Theo thông tin trên Tuổi trẻ online tối 19/7, ông Trần Văn Đông (Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho hay, cán bộ cho người giữ xe của công nhân đi mua bánh mì và nói rằng "bánh mì không phải thực phẩm, lương thực thiết yếu" là ông Trần Lê Hữu Thọ (Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa).
Hiện phường đã cho thôi nhiệm vụ Trưởng ban phòng chống dịch Covid-19 phường Vĩnh Hòa với ông Thọ. Vị trí này được giao cho bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa đảm nhiệm.
Ông Đông cho Tuổi trẻ biết, phường Vĩnh Hòa đang chờ ý kiến cấp trên về việc xử lý ông Thọ vì đã có lời nói, ứng xử không chuẩn mực với người dân trong khi thi hành công vụ.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh (Chủ tịch UBND TP Nha Trang) trước đó trả lời báo Tuổi trẻ, phía tổ kiểm tra liên ngành hơi cứng nhắc trong việc xử phạt người dân và có thái độ chưa đúng mực.
Công nhân E. thời điểm bị thu giữ xe. Ảnh: Người lao động
Sự việc diễn ra khi anh T.V.E. (công nhân làm việc trong công trường của một dự án du lịch ở phía Bắc TP Nha Trang thuộc phường Vĩnh Hòa) đi ra ngoài mua bánh mì và nước uống. Anh bị tổ liên ngành phường Vĩnh Hòa xử lý vi phạm vì cho rằng ra đường khi không cần thiết.
Anh E. kể trên Người lao động, thời điểm đó là 15h30 phút ngày 18/7, anh đói bụng nên xin người quản lý đi ra ngoài mua bánh mì và nước uống rồi về làm tiếp. Anh bị tổ kiểm tra thu chứng minh nhân dân, đưa xe về phường.
Theo lời công nhân E., khi làm việc, ông Trần Lê Hữu Thọ (Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa) đã quay clip lại để làm bằng chứng.
"Sáng 19/7, khoảng 8 giờ tôi làm việc với phường Vĩnh Hòa xong, lấy giấy tờ rồi về lại công trình. Tuy nhiên, giám đốc thông báo cho tôi nghỉ việc 1 tháng, tháng sau có việc thì kêu đi làm. Tôi cũng không biết sao, vì những người khác vẫn đang làm bình thường, còn riêng tôi thì nghỉ việc.
(...) Với tổng lương trung bình là 6 triệu đồng/tháng, một phần tiền tôi trả tiền trọ, một ít gửi về cho ba mẹ ở quê. Ở quê tôi có 2 em nhỏ (10 tuổi và 6 tuổi). Ba đi chăn bò thuê còn mẹ buôn bán ở chợ nên hoàn cảnh gia đình khó khăn. Phía thầu phụ đã trả cho tôi khoảng 2,5 triệu đồng vì chưa làm đủ ngày công", công nhân E. buồn bã chia sẻ trên tờ Người lao động.
Trong đoạn clip ghi lại cảnh làm việc ở phường, giọng một vị cán bộ phường nói: "Bánh mì không phải là lương thực. Lương thực là gạo, rau củ...".
Đáng nói, trong video ghi cảnh làm việc của cán bộ với công nhân E., cán bộ phường có nhiều lời nói gây phản cảm, như: "Mày ở trên núi xuống đúng không?"; "Mai cho nghỉ việc luôn"; "Tao giữ (giấy tờ - PV) cho xong rồi mày đi kiện"...
Ở diễn biến khác, theo Tuổi trẻ, sau khi xôn xao vụ "bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu", chiều 19/7, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội.
Trong đó nêu, hàng hóa thiết yếu bao gồm:
Hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả), trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng).
Hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật, sữa các loại, mì gói và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của người dân, nước uống, nước ngọt đóng chai, thùng, lon…
Lương thực: Gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn, bột, tinh bột (các sản phẩm từ tinh bột).
Ngoài ra còn có thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, khẩu trang, sản phẩm dùng để rửa tay, tắm giặt, gội, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh. Bên cạnh đó còn có các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông như xăng dầu, gas, khí đốt và các nguyên, nhiên liệu khác phục vụ sản xuất, đời sống như dịch vụ cung cấp điện, nước. Thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.
(Tổng hợp)
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/vu-banh-mi-khong-phai-la-luong-thuc-dang-xem-xet-ky-luat-pho-chu-tich-phuong-161212007001118885.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.