên đâu vì mình biết rằng chị ấy rất bản lĩnh, có đủ sự thông minh, năng lượng để vượt qua. Đôi khi cách tốt nhất để đối mặt khi bị nói xấu đó chính là chấp nhận, mình đâu cần giải thích hay than phiền vì người khác đâu thể hiểu nổi mình, họ có lăng kính màu gì họ nhìn mình ra màu đó, mình hiểu mình và yêu thương chính mình là được. Khi mà chúng ta chấp nhận được những thị phi đó thì chúng ta sẽ dần chuyển hóa điều đó và chuyển hóa chính mình. Nếu như chúng ta không chấp nhận điều đó thì chúng ta càng làm cho nỗi đau, nỗi khổ của mình tăng lên.

Thực ra để chấp nhận được thị phi chúng ta phải có hai điều:

Phải khôn ngoan: Khôn ngoan chính là biết mình nên làm cái gì, nên chú trọng cái gì. Chứ không phải là hành xử theo thói quen và theo bản năng. Thói và bản năng ví dụ như là, người ta nói mình là mình phải điên tiết lên nói lại người ta thay vì là lựa chọn im lặng, hoặc không quan tâm nhiều đến điều đó.

Bản lĩnh: Bản lĩnh chính là mình phải biết buông những cái cần buông. Người ta có quyền xả rác vào mình nhưng mình phải có bản lĩnh từ chối những thứ rác đó.

 
 

Nói một chút về hôn nhân và những vụ đánh ghen công khai là minh chứng cho một cuộc hôn nhân rạn nứt, đổ vỡ. Chị nghĩ sao về hành động này?

Một là người đàn ông, khi mà không còn tình cảm với vợ nữa thì tại sao không dứt khoát đi sao phải vụng trộm. Trên thực tế, một số người đàn ông đã nuông chiều cảm xúc của mình quá nhiều. Có những người chỉ muốn có thêm chứ không bao giờ muốn mất đi. Đây là một sự quá tham trong tình cảm.

Lỗi tiếp theo chính là người bị phản bội, bởi vì không ngẫu nhiên mà người chồng của mình lại đi ngoại tình. Điều có thể dẫn đến sự rạn nứt đó chính là, người vợ không biết làm mới mình, hay càm ràm, không biết làm mình ngày càng trở nên đẹp hơn, sắc sảo hơn. Và luôn khiến người chồng của mình đau đầu khi về nhà. Lúc này, người đàn ông mới tìm đến người khác để giải tỏa stress. Đến khi mà mình phát hiện ra thì đổ lỗi cho đàn ông chứ không phải là mình.

Lỗi kế tiếp đến từ cô "tiểu tam", biết người ta đã có gia đình mà vẫn bu bám, quyến rũ để nhằm thỏa mãn sự thiếu hụt về kinh tế, về tình cảm. Đây là một điều không thể chấp nhận được. Hãy sống có bản lĩnh và là một người phụ nữ có giá trị.

Có trường hợp nào chị đã thất bại trong việc chữa lành không ?

Có những trường hợp không thành công nhưng mình cũng không coi nó là thất bại vì mình hiểu rằng mình chỉ là duyên với một ai đó mà thôi, mình có thể cố gắng hết sức để chỉ cho họ con đường, đồng hành cùng họ nhưng việc có chọn bước đi không thì là do họ chứ không do mình quyết định mà được. Như mình chia sẻ, đó chính là ‘Giúp cho bạn hạnh phúc tự thân’, nhưng điều đó nó phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người đau khổ. Nếu họ một mực không tự làm bản thân mình thoát khỏi nỗi khổ khi được tác động thì họ không thể nào hạnh phúc được.

Người chữa vết thương lành cho phụ nữ: Phụ nữ đừng càm ràm, đừng nhắc đến nhiều nỗi đau của bản thân, buông xả để tâm an - Ảnh 6.
 

Chồng chị có áp lực khi chị làm công việc này không ?

Mình rất may vì có một người chồng hiểu và thông cảm. Thực ra, mình với chồng bây giờ là "bạn đạo". Cùng nhau nghiên cứu phật pháp, chồng mình bây giờ đang tu ở một nơi tại Đà Lạt, chưa xuống núi. Thi thoảng mình có bay vào thăm anh ý. Đến ngay cả hai đứa con mình, mình cũng dạy theo phương pháp của đạo phật. Dạy con cách ngồi thiền, làm việc thiện và tĩnh tâm, buông xả âu lo, buồn phiền và sống một cuộc sống tốt.

Vợ chồng mình có quan điểm sẽ không để lại cho con cái bất kỳ một tài sản nào. Con sau 18 tuổi sẽ sống tự lập, tự lo cho cuộc sống. Khi nào cần cha mẹ quá thì chúng tôi sẽ giúp. Nói như vậy không có nghĩa vợ chồng mình bỏ rơi con, mà mình vẫn dõi theo từng bước chân của các con.

Xin cảm ơn chị đã chia sẻ.

 

 

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang