Xử lý thói ăn vạ của trẻ, ông bố Giám đốc khiến cư dân mạng thán phục

Ăn vạ chính là "cơn bão cảm xúc" của trẻ khi gặp phải sự thất vọng, tuy nhiên năng lực ngôn ngữ của bé chưa đủ để biểu lộ hết những gì chúng muốn nên có những hành động như gào thét, khóc mếu, quăng đồ…

Anh Hoàng Huy, Giám đốc Marketing và phát triển kinh doanh của một công ty du lịch, chỉ ra 5 bước giúp bố mẹ trị thói ăn vạ của trẻ bao gồm: bình tĩnh, phớt lờ lúc con tức giận; điều trị tận gốc khi "cơn bão ăn vạ" đi qua; không để người ngoài can thiệp vào việc xử lý thói ăn vạ của trẻ; khen thay vì phạt và duy trì sự kiên trì, sắt đá suốt quá trình.

Theo anh Huy, các nhà tâm lý học đã chứng minh: ăn vạ là hoạt động bình thường, tự nhiên và lành mạnh. Đây một dấu hiệu phát triển tích cực bởi nó là nỗ lực để bé thể hiện mình và cũng là kỹ năng giao tiếp xã hội quan trọng. Ăn vạ chính là "cơn bão cảm xúc" của trẻ khi gặp phải sự thất vọng, tuy nhiên năng lực ngôn ngữ của bé chưa đủ để biểu lộ hết những gì chúng muốn nên có những hành động như gào thét, khóc mếu, quăng đồ… Tuy nhiên, nếu hành vi này không được điều chỉnh đúng cách, về lâu dài, nó sẽ đi theo trẻ ngay cả khi đã lớn, có đầy đủ ngôn ngữ diễn đạt.

Anh Hoàng Huy, tác giả của nhiều bài chia sẻ về kỹ năng sống được cộng đồng mạng yêu thích.

Anh Hoàng Huy, tác giả của nhiều bài chia sẻ về kỹ năng sống được cộng đồng mạng yêu thích.

1. Bình tĩnh và phớt lờ trước cơn nóng giận của trẻ

Theo anh Hoàng Huy, mục đích của bé khi ăn vạ là thu hút sự chú ý của người lớn, buộc người lớn phải quan tâm tới và nhượng bộ những "yêu sách" của trẻ. Tâm trạng, hành động của trẻ mang hơi hướng bạo lực như đấm, đá, cắn, cấu, la hét, ăn vạ... là những "chuyện thường ngày" của bé trong lứa tuổi 1-5 tuổi.

Sai lầm thường gặp nhất của các bố mẹ là tỏ ra quan tâm khi trẻ ăn vạ, nhượng bộ vô điều kiện những đòi hỏi của trẻ, như vậy là bố mẹ đã "dính bẫy". Cứ ăn vạ và được đáp ứng, dần dần sẽ hình thành trong trẻ phản xạ có điều kiện, trẻ sẽ nhanh chóng học được cách dùng thói quen xấu đấy làm "vũ khí mềm" để điều khiển ngược lại bố mẹ theo ý muốn của mình. Khi trẻ ăn vạ, khóc lóc, cha mẹ thường cố gắng dỗ dành, giải thích, răn đe ngay lập tức. Mọi phản ứng lúc đó đều khiến trẻ nhận ra chúng đang "được quan tâm" và càng tiếp tục. Trừng phạt tại chỗ, phát mấy cái vào mông... sẽ chỉ làm trẻ mất bình tĩnh và tình hình xấu đi. Bé ăn vạ vì bé giận dữ và không biết cách tự thoát ra, chưa có kỹ năng quản lý cơn tức giận, nhưng bố mẹ thì cần phải có kỹ năng đó.

Hãy bình tĩnh! - Đó là điều đầu tiên anh Hoàng Huy muốn bố mẹ làm được để dập tắt cơn giận dữ của trẻ. Hãy thử tỏ thái độ phớt lờ hành động của bé. Khi phát ra tín hiệu mà không thấy cha mẹ hồi đáp, các bé sẽ chán và biết cách chấm dứt tình trạng đòi hỏi trong hòa bình. Tốt nhất bạn nên để mặc bé khóc, không dỗ dành, không quát mắng. Cha mẹ hãy ở gần bé, nhìn bé với nét mặt thản nhiên, tươi cười và nói: "Khi nào con khóc xong thì chúng ta sẽ nói chuyện". Cũng có thể để bé vào một không gian riêng, không ai quan sát như trong phòng ngủ chẳng hạn, bé sẽ tự nguôi đi cơn giận dữ. Con sẽ không thể khóc mãi, trong lúc khóc vẫn tò mò quan sát xung quanh. Lúc đó cha mẹ hãy bày ra trò chơi để đánh lạc hướng bé và khiến bé "quên" mất là mình đang ăn vạ. 

