Hệ lụy từ thiếu giáo dục gia đình
Gia đình là 1 trong 3 chân kiềng giúp hình thành và phát triển nhân cách con người. Trong mỗi gia đình, sự hiện diện của nhiều thế hệ (ông bà, bố mẹ) sẽ phát huy giá trị truyền thống và hiện đại để tăng hiệu quả giáo dục.
Với vai trò của mình, giáo dục gia đình không những giáo dục thế hệ trẻ thái độ, cử chỉ, giao tiếp, ứng xử lễ nghĩa, kính trên nhường dưới; uốn nắn, phê phán, ngăn chặn thái độ, cử chỉ bất nhã, bất hiếu…, mà còn giúp hình thành nhân cách, sớm ý thức trách nhiệm của bản thân với mọi người và ngược lại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế, giáo dục gia đình có những biến đổi và chịu sự tác động từ xu thế toàn cầu hóa. Một số giá trị, chuẩn mực truyền thống đang dần thay đổi. Không ít gia đình, cha mẹ giảm dần mối quan tâm, chăm sóc con trẻ, thậm chí khoán trắng cho nhà trường, cho người giúp việc trong vấn đề giáo dục kiến thức tới kỹ năng khiến trẻ khiếm khuyết hoặc phát triển không đều.
Thực trạng trên đã tạo ra những hệ lụy, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, học tập, hình thành nhân cách, lối sống đúng đắn, thậm chí thành công của con trẻ ở tương lai. Thầy Nguyễn Mạnh Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn B (Kim Sơn, Ninh Bình) - chia sẻ câu chuyện thực tế về sự khiếm khuyết giáo dục gia đình đã tác động tới học sinh của trường.
Quá trình khảo sát hoạt động giáo dục của nhà trường cho thấy, một số học sinh không muốn học đại học sau khi tốt nghiệp THPT dù sức học tốt. Thậm chí nhiều học sinh không cần tốt nghiệp THPT, một số em bỏ học từ lớp 10. Vì thế, chất lượng giáo dục nhiều năm qua của trường chưa phát triển như mong muốn. Tỷ lệ học sinh vào đại học ít, phần lớn sau khi tốt nghiệp lớp 12 chọn học nghề hoặc tham gia lao động tự do.
Theo thầy Hà, học sinh cơ bản ngoan nhưng phần lớn đang sống cùng ông bà, người thân còn bố mẹ đi xuất khẩu lao động hoặc mưu sinh ở xa. Các em thiếu vắng sự quan tâm, động viên, khuyến khích trong cuộc sống, học tập từ cha mẹ hàng ngày.
Dù đã tiếp cận với hoạt động hướng nghiệp trong quá trình học nhưng thiếu định hướng của gia đình từ nhỏ và trong thời điểm quyết định nên các em khá lúng túng trong chọn trường, chọn nghề. Thậm chí, các em đi chệch sở trường, năng lực, bỏ phí con đường học tập để phát triển tương lai.
Nguyễn Xuân Hoàng - lớp 11 Trường Marie Curie (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng là trường hợp thiếu sự quan tâm, giáo dục thường xuyên từ bố mẹ. Bố mẹ chia tay khi Hoàng học tiểu học. Em trai ở với mẹ còn Hoàng ở với bố. “Bố làm ngành xây dựng nên thường xuyên đi công tác. Bố con ít chia sẻ với nhau từ việc học hành đến bạn bè dù bố rất thương và không để em thiếu thốn gì”, Hoàng tâm sự.
Bố vắng nhà, Hoàng lập đội chơi game cùng nhiều bạn trong lớp và thường chơi vào ban đêm. Hoàng biết “nghiện” game, thức đêm nhiều có hại sức khỏe, ảnh hưởng học tập. Thậm chí nhiều hôm thức muộn nên em thường xuyên ngủ gật trên lớp... Nhưng “game giúp em bớt cô đơn những lúc ở nhà một mình, được giao tiếp với bạn bè theo một cách thức riêng. Em ước gia đình không chia ly, được bố mẹ quan tâm đồng hành... Có lẽ như vậy em sẽ học tốt hơn và không nghiện game như hiện tại…”, Hoàng trải lòng.
