Chị Đinh Thu Hồng - giáo viên tiểu học lâu năm hiện đang dạy tại một trường tiểu học nổi tiếng thuộc bang Georgia, Hoa Kỳ tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi vì sao trẻ em ngày nay chán học, thiếu kiên nhẫn và hàng loạt các vấn đề khác qua bài viết của Victoria Prooday – một chuyên gia trị liệu người Canada.
Mời độc giả cùng đọc và suy ngẫm, tìm hiểu tại sao trẻ có những hiện tượng trên và tìm ra hướng khắc phục.
Sau nhiều năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em, phụ huynh và giáo viên, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của các giáo viên là trẻ em ngày càng hư trên nhiều phương diện. Bằng chứng rõ ràng là thông qua công việc, tôi đã, đang và vẫn tiếp tục nhìn thấy sự suy giảm khả năng học tập, giao tiếp xã hội, và điều chỉnh cảm xúc của các bạn nhỏ. Kèm theo đó là sự gia tăng đột biến của những ca thiểu năng học tập cũng như những chẩn đoán khác.
Như chúng ta đã biết, bộ não người hết sức dẻo dai và dễ điều chỉnh: qua tiếp xúc môi trường, chúng ta có thể làm não bộ khỏe lên hay yếu đi. Và tôi thực sự tin rằng, bất kể vô vàn những phát minh vĩ đại, chúng ta thật không may lại đang điều chỉnh não bộ của thế hệ trẻ theo hướng tiêu cực.
Những nguyên nhân là:
1. Công nghệ
Sử dụng công nghệ như một dịch vụ trông trẻ miễn phí, thực ra lại không "miễn phí" tí nào. Cái giá phải trả đang lẩn quất đâu đây. Cái giá chính là hệ thần kinh của các em, khả năng tập trung chú ý, và khả năng trì hoãn sự vừa lòng. So với thực tế ảo, cuộc sống thực quá nhàm chán.
Khi các em đến lớp, các em tiếp xúc với tiếng người và những kích thích thị giác vừa phải, khác hẳn với những sự bùng nổ hình ảnh, chuyển động, hiệu ứng đặc biệt mà các em thường thấy trên màn hình. Sau hàng giờ say sưa với thực tế ảo, việc học hay xử lý thông tin trên lớp trở thành thử thách đối với trẻ vì não các em đã quá quen với những kích thích cao độ của các trò chơi trên mạng hay video games.
Không xử lý được thông tin ở mức độ kích thích thấp khiến các em dễ gặp trở ngại trong học tập. Công nghệ cũng khiến chúng ta trở nên xa cách về cảm xúc, đẩy trẻ em và bố mẹ ngày càng cách biệt trong việc chia sẻ tình cảm. Sự sẵn sàng về mặt tình cảm của bố mẹ dành cho con là nguồn dinh dưỡng chính cho trí nào của trẻ. Tiếc thay chính chúng ta đang dần lấy đi của các em nguồn dinh dưỡng ấy.
2. Cứ muốn là được!
"Mẹ ơi con đói!" - "Đây đây mẹ đưa con đi ăn", "Con chán quá!" - "Đây lấy điện thoại của mẹ mà chơi!"
Khả năng biết kìm hãm và trì hoãn sự vừa lòng là một trong những chìa khoá của thành công. Chúng ta có ý tốt - làm cho con vui - nhưng thật không may, chúng ta làm con hạnh phúc lúc đó mà lại bất hạnh về sau. Biết trì hoãn sự thỏa mãn, hài lòng tức là khả năng hoạt động dưới sức ép. Trẻ em của chúng ta đang ngày càng thiếu khả năng đương đầu hay đối phó với những căng thẳng dù là rất nhỏ. Rồi chính những sức ép nhỏ ấy dần trở thành những chướng ngại, khó khăn lớn trong sự thành công trong tương lai của các em.
Không trì hoãn được sự thỏa mãn diễn ra ở khắp nơi - trong lớp học, ngoài nhà hàng, ở siêu thị, cửa hàng đồ chơi - ngay khi bố mẹ nói "Không". Bởi vì chính bố mẹ đã dạy con cái có được cái mà trẻ đang đòi ngay lập tức.
3. Trẻ em thống lĩnh và điều khiển
"Con trai tôi không thích ăn rau", "Nó không muốn đi ngủ sớm", "Con gái mình không chịu ăn sáng", "Con bé không thích đồ chơi, nhưng rất giỏi Ipad", "Nó không thích tự mặc quần áo", "Con bé lười quá không chịu tự ăn".
