Vì sao nhiều người tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19 lại bị "hành" nhiều hơn 2 mũi tiêm trước?

Theo chuyên gia y tế, mũi 3 vắc xin COVID-19 là mũi tiêm cơ bản, giúp đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ gấp chục lần so với các mũi trước nên việc mệt mỏi là không tránh khỏi.

Phạm Văn Dương (Hà Nội) vừa hoàn thành mũi thứ 3 vaccine COVID-19 hôm 8/1. Anh cứ ngỡ lần tiêm này cũng như 2 lần trước không bị làm sao. Ngày thứ nhất, anh hoàn toàn bình thường, người chỉ hơi mệt nhẹ. Tuy nhiên, đến ngày thứ 2 anh mới thấy người vô cùng mệt mỏi, đau nhức khắp người không thể ngồi dậy. Ở một mình, anh phải nhờ bạn qua trông hộ nếu lỡ có phải đi viện.

"2 lần trước tôi tiêm vaccine AstraZeneca, lần này tôi tiêm mũi 3 là Pfizer. Chủ quan vì 2 lần trước tôi rất khỏe, chỉ bị đau bắp tay nên không chuẩn bị thuốc hay đồ uống giúp tăng cường sức khỏe. Ngày đầu tiên tiêm về thì hoàn toàn bình thường, nhưng sáng ngày hôm sau thức dậy, cảm giác có vật gì đó đè nặng lên người, nhấc ngón tay lên thôi cũng thấy đau, sờ lên trán thấy nóng ran. Biết là phản ứng của tiêm vaccine nên tôi đã phải nhờ bạn sang mua đồ ăn và thuốc cũng như hoa quả bổ sung sức đề kháng vì tôi không thể ngồi dậy được", anh Dương chia sẻ.

Tương tự, chị Thúy Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ, chị hoàn thành mũi 3 vào đầu tuần trước, 2 lần đầu tiêm, chị đã bị sốt rét, nên lần này chị cũng có phần chủ quan vì nhiều người nói rằng mũi đầu bị "hành" các mũi sau sẽ không sao. Nhưng chị đã lầm, tiêm mũi 3 xong về chị bị sốt nhẹ, đau nhức khắp người kéo dài gần 1 tuần mới hết, đầu lúc nào cũng trong tình trạng như trên mây. "Trải nghiệm tiêm vaccine COVID-19 đúng là để đời đối với tôi", chị Quỳnh chia sẻ.

Không chỉ riêng chị Quỳnh, anh Dương, mà còn rất nhiều người sau tiêm vaccine mũi 3 đều có tình trạng bị phản ứng nặng hơn 2 mũi trước, nhiều người đã phải lên mạng xã hội xin ý kiến tư vấn của bác sĩ online vì không biết xử trí thế nào.

Trao đổi với PV, TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc (Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cho biết, mũi 3 vaccine COVID-19 giúp người được tiêm có được đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn hàng chục lần so với đáp ứng của mũi tiêm thứ 2.

"Do vậy, nó cũng huy động nhiều hơn năng lượng của cơ thể, cũng như gây cảm giác mệt mỏi và có thể sốt nhiều hơn. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng sẽ nhanh chóng kết thúc và người tiêm vaccine sẽ có được miễn dịch tốt hơn nhiều so với sau khi hoàn thành mũi tiêm cơ bản", TS Thái phân tích.

TS Phạm Quang Thái cho biết, các phản ứng tiêm vaccine mũi 3 COVID-19 cũng tương tự như các mũi trước, đều là những phản ứng phổ biến như: đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt... và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng. Người tiêm cần theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm, nếu cảm thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường cần báo ngay cho cán bộ y tế (dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm).

Về nhà, mọi người cần theo dõi nhiệt độ, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng nếu sốt cao trên 39 độ , khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ...; khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế.

"Tăng cường bổ sung vitamin bằng các loại trái cây để tăng sức đề kháng, tránh vận động mạnh và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng", TS Thái khuyến cáo.

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang