"Những ngày qua, em liên tục đọc báo, thấp thỏm chờ Sở GD&ĐT Hà Nội công bố thông tin liên quan đến môn thứ 4 kỳ thi lớp 10 năm nay", Nguyễn Hoàng Yến My (lớp 9, trường THCS Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) nói. My mong muốn năm nay sẽ thi vào lớp 10 bằng 3 môn. Nếu thêm môn thi thứ 4 thì lịch học của em sẽ nâng từ 3 ca/ngày lên thành 4 ca/ngày.
Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, ngay từ hè năm lớp 9, My và mẹ đã lên kế hoạch ôn tập dài hơi 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh.
Nữ sinh nói bản thân học kém môn Toán nhất, nên ngoài thời khóa biểu học trên lớp vào buổi sáng, buổi chiều và tối em đều di chuyển tới các lớp luyện thi học thêm, "có ngày học thêm 2 lớp Toán".
Không những vậy, My còn tự học ở nhà và theo dõi các bài giảng online. Gần như ngày nào cũng 10h tối em mới về đến nhà, tắm rửa, vệ sinh cá nhân cũng đến nửa đêm. Sáng hôm sau em lại dậy sớm để ôn tập bài học ở lớp.
My đặt mục tiêu lớn nhất là đỗ vào trường THPT Kim Liên. Năm ngoái trường này lấy điểm chuẩn 41,25 điểm/3 môn thi nên với nữ sinh này việc ôn thi càng căng thẳng. Nhiều khi mệt mỏi, thời tiết thay đổi, hay trời lạnh buốt, em vẫn gắng sức, không bỏ buổi học thêm nào. My lo lắng nếu không học ôn tốt thì sẽ trượt trường công lập, phụ sự kỳ vọng, đầu tư từ ba mẹ.
Hai tuần gần đây, kể từ khi các phụ huynh, học sinh bàn tán thông tin thi vào lớp 10 bằng 3 hay 4 môn, Lâm Hoàng Dương (lớp 9 trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chưa hôm nào ngủ ngon giấc. "Có ngày em nằm mơ mình bị trượt cấp 3, phải đi học ở trung tâm dạy nghề. Tỉnh giấc thấy rất bất an", nam sinh nói.
Mỗi ngày, Hoàng Dương học 3 ca, sáng, chiều, tối. Ngoài thời gian nghỉ ngơi tranh thủ ăn uống, đa phần em đều trên bàn học với hàng tá đề thi minh hoạ. Sau khi tham gia đầy đủ các lớp học thêm trong ngày, Dương lại tiếp tục thức khuya để ôn tập và hoàn thành bài vở cho đến 2 giờ sáng.
"Học ôn 3 môn mà gần như thời gian trong ngày của em kín sáng đến tối. Nếu Sở GD&ĐT tổ chức thi 4 môn vào lớp 10 thì chắc chắn em không còn thời gian nghỉ ngơi", nam sinh nói.
Cách đây 2 ngày, trong bữa cơm tối như thường lệ, cậu con trai của chị Trần Ngọc Phương (43 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) bỗng gắt gỏng: "Con không ăn, không thích ăn, mẹ đừng hỏi con nữa". Chị sững người khi lần đầu tiên trong 14 năm nghe con nói nặng lời và cáu gắt đến thế.
Con trai chị đang học lớp 9 trường THCS Tô Vĩnh Diện, vốn ngoan hiền, chăm học từ nhỏ. Gần đây, chị bắt đầu chứng kiến sự thay đổi bất thường trong tâm lý của con. "Con dần ít nói, lầm lì, ngoài thời gian ăn cơm, con đều đi học thêm hoặc tự nhốt mình trong phòng để ôn bài", chị Phương lo lắng khi con có dấu hiệu trầm cảm, căng thẳng trước kỳ thi vào lớp 10 tới.
Vị phụ huynh khuyên con hãy chọn trường THPT có điểm chuẩn tầm trung hoặc thấp để thi, không cần quá áp lực về thi cử. Thế nhưng, con luôn "cày đầu ôn thi" và đặt mục tiêu những trường top cao. Nhìn con căng thẳng, vợ chồng chị quyết định sắp xếp công việc, luân phiên đưa đón, đồng hành cùng con hơn. Chị hy vọng kỳ thi vào lớp 10 năm nay chỉ 3 môn Toán, Văn, Anh để con không quá áp lực.
Đề xuất bỏ môn thứ 4 để thí sinh giảm áp lực
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, số lượng học sinh lớp 9 năm học 2022 - 2023 là hơn 100.000 em, nhiều hơn so với năm học trước vài trăm người. Do đó, lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 cũng được dự báo tăng, kéo theo độ cạnh tranh suất học vào trường THPT công lập lớn hơn.
Ông Trịnh Hùng Sơ, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội) cho biết, học sinh cần được giảm những áp lực thi cử không cần thiết.
"Nên bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10. Lứa học sinh lớp 9 năm nay chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 trong 3 năm liên tiếp, chất lượng khó đảm bảo, thêm môn thi nữa cũng chỉ là thêm một lần đánh giá, sẽ tạo áp lực nặng nề cho các em không cần thiết" , ông nói.
Muốn đánh giá học sinh toàn diện và mọi mặt qua kỳ thi thì các em học bao nhiêu môn sẽ phải thi bấy nhiêu, chứ không phải chỉ thi thêm một môn là xong.
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương (Hà Nội) cho biết, dưới góc độ học sinh, phụ huynh và giáo viên, bà mong muốn các em được giảm bớt gánh nặng học tập, thi cử. Để học sinh tránh được áp lực không cần thiết thì các em chỉ thi 3 môn là đủ. Các trường THPT công lập hoàn toàn có thể dựa vào 3 môn thi đó để chọn lọc thí sinh.
Việc bỏ môn thi thứ 4 lúc này là phù hợp với mong mỏi của phụ huynh, học sinh và cả giáo viên. Nếu phải thi thêm một môn, học sinh sẽ ôn tập nhiều hơn, dễ xảy ra tình trạng học đối phó, học thuộc lòng, không nắm bắt được kiến thức. Yêu thích môn học nào học sinh sẽ say mê tìm tòi, học hỏi, không nhất thiết phải thi các em mới học.
Theo cô Hồng, cách duy nhất để học sinh học toàn diện mà không cần phải thi môn thứ 4 là giáo viên phải có trách nhiệm với môn học mà mình dạy. Thầy cô dạy đến nơi đến chốn, sáng tạo các hoạt động dạy và học thu hút học sinh các em vẫn sẽ học đều tất cả các môn tới tận lúc thi. Ngược lại, nếu giáo viên có tư tưởng dạy qua loa vì các em không thi môn của mình thì sẽ "giết chết" tình yêu của các em dành cho môn học.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã trình phương án thi vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 lên UBND thành phố. "Thí sinh cứ yên tâm học tập bởi các phương án đưa ra được Sở cân nhắc để học sinh không áp lực ", ông nói.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.