Trẻ tự kỷ thường không có hứng thú với môi trường xung quanh và thế giới quan của trẻ tự kỷ cũng khác biệt rất nhiều so với trẻ bình thường. Vì vậy, để trẻ tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả thì người dạy trẻ cần phải lưu ý thực hiện trình tự các bước như sau:
Không gian học
Phòng học của trẻ phải thật yên tĩnh, trách các tác động của môi trường xung quanh tới trẻ. Nơi học phải là chỗ trẻ quen thuộc, không nên thay đổi không gian học đột ngột sẽ làm trẻ cảm thấy lạ lẫm dẫn tới các hành vi không đáng có. Nếu dạy ở nhà nên chọn phòng trẻ để dạy, còn ở trường nên chọn chỗ trẻ hay ngồi để dạy. Không gian học cần thông thoáng, nếu quá chật hẹp sẽ làm cho trẻ cảm thấy mình bị gò ép, dễ bị ức chế và làm cho buổi học không hiệu quả.
|
Cách ngồi dạy
Ngồi ngang tầm mắt của trẻ để có thể kiểm soát được những hành động và cử chỉ của trẻ. Không ngồi che ánh sáng hay lấp đi những thứ trẻ cho rằng đó là góc đẹp nhất. Đối với trẻ có ngưỡng cảm giác cao, tránh không ngồi cạnh các bé vì bé sẽ rất khó chịu khi có người ngồi quá gần, hay nói bên tai trẻ.
Bắt đầu mỗi buổi học
Dùng các dấu hiệu gia tăng sự chú ý của trẻ như chạm vào tai để nghe, chạm vào má để nhìn. Sử dụng tên trẻ để mở đầu, ví dụ: “An nghe nào!” Không học luôn vào bài học, nên cho trẻ thực hành bằng cách ôn lại các bài như hỏi trẻ những câu đố hoặc cho trẻ học trên bộ đồ dùng học môn Toán, môn Tiếng Việt. Làm cho trẻ hứng thú với việc học và hưởng ứng theo sự hứng thú đó.
|
Cách dạy trẻ
Khi dạy trẻ nên sử dụng đồ vật hoặc hoạt động mà trẻ ưa thích làm phần thưởng: Phần thưởng sẽ khuyết khích trẻ học những cái mà trẻ không thích và cố gắng làm quen với các hoạt động mới.
Xây dựng lịch biểu bằng hình ảnh một cách rõ ràng: Sử dụng lịch trình các hoạt động trong ngày và các bước trong một nhiệm vụ bằng chữ viết đối với những trẻ có thể đọc được; đối với những trẻ không thể đọc được hoặc vừa mới học có thể dùng lịch trình bằng hình ảnh. Những hình ảnh đơn giản nhưng lại rất cần thiết với trẻ vì trẻ có thể nhanh chóng nhớ được hình ảnh nào tương ứng với hoạt động nào.
Cho trẻ hoạt động với nhiều chủ đề trẻ có hứng thú: Khi đặt ra những nhiệm vụ mới cần lồng ghép cả những phần quen thuộc mà trẻ đã thực hiện để trẻ có thể dễ dàng làm quen mà không gặp trở ngại.
|
Khi yêu cầu trẻ thực hiện nhiệm vụ, hãy sử dụng cách thể hiện tích cực: Đừng nói với trẻ các việc em không nên làm. Hãy nói cho trẻ những việc các em nên làm và cần làm.
Sử dụng các phương tiện trực quan (hình ảnh) trong giao tiếp và khi hướng dẫn trẻ thực hiện nhiệm vụ bởi trẻ tự kỷ dường như không có khả năng chú ý và tập trung vào những cuộc trao đổi bằng lời nói. Các tấm thẻ có nội dung giao tiếp có thể chỉ là những lời hướng dẫn hoặc những bức tranh nhưng có tính hướng dẫn và giao tiếp.
Động viên khen thưởng kịp thời: khen thưởng cần cụ thể, bất ngờ, tức thì và chân thành. Ví dụ: “Con viết tốt lắm, bố/mẹ/cô khen con!”
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.