Tuyệt chiêu kiềm chế cơn nóng giận của trẻ

(lamchame.vn) - Khi trẻ nổi giận tức là con không kiểm soát được cảm xúc của mình. Vì thế, bố mẹ cần tìm cách xoa dịu cơn thịnh nộ đó và rèn cho con tính kiên nhẫn, biết kiềm chế bản thân trong những tình huống tương tự.

Theo Tiến sĩ Tâm lý Vũ Thu Hương, nguyên nhân của việc này một phần do cha mẹ chưa giải quyết triệt để các vấn đề từ nhỏ mà con gặp phải như: ăn vạ, hay đòi hỏi, hay đánh bạn, thiếu kiên nhẫn,...

Để xử lý và cải thiện tình trạng trẻ "nổi khùng", TS. Vũ Thu Hương mách cha mẹ một số chiêu đơn giản sau:

 

1. Tổ chức trò chơi rèn tính kiên nhẫn với con

Một người trêu chọc người kia và người bị trêu kiên nhẫn chịu đựng. Ai phản ứng trước sẽ bị thua. Nếu nhà đông người có thể chia đội để chơi. Sau khi kết thúc cuộc chơi, chắc chắn là các bạn ấy tức tối lắm. Lúc đó cần có vài trò đùa vui để giải tỏa nhanh cơn tức giận cho các bạn ấy. Khi chơi cha mẹ cần trung thực, nếu thua phải nhận thua chứ không được mắng át con.

Một số trò chơi có thể rèn tính kiên nhẫn như: chơi bắn chun, bắn bi và các trò chơi dân gian khác. Có thể cho con nhặt sạn trong gạo hoặc đỗ, lạc.

Bạn hãy thiết kế một tờ giấy trong đó chia ngày thành các ô khác nhau. Mỗi lần con nổi cáu thì đánh dấu vào một ô. Ngày nào bạn không nổi cáu thì cha mẹ cần khen thưởng kịp thời.

 

2. Chơi trò chơi nói thầm thì

Lâu lâu rủ con chơi trò nói khẽ. Giả vờ như trong nhà có người đang ngủ. Cả nhà phải nói năng nhẹ nhàng ít nhất 1h đồng hồ. Ai nói to sẽ bị phạt. Đừng quên những lời yêu thương vì nó sẽ là nguồn động lực để con vượt qua mọi khó khăn kể cả những cơn nóng giận.

Một số lưu ý cần thiết:

Khi con nổi cáu, cha mẹ tuyệt đối không mắng mỏ con. Cho con khoảng yên tĩnh 1 mình suy nghĩ với 1 cốc nước mát. Sau khi con đã nguôi ngoai, cho con đọc truyện gì đó nhẹ nhàng để con thư giãn. Vụ việc sẽ xử sau nếu cần, khi con đã thực sự bình tĩnh.

Tuyệt đối không sử dụng bạo lực vì bạo lực sẽ sinh bạo lực và không bao giờ giải quyết được việc gì.

Bạn đừng bao giờ làm tấm gương xấu cho con khi la hét ầm ĩ, hay nổi nóng vô cớ với mọi người xung quanh.

Dư thừa quá nhiều năng lượng cũng khiến trẻ dễ nổi nóng. Các cha mẹ nên kiểm soát lượng thực phẩm con ăn hàng ngày để cân đối khẩu phần và lượng dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của con.
 

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang