Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành ở TP.HCM: Cần áp dụng khung hình phạt nghiêm khắc nhất

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vụ bạo hành dẫn đến cháu bé tử vong ở TP.HCM, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói rằng, phải xử lý nghiêm minh, thậm chí cần áp dụng khung hình phạt nghiêm khắc nhất để răn đe.

Hành vi tàn ác, phi nhân tính

Vụ nghi vấn người phụ nữ bạo hành cháu bé 8 tuổi tại TP.HCM dẫn đến cái chết đau lòng của cháu bé đang gây bức xúc dư luận. Ông nhìn nhận thế nào về vụ việc này?

Có thể nói, những vụ việc bạo hành trẻ em dẫn đến thương vong như ở TP.HCM vừa qua không phải lần đầu xảy ra. Gia đình tan vỡ, bố mẹ ly tán, cha lấy thêm vợ, mẹ đi lấy chồng, con cái bơ vơ, rồi bị ruồng bỏ, bạo hành; cha dượng bạo hành con riêng của vợ, mẹ kế bạo hành con chồng đã và đang xảy ra ở nhiều nơi. Thậm chí còn xảy ra tình trạng bố đẻ bạo hành con gái dẫn đến cái chết thương tâm như ở thành phố Hà Nội vừa qua.

Nhưng vụ việc bạo hành như vừa qua ở TP.HCM thực sự gây bức xúc trong dư luận, rất đáng bị lên án. Phải khẳng định, đây là hành vi vi phạm đạo đức xã hội dẫn đến vi phạm về mặt hình sự. Hành vi bạo hành của Võ Nguyễn Quỳnh Trang thật phi nhân tính, tàn ác và vô cảm, không thể chấp nhận được.

Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành ở TP.HCM: Cần áp dụng khung hình phạt nghiêm khắc nhất - Ảnh 1.

Bị can Võ Nguyễn Quỳnh Trang (Ảnh: IT)

Quan điểm của ông trong việc xử lý vụ việc này thế nào?

Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, luôn bị xã hội lên án. Bởi vậy, ai vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt, phải truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng khung hình phạt nghiêm khắc nhất trong Bộ luật Hình sự với những đối tượng này, để phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh những ai có hành vi bạo hành trẻ em, nhất là với trẻ em đang sống trong cùng một gia đình.

Cha đẻ không thể vô can

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Nguyễn Quỳnh Trang về tội hành hạ người khác. Ngoài đối tượng Trang, còn bố đẻ của cháu bé liệu có liên quan không, theo ông?

Trong vụ việc này, rõ ràng phải xem xét đến hành vi và trách nhiệm của bố cháu bé. Ông bố biết hành vi bạo hành của người phụ nữ kia mà không có biện pháp ngăn chặn? Tại sao khi con gái ở với mình mà mặc nhiên cho vợ sắp cưới bạo hành con như vậy? Quá trình sống chung như vậy, ông bố có biết con gái bị bạo hành hay không?...

Theo tôi, cơ quan điều tra, truy tố cần phải xem xét hành vi của ông bố này, xem vi phạm đã đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự không, hay phải xử lý vi phạm hành chính. Nhưng dù xét ở góc độ nào thì ông bố cũng không thể vô can. Ông bố không trực tiếp thực hiện hành vi bạo hành, nhưng lại thiếu trách nhiệm để người phụ nữ ấy bạo hành, dẫn đến cái chết thương tâm của cháu bé. Rõ ràng, bố cháu bé cũng phải có trách nhiệm liên đới trong vụ việc này.

Qua vụ việc này và nhiều trường hợp khác, theo ông, cần có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em?

Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành ở TP.HCM: Cần áp dụng khung hình phạt nghiêm khắc nhất - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà

 

Có lẽ, các tổ chức chính trị - xã hội như khối mặt trận và các đoàn thể cần chủ động vào cuộc, nắm rõ từng trường hợp cụ thể ở địa phương. Chẳng hạn, hội phụ nữ cần phối hợp với chính quyền địa phương, xem có những trường hợp nào gia đình ly hôn, rồi tái hôn, dẫn đến tình trạng “con anh, con em, con chúng ta”, rồi dẫn đến tình trạng con riêng của vợ hoặc chồng bị bạo hành.

Chính quyền và các cơ quan đoàn thể cần phải nắm rõ từng trường hợp cụ thể để có giải pháp bảo vệ, ngăn chặn những trường hợp đáng tiếc xảy ra . Đối với công nhân ở trọ, người ở chung cư, càng phải nắm rõ điều này. Mặt trận và các đoàn thể trong hệ thống chính trị cơ sở không thể thờ ơ và cũng phải có trách nhiệm trong việc này.

Cảm ơn ông!

Tăng giám sát, liên lạc

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH, ông Đặng Hoa Nam, nói rằng, vụ việc cháu V.A. bị dì ghẻ đánh dẫn tới tử vong rất đáng tiếc, nhất là khi từ tháng 12/2020, mẹ, bà ngoại, họ hàng bên ngoại không được gặp cháu, không liên lạc được nhưng không tố cáo, nhờ can thiệp từ cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, có rất nhiều công cụ, phương tiện, kênh liên lạc để mẹ và con có thể liên lạc với nhau nhưng chưa được khai thác.

“Tôi đề nghị cơ quan điều tra cần xem xét, xử lý cả trách nhiệm của người bố. Không thể nào người bố vô can trong vụ việc này, khi việc xâm hại con đã diễn ra từ trước đó. Tiếp đến là trách nhiệm các thành viên trong gia đình, khi người mẹ hay bên ngoại không được người bố cho gặp con phải thấy bất thường. Trong án ly hôn cũng quy định rõ quyền được gặp con của mẹ, nếu bị cản trở có thể yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp”, ông nói.

Sắp tới, nghị định mới về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực về trẻ em sẽ được ban hành, từ đó tăng cường xử phạt hành chính với hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em để tăng tính răn đe. Khi biết bố mẹ từng bị xử phạt vì bạo hành trẻ, hàng xóm sẽ để ý giám sát nhiều hơn.

Lê Hữu Việt

Theo Tiền phong

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang