6 quy tắc nuôi dạy trẻ phát triển một cách tích cực

(lamchame.vn) - Muốn con phát triển một cách tích cực thì trước hết bố mẹ phải là tấm gương tốt để con noi theo và bên cạnh đó cần phải áp dụng các phương pháp giáo dục tích cực và thực tế.

Cha mẹ hãy luôn nằm lòng những quy tắc dưới đây để định hướng trẻ phát triển một cách tích cực.

1. Không phàn nàn

Cha mẹ càng than phiền nhiều về những vấn đề như công việc, tiền bạc, các khó khăn và thể hiện sự bi quan thì trẻ nhỏ cũng sẽ nhanh chóng học theo vào có những biểu hiện tương tự.

Thay vào đó, buổi tối từng thành viên trong gia đình sẽ kể về những điều tốt và không tốt đã làm trong ngày. Sau đó, thay vì than phiền về những việc chưa tốt của con, bố mẹ tập trung nhiều hơn vào việc tốt. Thói quen này giúp thúc đẩy sự lạc quan cho trẻ từ khi còn nhỏ.

 

2. Giao việc phù hợp lứa tuổi của con

Tiến sĩ Tamar Chansky, nhà tâm lý học trẻ em và là tác giả của cuốn "Freeing Your Child from Negative Thinking", cho biết: “Giao cho trẻ những việc nhà vừa với khả năng, lứa tuổi sẽ giúp chúng chủ động và phát triển tích cực. Một đứa trẻ 2 tuổi có thể tự dọn đồ chơi của mình, hay đứa trẻ 3 tuổi có thể biết để quần áo bẩn vào đúng vị trí, hoặc khi trẻ 4 tuổi, chúng sẽ biết đem bát đũa bẩn đến bồn rửa. Đến khi 5 tuổi, trẻ biết đổ rác và 6 tuổi là lúc dạy trẻ giặt quần áo”.

3. Khuyến khích trẻ

Tất cả cha mẹ đều luôn muốn bảo vệ con tránh khỏi những rủi ro hoặc tai nạn về thể chất như ngã, xước chân tay. Nhưng nếu cứ giữ con khư khư thì có thể chúng sẽ chẳng biết làm gì hoặc thậm chí không biết chơi đùa với bạn bè. Nhiều cha mẹ vì không muốn con bị ngã nên không cho con chơi bóng đá, bóng chuyền, … Tuy vậy, vận động thể chất không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp con tự tin hơn. Vì thế các bậc phụ huynh hãy khuyến khích con chơi thể thao, đừng quá lo lắng về các chấn thương.

Michael Thompson, tác giả của cuốn “Homesick and Happy” cho rằng: “Một đứa trẻ học mẫu giáo đã có thể tự chơi một mình ở sân nhà và bố mẹ chỉ cần quan sát từ xa để đảm bảo giải quyết các tình huống ngoài ý muốn. Theo thời gian, việc này sẽ hình thành tính độc lập, tự chủ cho trẻ và chắc chắn cha mẹ sẽ tự hào về tính cách này của con”.

4. Dạy trẻ nên suy nghĩ trước khi phản ứng

Khi tiến sĩ Reivich nghe thấy một học sinh lớp 2 đã gọi con gái mình là béo thì điều đầu tiên cô muốn làm là gọi cho bố mẹ học sinh kia để họ dạy lại con mình. Nhưng sau đó, cô quyết định hỏi con mình cách phản ứng nếu lần sau bị bạn bè trêu vì cô muốn con gái mình biết cách tự bênh vực và bảo vệ mình.

Và đây là cách giải quyết mà con gái đã nói với Reivich nếu gặp lại tình huống đó: “Con sẽ nói sẽ bạn rằng, thứ 1 tôi không béo, thứ 2, nói người khác như vậy thật thô lỗ và chẳng tốt đẹp gì”.

Hãy để trẻ cố gắng giải quyết mọi thứ và tập cách suy nghĩ kỹ trước khi phản ứng với các tình huống. Việc này giúp trẻ lạc quan hơn trong tương lai.

 

5. Khuyến khích con

Nhà tâm lý học Andrew Shatté cho biết, trẻ sẽ phản ứng tiêu cực với những việc lần đầu tiên thực hiện như: “Con không biết chơi môn thể thao này”, “Con không biết làm toán”, “Con sẽ không thể chơi bóng đá được đâu”,... Trong những tình huống này, cha mẹ nên khuyến khích để con thay đổi quan điểm rằng mình có thể làm điều đó, rằng đây chỉ là khó khăn ban đầu và “Các bạn làm được thì con cũng làm được đúng không nào?”.

Nhớ đừng vội chê hoặc phàn nàn khi con mới làm việc gì đó mà chưa thành công. Hãy cứ động viên, khuyến khích con nhé cha mẹ.

6. Sống thực tế

Khi trẻ gặp khó khăn, hãy trấn an con bằng những lời nói tích cực nhưng phải luôn thực tế, không để con chờ đợi hay mong mỏi những điều không có thật vì điều này sẽ phản tác dụng, khiến trẻ trở nên tiêu cực. Sự lạc quan đòi hỏi trẻ phải có suy nghĩ thực tế và sẵn sàng đối mặt với mọi vấn đề.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU