Theo kết quả khảo sát được thực hiện bởi Safe Kids Worldwide – một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động để giúp các gia đình và cộng đồng giữ an toàn cho trẻ em khỏi tai nạn thương tích, có đến 73% các bà mẹ thường đặt những thứ như chăn, gối, thú nhồi bông vào trong cũi, nôi cùng con. Rất nhiều bà mẹ để con nằm một mình trong lúc bận làm việc nhà, hoặc mua đồ chơi cho con theo cảm tính vì trông nó dễ thương, có màu sắc hấp dẫn, âm thanh thu hút…
Theo Tiến sĩ Marty Eichelberger – công tác tại Bệnh viện Nhi Quốc gia Hoa Kỳ, người đứng đầu Safe Kids Worldwide, tất cả những hành động này đều có khả năng gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho con, các cha mẹ cần tránh làm 10 việc sau đây:
1. Đừng đặt bất cứ thứ gì không cần thiết vào cũi
"Con mình chỉ là một đứa trẻ sơ sinh, có lăn lê bò trườn được đâu mà sợ" là suy nghĩ của rất nhiều bà mẹ. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Marty bạn phải hết sức cẩn trọng.
Đặc biệt tuyệt đối không được đặt bất cứ thứ gì không cần thiết vào trong nôi, cũi của con, nhất là chăn, gối, thú nhồi bông… Vì tất cả những đồ vật này đều có khả năng làm trẻ sơ sinh bị ngạt thở.
2. Luôn đặt con nằm ngửa khi ngủ
Cho con nằm ngửa khi ngủ là cách để bạn bảo vệ con khỏi tình trạng ngạt thở hay đột tử ở trẻ sơ sinh trong khi ngủ. Đồng thời bạn phải đảm bảo mặt và đầu của trẻ không bị bất kỳ vật gì che chắn trong khi ngủ. Nếu sợ con bị lạnh, bạn hãy mặc quần áo ngủ thay vì sử dụng chăn.
3. Đừng để con nằm ngủ một mình không có người trông coi
Tiến sĩ Marty cho biết rằng ngay cả khi con bạn ngủ thì bạn vẫn không nên rời mắt khỏi con. Vì trẻ sơ sinh quá nhỏ và rất mong manh, chuyện gì cũng đều có thể xảy ra. Thế nên thay vì để con ngủ một mình, bạn nên tranh thủ nghỉ ngơi bên cạnh, vừa để trông con, vừa lấy lại sức cho bản thân mình.
Ngoài ra bạn có thể lắp thêm một màn hình theo dõi có chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt để theo dõi con dễ dàng hơn.
4. Không rời mắt khỏi con trong khi tắm
Làn da của các em bé rất mỏng manh và nhạy cảm nên trước khi cho con vào chậu/bồn tắm, bạn nên kiểm tra nhiệt độ nước xem đã thích hợp chưa. Hãy luôn dùng phần khuỷu tay để thử nước nhằm đảm bảo nước không quá nóng có thể khiến trẻ bị bỏng.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không bao giờ bỏ trẻ lại một mình trong nhà tắm vì bất cứ lý do gì.
5. Sử dụng lõi của cuộn giấy vệ sinh để kiểm tra khi chọn đồ chơi cho con
Mặc dù các nhà sản xuất luôn ghi rõ trên bao bì là đồ chơi này dành cho trẻ từ mấy tuổi trở lên, tuy nhiên, không phải mọi khuyến cáo đều đúng với mọi đứa trẻ, do đó việc bạn phải tự mình kiểm tra là điều cần thiết.
Bí quyết để chọn đồ chơi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chính là dùng một lõi giấy vệ sinh để kiểm tra. Nếu món đồ chơi đó lọt qua lõi giấy thì nghĩa là nó không an toàn đối với trẻ. Và bạn chỉ nên mua cho con những món đồ chơi to hơn lõi giấy thôi.
6. Luôn đảm bảo môi trường sống an toàn
Thú vui của trẻ em chính là cho mọi thứ vào miệng. Đây là vừa là cách để bé giải trí, vừa là cách để con khám phá thế giới. Trên thế giới, không ít trường hợp trẻ em phải đi bệnh viện cấp cứu có liên quan đến việc trẻ hóc nghẹn do bỏ dị vật vào miệng. Vì vậy, việc cần làm của cha mẹ chính là tạo ra môi trường sống an toàn cho con. Chẳng hạn như bọc hết các cạnh bàn, sử dụng nút bịt ổ điện, cất cao những thứ dễ vỡ và luôn đặt các vật dụng nhỏ trong nhà như pin, nam châm… tránh xa tầm tay của trẻ.
7. Cho con ăn thử từng món thức ăn
6 tháng tuổi là cột mốc đánh dấu việc trẻ bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên, bạn nên cho con thử từng loại thức ăn một, mỗi thứ chút ít để tìm xem con mình có bị dị ứng hay không. Một số món ăn gây dị ứng là trứng, đậu phộng, cá, tôm, đậu nành và lúa mì.
Tiến sĩ Marty khuyên rằng bạn nên cho bé ăn cùng một loại thức ăn trong khoảng từ 4 – 5 ngày. Nếu trẻ hoàn toàn khỏe mạnh thì sẽ cho bé ăn thử loại thức ăn khác. Bằng cách này, con của bạn sẽ phát triển vị giác và biết ăn nhiều món ăn khác nhau.
8. Theo dõi các đợt thu hồi sản phẩm dành cho em bé
Theo dõi thông tin thu hồi các sản phẩm như đồ chơi, đồ dùng trẻ em, thuốc,… từ các công ty cũng là cách để bạn bảo vệ sức khỏe của con mình.
Thông thường, các công ty chỉ thu hồi sản phẩm khi nó có vấn đề nên điều quan trọng là bạn phải cảnh giác về những sản phẩm mà bạn đang cho con sử dụng.
9. Dán số điện thoại khẩn cấp ở nơi dễ thấy nhất
Tai nạn ở trẻ em có thể xảy ra bất cứ lúc nào ngay cả khi bạn không bao giờ rời mắt khỏi con. Và trong tình huống nguy cấp, chúng ta thường khó có thể bình tĩnh để nhớ hoặc lục tìm số điện thoại của người thân, bác sĩ hay cấp cứu.
Cách tốt nhất là bạn nên viết một loạt các số điện thoại cần thiết vào một tờ giấy và dán nó ở nơi dễ nhìn thấy nhất, ví dụ như trên cánh tủ lạnh, gần kệ tivi, nơi để điện thoại… Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian rất nhiều.
10. Hãy tin tưởng vào bản năng của chính mình
Không có cha mẹ nào mà không thương con, và chỉ có bạn mới biết con mình đang ở trong tình trạng nào. Do vậy, hãy luôn tin tưởng vào bản năng của mình. Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy lo lắng về con, hãy liên hệ bác sĩ và chuyên gia để nhờ sự giúp đỡ.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.