Qua nghiên cứu thực tế, TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh - Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) - khẳng định: Giáo dục gia đình là yếu tố tiên quyết hình thành nhân cách con người. Người xưa có câu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”... nhằm khẳng định vai trò của giáo dục gia đình. Nếu thiếu, trẻ mất đi bản sắc, cá tính và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển toàn diện tư duy, nhân cách.
TS Vũ Việt Anh đồng thời cảnh báo vấn đề đang ảnh hưởng tới giáo dục gia đình là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ đã khiến việc tiếp cận phim ảnh, trò chơi trên Internet dễ dàng. Và nếu giáo dục gia đình không phát huy tốt nhất vai trò, trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu do tác động từ môi trường xung quanh mang lại như game online, phim ảnh, văn hóa phẩm độc hại, thậm chí bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc trá hình...
“Cha mẹ thiếu kiểm soát hoặc bỏ mặc, để con tự do tham gia trò chơi bạo lực thì chúng sẽ biến thành người ưa bạo lực. Các em sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề phát sinh trong gia đình và xã hội”, TS Vũ Việt Anh trao đổi.
Giáo dục qua nêu gương
Thực trạng hiện nay là một bộ phận gia đình vì nhiều lý do khác nhau đã không còn “tổ ấm” để trao truyền yêu thương, chăm lo, dạy dỗ, giáo dục và nuôi dưỡng con trẻ. Ở những gia đình này sự liên kết giữa các thành viên lơi lỏng, cha mẹ thiếu gương mẫu, thường xuyên mâu thuẫn, xung đột, dẫn đến bạo lực gia đình. Trong đó bạo lực của cha mẹ với con cái xảy ra thường xuyên, có nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Nếu cha mẹ mâu thuẫn dẫn đến xô xát để trẻ trông thấy sẽ vô tình làm tổn thương chúng. Vết thương lòng theo các em đi suốt cuộc đời, từ đó thái độ sống tiêu cực sẽ hình thành. Nghiêm trọng hơn là nguy cơ đối diện với bệnh trầm cảm, sự lì lợm, hình thành tính hung hăng, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) - cũng bày tỏ những lo lắng về giáo dục gia đình hiện đại. Ông cho rằng, dù bố mẹ có sự biến chuyển tốt hơn thời gian gần đây về việc quan tâm đến con cái, song số đông chưa đi vào thực chất giáo dục gia đình.
Nhiều cha mẹ hiểu về mặt lý thuyết cần có giáo dục gia đình nhưng lại không có điều kiện thực hiện thường xuyên với trẻ. Nhiều người khoán trách nhiệm giáo dục cho nhà trường, hoặc mang tâm lý giáo dục phi khoa học “trời sinh voi trời sinh cỏ”, “trăng đến thì trăng sáng, hoa đến độ thì hoa nở”. Thậm chí, không ít phụ huynh nhận thức thiếu đầy đủ về giáo dục gia đình và điều đó không chỉ diễn ra với người học vấn thấp, thiếu văn hóa, mà nhiều người văn hóa cao cũng thiếu thấu đáo về vấn đề quan trọng này.
Từ thực tế giáo dục gia đình hiện nay, các chuyên gia, nhà tâm lý giáo dục đều khẳng định: Trong các môi trường tác động đến hình thành nhân cách đứa trẻ thì gia đình quan trọng nhất, đặc biệt cách sống, suy nghĩ, hành động của cha mẹ tác động trực tiếp suy nghĩ, hành động của trẻ. Bởi vậy để giáo dục phát huy hiệu quả, trước hết cha mẹ phải biết sửa mình, làm gương và tạo ra môi trường văn minh, lành mạnh thúc đẩy giáo dục gia đình…
Trẻ mong gì ở cha mẹ
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh bày tỏ quan điểm: Để một đứa trẻ phát triển toàn diện cần tới giáo dục gia đình ngay từ khi chúng còn đang nằm trong bụng mẹ. Có sự giáo dục sớm từ cha mẹ qua nhiều phương pháp khác nhau sẽ giúp trẻ dần phát triển thể chất, não bộ.
