Liên quan đến sự việc điều dưỡng P.L. công tác tại Bệnh viện (BV) phụ sản Tiền Giang thực hiện gây tê tủy sống cho sản phụ trước khi sinh mổ mà bà Võ Thị Thu Hà, Giám đốc BV cho là "bình thường", chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn nhiều bác sĩ có chuyên môn trong lĩnh vực gây mê và sản khoa để có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề này.
Để kỹ thuật viên gây tê cho sản phụ có thể gây nguy hiểm cả mẹ lẫn con
Theo bác sĩ Kiều Ngọc Minh, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện (BV) Quận 2 (TP.HCM), chỉ có bác sĩ gây mê hồi sức mới có thể tiến hành gây tê, gây mê cho bệnh nhân.
Bởi bệnh nhân khi gây mê, gây tê có thể đối mặt với những rủi ro như suy hô hấp, tụt huyết áp. Đặc biệt với phụ nữ mang thai, cơ thể có sự khác biệt tuần hoàn với người bình thường – cụ thể là sự khác biệt về bố trí mạch máu xung quanh tủy sống.
Nếu để xảy ra tai biến thậm chí có thể nguy hiểm sức khỏe, tính mạng của mẹ lẫn con. Chỉ có bác sĩ gây mê mới có thể chẩn đoán, phát hiện và xử trí điều trị kịp thời.
Cũng theo bác sĩ Minh, chương trình đào tạo điều dưỡng và bác sĩ gây mê là hoàn toàn khác nhau.
Bác sĩ Gây mê hồi sức trước hết là bác sĩ đa khoa, được học về điều trị, chẩn đoán và điều trị nguyên nhân.
Theo quy định của Bộ Y tế, trong các cuộc mổ phải có bác sĩ gây mê hồi sức để có thể đánh giá và xử trí những tai biến xảy ra trước, trong và sau quá trình gây mê.
Bác sĩ Phạm Thiều Trung, Phó Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam cho biết, hiện nay tại các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố không thiếu bác sĩ gây mê hồi sức, vì Thông tư của Bộ Y tế đã cho thời gian 6 năm để các BV đảm bảo đào tạo.
Việc để cho điều dưỡng làm những kỹ thuật không được phép là vi phạm quy chế của Bộ Y tế, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Ai làm sai quy định phải chịu trách nhiệm
PGS-TS Công Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam thì cho rằng Thông tư 13/2012/TT-BYT của Bộ Y tế có cho phép kỹ thuật viên thực hiện một số nhiệm vụ của bác sĩ gây mê - hồi sức khi ở khoa chưa có bác sĩ gây mê - hồi sức và phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của bác sĩ gây mê - hồi sức.
Khi thực hiện một số nhiệm vụ của bác sĩ gây mê - hồi sức phải đáp ứng đủ các điều kiện, phù hợp với khả năng chuyên môn, được sự chấp nhận và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở đề nghị của trưởng khoa.
Ông Thắng nói ở Việt Nam còn tồn tại tình trạng thiếu hụt nhân sự, nên trong luật vẫn để mở việc điều dưỡng, kỹ thuật viên có thể gây tê, gây mê theo phân công. Tuy nhiên khi có vấn đề gì xảy ra, trách nhiệm sẽ thuộc về bác sĩ gây mê trực tiếp đảm nhận, trưởng khoa, lãnh đạo BV.
Do đó vấn đề đào tạo, thu hút bác sĩ chọn học lĩnh vực gây mê cần phải được đẩy mạnh.
Cũng nhận định về sự việc xảy ra tại BV Phụ sản Tiền Giang, PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khối Sản, BV Hùng Vương, Trưởng bộ môn Sản trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) khẳng định ngành Gây mê hồi sức đã quy định rõ ràng, ai làm sai quy định phải chịu trách nhiệm.
"Luật đã quy định bác sĩ phải có bằng, phải được huấn luyện, phải có chứng chỉ hành nghề mới được làm. Kỹ thuật viên không được làm" – PGS Khánh Trang nói.
Theo PGS Trang, ở Việt Nam có tồn tại tình trạng thiếu bác sĩ gây mê ở một số cơ sở y tế.
Tuy nhiên với một nơi không phải vùng hải đảo xa xôi hay vùng núi, đã có rất nhiều bác sĩ và đầy đủ trang thiết bị rồi mà vẫn để kỹ thuật viên thực hiện gây tê, gây mê thì phải xem lại cách quản lý tại đơn vị đó.
Chiều 21/5 trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương kiểm tra sự việc.
Ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết Sở đang họp để phản hồi nội dung trên.
Ngoài ra ông Thảo cũng mong muốn được biết người đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh kỹ thuật viên gây tê tủy sống là ai, với lý do đây là hành vi vi phạm đời tư và bí mật nghề nghiệp.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.