Tôi thường xuyên nghe bố mẹ nói những điều đó. Kể từ khi nào mà trẻ con đã điều khiển chúng ta phải làm bố làm mẹ ra sao?! Nếu cứ để cho bọn trẻ quyết định thì tất nhiên chúng sẽ chỉ ăn toàn đồ béo, xem TV, chơi máy tính bảng, và chẳng bao giờ chịu đi ngủ sớm. Và liệu có tốt không khi chính ta cho con cái những thứ chúng MUỐN mà biết rằng những thứ đo KHÔNG TỐT.
Thiếu ngủ, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, các em đến trường thấy khó chịu, lo lắng, không tập trung. Rồi thêm vào, chính chúng ta gửi một thông điệp sai rằng chúng có thể làm những gì chúng muốn và không làm những gì chúng không thích. Khái niệm "cần phải làm" sẽ không còn. Tiếc rằng trong đời sống, để đạt được những mục tiêu đề ra, chúng ta phải làm những gì cần thiết, và những điều đó nhiều khi không phải những gì chúng ta muốn.
Ví dụ: Nếu một em bé muốn thành học sinh giỏi thì phải chăm học, nêu muốn đá bóng giỏi thì phải khổ luyện hàng ngày. Trẻ em của chúng ta biết rõ những gì chúng muốn, nhưng lại gặp khó khăn khi phải làm những gì cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Việc này dẫn đến những mục tiêu dang dở và làm bọn trẻ thất vọng.
4. Những trò vui bất tận
Chúng ta đã tạo ra một thế giới vui ảo cho trẻ con. Không một phút nào là chậm lại bình lặng hay nhạt nhòa yên ổn. Ngay khi có khoảnh khắc yên lặng, chúng ta lại chạy lại ngay, cuống lên để tìm thú tiêu khiển hay trò vui mới cho con. Bởi vì nếu không thì chúng ta cảm thấy chưa làm tròn nghĩa vụ của cha mẹ.
Chúng ta sống trong hai thế giới riêng biệt. Tụi trẻ sống trong thế giới tràn ngập "niềm vui", còn bố mẹ thì sống trong thế giới công việc. Tại sao bọn trẻ không giúp bố mẹ việc bếp núc hay giặt giũ? Tại sao chúng không thu dọn đồ chơi?
Chính những công việc nhàm chán đơn điệu ấy lại có thể huấn luyện bộ não làm việc và hoạt động trong sự nhàm chán. Và đó cũng chính là cơ bắp làm việc hay yếu tố cần thiết khi các em đến trường để được dạy dỗ. Bởi vì cơ bắp làm việc được đào tạo qua công việc, chứ không phải qua những trò vui bất tận. Khi đó, sẽ không còn cảnh phải nghe chuyện bọn trẻ đến trường, lúc viết hay luyện chữ đẹp, phản ứng thường là "Con không làm được. Khó quá! Chán lắm!".
5. Ít giao tiếp xã hội
Chúng ta ai cũng quá bận. Thế là chúng ta đưa cho bọn trẻ những thiết bị điện tử để bọn trẻ cũng bận rộn. Bọn trẻ khi xưa hay chơi ngoài trời, nơi môi trường tự nhiên không cấu trúc cố định, cho phép bọn trẻ tự do khám phá, học hỏi và rèn luyện những kỹ năng xã hội.
Đáng tiếc, công nghệ đã thế chỗ hoạt động ngoài trời. Công nghệ cũng làm bố mẹ ít thời gian rảnh để tương tác, giao tiếp với con cái. Và dĩ nhiên, bọn trẻ sẽ tụt hậu, vì thiết bị điện tử trông trẻ không trang bị hay giúp trẻ phát triển những kỹ năng mềm. Đa số những người thành đạt đều giỏi giao tiếp xã hội và thành thạo những kỹ năng mềm.
Bộ não là một cơ bắp có thể huấn luyện và tái huấn luyện được. Nếu bạn muốn con bạn biết đi xe đạp, thì bạn dạy con những kỹ thuật để đạp được xe. Nếu muốn dạy con biết đợi, thì hãy dạy con lòng kiên nhẫn. Nếu muốn con biết giao thiệp, hãy dạy con những kỹ năng xã hội. Quy tắc này áp dụng cho mọi kỹ năng, không có điểm khác biệt!
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.