Khoa học cũng chứng minh trẻ có được giáo dục gia đình càng sớm (ở những năm đầu đời) giúp cho tiềm năng, năng lực trong tương lai được phát triển toàn diện. Đặc biệt, trẻ sẽ phát triển tốt về ngôn ngữ, tình cảm xã hội, tư duy logic, nghệ thuật, vận động…
Giáo dục trong gia đình không chỉ là việc lo cho trẻ ăn, ngủ mà phải dạy trẻ biết cách ăn, ngủ thế nào đúng cách, biết thực hiện những yêu cầu của người khác… Từ đó, trẻ không chỉ phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ và các năng lực khác cũng dần hoàn thiện trong tương lai.
Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục gia đình của bản thân, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho biết, giáo dục bằng nhiều phương pháp nhưng không bao giờ “đao to búa lớn” trong lời nói, thái độ, hoặc tác động tới thể chất con, cháu. Ông thường dùng những lời khuyên răn, lấy câu ca dao tục ngữ để dạy bảo, thậm chí giáo dục bằng những tấm gương của cha ông, người thân, bằng truyền thống gia đình. “Khi chứng kiến và tiếp nhận phương pháp giáo dục phù hợp, khoa học… thế hệ con, cháu đã không ngừng noi theo, học tập. Đến nay, con cháu nội, ngoại đã trưởng thành và thành công nhờ học tập, tu dưỡng, rèn luyện và góp phần không nhỏ là hiệu quả từ giáo dục gia đình”, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh bộc bạch.
TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh chia sẻ: Mức độ phồn vinh của một quốc gia bắt nguồn từ sự giáo dưỡng mỗi công dân và ngôi nhà cũng là ngôi trường đầu đời của mỗi đứa trẻ. Các dân tộc phát triển trên thế giới đều ghi nhận việc giáo dục trong gia đình chính là chìa khóa quan trọng để phát triển quốc gia.
Để giáo dục gia đình phát huy vai trò, hiệu quả thì trước hết người lớn trong gia đình phải trở thành tấm gương để con cái học hỏi noi theo từ nền nếp sinh hoạt, lời ăn tiếng nói đều chuẩn mực cho thế hệ trẻ tiếp nối.
TS Vũ Việt Anh đưa ra một vài gợi ý cho cha mẹ để việc giáo dục gia đình đạt hiệu quả: Con cái không muốn cha mẹ cãi nhau trước mặt chúng và muốn được cha mẹ đối xử công bằng với mọi thành viên khác. Cha mẹ là những người lương thiện, thành thật. Cha mẹ cũng cần bao dung, rộng lượng, niềm nở gần gũi, gắn kết với con và các bạn. Cha mẹ biết lắng nghe và giải đáp thắc mắc của con. Cha mẹ nên nhất quán và kiên định; có thể phạt trẻ khi cần nhưng tránh kỷ luật con trước mặt người ngoài; Tôn trọng nhưng không bỏ mặc hoặc áp đặt…
TS Vũ Việt Anh cho rằng, trong xã hội đầy biến động, cuộc sống ngày càng gấp gáp hơn, vì vậy, việc dành thời gian cho giáo dục gia đình cũng ít đi. Các thiết bị công nghệ hiện đại là rào cản lớn ngăn cách giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình với nhau; người ở chung một nhà cũng trở nên xa cách. Không có sự trò chuyện, khuyên bảo giữa bố mẹ và con cái đồng nghĩa sự chia sẻ, thấu hiểu đang ít đi rất nhiều và có thể dẫn đến mâu thuẫn, nghi ngờ, bất hòa, thiếu tin tưởng…
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.