2. Điều trị tận gốc và nhất quán khi 'cơn bão' đi qua

Việc bố mẹ phớt lờ lúc bé ăn vạ không có nghĩa là câu chuyện đã xong. Sau khi bé bình tĩnh, các bố mẹ nên ôm bé vào lòng và bắt đầu nói về chuyện vừa xảy ra. Bạn có thể nói với con rằng bạn hoàn toàn hiểu được cảm giác khi ấy của bé và giúp bé diễn đạt những cảm xúc khó chịu thành lời. Ví dụ: "Con bực tức vì không tìm thấy cái ô tô màu đỏ mà con thích nhất phải không?" để bé có thể nhận ra rằng thể hiện cảm xúc bằng lời nói thì sẽ tốt hơn. Giải thích cho bé hiểu hành động vừa rồi của bé là không tốt, tại sao bố mẹ lại không ủng hộ để bé hiểu được vấn đề. Cuối cùng hãy cười và nói với con: "Ba xin lỗi vì đã không nhận ra rằng con không thích. Nhưng nếu con bình tĩnh và nói cho ba, ba đã có thể biết con muốn gì và còn giúp con cùng tìm rồi".

Cách xử lý của bố mẹ luôn cần phải nhất quán đối với trẻ. Có thể ở nhà, bố mẹ đã xử lý hiệu quả cơn ăn vạ của bé bằng cách phớt lờ. Nhưng khi đi ra ngoài, ra chỗ công cộng, đông người... vì sợ phiền toái với người khác mà bạn dỗ bé bằng cách nhượng bộ, mua bánh kẹo hoặc đồ chơi, bé sẽ nhận ra thói quen này và có xu hướng ăn vạ nhiều hơn ở nơi đông người. Vì vậy, hãy luôn nhất quán thực hiện các phương pháp dạy con cả ở nhà lẫn bên ngoài gia đình mình.

Nhiều bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc trị thói ăn vạ của con.

Nhiều bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc trị thói ăn vạ của con.

3. Ăn vạ: Vấn đề riêng giữa bố mẹ và bé

Tuyệt đối không được để người khác xen vào khi bạn đang xử lý cơn ăn vạ của bé. Nếu mẹ đang cương quyết với bé nhưng có những người xung quanh xúm vào dỗ dành, mọi kỷ luật trở thành vô nghĩa. Cần thống nhất quan điểm nuôi dạy con với các thành viên trong gia đình, khi bé ứng xử không tốt, mọi người không nên bênh vực bé sẽ khiến việc dạy dỗ càng khó khăn hơn. Đừng để cho trẻ tìm thấy đồng minh cho những đòi hỏi vô lý của mình. Ông, bà, cô, dì, chú, bác là những đối tượng mà trẻ sẽ thường xuyên tìm kiếm sự trợ giúp khi "sinh sự" với bố mẹ. Nếu như ông cứ tiếp tục đọc báo, bà cứ tiếp tục nhặt rau, cô vẫn tiếp tục xem TV... tất cả đều tỏ ra thờ ơ khi trẻ quấy khóc thì chẳng mấy chốc trẻ sẽ phải dừng.

4. Thay vì phạt, hãy khen!

Trẻ nhất định đòi mặc chiếc quần màu xanh dương mà bố mẹ đã mang đi giặt và bắt đầu cơn mè nheo khóc lóc, ăn vạ. Hãy thử dùng biện pháp "khen ngợi": "Con không nghĩ là con mặc cái quần tím than này còn đẹp hơn cả chiếc màu xanh dương kia à? Ba thấy con mặc cái quần này đẹp nhất đấy, nhìn như siêu mẫu nhí!". Trẻ đòi ăn kẹo trước khi ngủ mặc dù đã đánh răng: "Con biết vì sao bạn Tí nhà bên cạnh bị rụng hết răng không? Vì bạn ấy ăn quá nhiều kẹo nên bị sâu răng hết rồi. Thế bây giờ con có muốn giống bạn Tí không, hay con thích có hàm răng trắng khỏe như bây giờ?". Lời khen là tuyệt chiêu đánh lạc hướng vòi vĩnh hiệu quả vì trẻ con luôn thích được khen ngợi.

5. Sắt đá và kiên trì

Khi con quấy khóc, bản thân bạn cũng bực bội, la hét và khó chịu? Như vậy, bạn đã vô tình xây dựng hình tượng xấu mà con rất dễ noi theo. Thay vì thế, hãy giữ thái độ bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết khi dạy bảo con lúc con ăn vạ. Nếu bạn cảm thấy khó kiềm chế cảm xúc, mọi việc vượt ngoài tầm kiểm soát hoặc bối rối không biết xử trí, hãy thử ra ngoài thư giãn một chút nhưng đảm bảo bé vẫn ở trong tình trạng an toàn. Sau khi tâm trạng đã ổn định, bạn quay lại và nói chuyện tiếp với trẻ.

Khi trẻ đòi hỏi mà không được đáp ứng, chúng có thể sẽ phản ứng gay gắt và cư xử càng khó ưa. Đừng vì thế mà nhượng bộ, hãy chuẩn bị tâm lí sẵn sàng cho những giọt "nước mắt cá sấu" hay những tiếng la hét đau đầu cả tiếng đồng hồ. Vì sau tất cả, dù có đau đầu một chút thì vẫn dễ chịu hơn là có một "quả bom xấu tính" trong nhà, luôn thích ăn vạ bừa bãi và sau này "Chí Phèo nhí" ấy sẽ trở thành một nhân cách yếu ớt, suốt ngày đổ lỗi cho hoàn cảnh, cầu xin sự quan tâm của người khác. Hãy lựa chọn thôi!

 

Theo ngoisao.net

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang