Cấm xe máy ở Hà Nội gây xôn xao dư luận

(lamchame.vn) - Những ngày qua, chuyện cấm xe máy tại TP.Hà Nội đang gây xôn xao dư luận xã hội. Nhiều ý kiến tranh cãi được đưa ra và nhận được nhiều quan tâm của của nhiều người.

Hà Nội là Thủ đô, là thành phố hiện đại bậc nhất cả nước nhưng một phần quan trọng của thành phố là xe máy. Vậy nên đề xuất cấm xe máy nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân.

Chia sẻ với  Dân Việt, anh Nguyễn Tuấn Minh (Nguyễn Trãi, Hà Nội) nhìn nhận: “Công bằng mà nói xe máy là phương tiện thuận tiện nhất để đi lại ở Hà Nội, tuy nhiên xe máy cũng là một trong những phương tiện mất an toàn nhất ở nước ta. Nhưng nếu Hà Nội cấm xe máy thì người dân đi bằng phương tiện gì khi mà hệ thống giao thông chằng chịt: đại lộ - đường vành đai – đường nhánh – ngõ – ngách,…

Nếu Hà Nội cấm xe máy thì người dân đi bằng phương tiện gì khi mà hệ thống giao thông chằng chịt: đại lộ - đường vành đai – đường nhánh – ngõ – ngách

(Ảnh minh họa: Internet)

Cho nên TP phải rất thận trọng trong việc giải quyết vấn đề này, xem cốt lõi của việc tắc đường, ô nhiễm không khí là gì, nguyên nhân chính có phải do xe máy không để có những biện pháp tối ưu nhất không gây phiền hà cho người dân thủ đô”.

Đồng ý với chủ trương hạn chế xe máy của lãnh đạo Hà Nội, chị Nguyễn Minh Thư (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Cấm xe máy hoặc hạn chế xe máy là xu thế nhưng chưa phải thời điểm bây giờ và vài năm tới. Nếu muốn làm nhanh thì thành phố phải đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là giao thông công cộng.

Đây mới là cách giải quyết vấn đề gốc rễ. Chứ giờ, vừa xây dựng được một vài trục đường sắt trên cao (nhưng hướng tâm duy nhất về trung tâm); một tuyến đường BRT,… đã tính đến cấm xe máy thì tình hình giao thông sẽ càng trở nên bi đát hơn. Cấm xe máy lấy phương tiện gì phục vụ đi lại, buôn bán, giao thương cho cho hàng triệu lượt đi lại mỗi ngày”.

Đứng trên phương diện chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – người có gần 40 năm nghiên cứu về giao thông thẳng thắn cho rằng: Hà Nội không nên cấm xe máy mà chỉ nên hạn chế. “Giao thông vận tải là xã hội chứ không phải chỉ có máy móc. Khi anh động đến người dân là động đến cả cuộc sống của người ta.”.

Tiến sĩ Thủy chỉ ra rằng, trong khi phương tiện giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng được 8-10%, đến năm 2030, cũng có thể chỉ đạt được 20-25%. “Chỉ khi nào giao thông công cộng đạt đến 40-45% thì mới dùng đến các biện pháp để hạn chế xe máy chứ không được cấm”.

Theo đó, với đặc thù giao thông nội đô, xe máy là phương tiện cơ động và khả năng gây ùn tắc chỉ bằng một phần nhỏ của ôtô. “Hai phương tiện cá nhân đi cùng nhau, tại sao cấm xe máy mà lại không cấm ôtô? Dù thời nào, vẫn có tỉ lệ nhất định người dân dùng xe máy, vì vậy, chúng ta nên tuyên truyền cho người dân dùng phương tiện nào cho phù hợp” - ông Thủy nói.

Dự kiến một trong 2 tuyến phố là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sẽ thí điểm cấm xe máy hoạt động đầu tiên trong các quận nội thành của Hà Nội

(Ảnh minh họa: Internet)

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên TP.Hà Nội đề cập đến vấn đề cấm xe máy ở khu vực nội thành cũng như việc người dân có ý kiến xung quanh vấn đề này.

Trước các kiến nghị của cử tri, chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Đến năm 2030 Hà Nội chỉ hạn chế phương tiện cá nhân chứ không cấm hẳn” và TP nhất quán quan điểm “hạn chế phương tiện cá nhân phải đi cùng với sự phát triển của giao thông công cộng”.

Cụ thể, ông Chung cho hay đến năm 2020 Hà Nội sẽ có thêm thêm 1.500 xe buýt, với nhiều loại hình như buýt mini, buýt phục vụ du lịch... Đến năm 2030, hệ thống phương tiện công cộng phải đảm bảo phục vụ 50%-70% hành khách thì mới tiến hành hạn chế dần xe máy và các phương tiện cá nhân. 

Mới đây, trao đổi với báo giới, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, cho biết tại cuộc làm việc mới đây giữa Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở GTVT Hà Nội (ngày 9.3), ông đã đề nghị sớm thực hiện lộ trình cấm xe máy theo đề án kiểm soát phương tiện cá nhân tại nội đô từ năm 2030 được HĐND TP.Hà Nội thông qua tại kỳ họp thứ 11 vào năm 2017.

“Nghị quyết của HĐND TP đã đưa ra nguyên tắc hạn chế phương tiện cá nhân tại các tuyến phố có đủ điều kiện. Vì vậy, không phải là đợi đến năm 2030 là cấm đồng loạt xe máy tại nội thành mà căn cứ vào lộ trình của đề án, tuyến phố nào đủ điều kiện thì sẽ hạn chế phương tiện cá nhân, ví dụ như khu vực phố đi bộ hiện nay” – ông Viện cho hay.

Theo giám đốc Sở GTVT Hà Nội, song hành với đầu tư cho vận tải hành khách công cộng cũng cần có biện pháp hạn chế xe máy để người dân chuyển sang phương tiện công cộng.

"Trong đề án chúng tôi đã nói rõ, với khu vực trung tâm TP phải bảo đảm điều kiện 80% khu vực có thể tiếp cận hệ thống giao thông công cộng phạm vi dưới 500 m. Khoảng 20% còn lại là ở trong các ngõ, xóm, người dân có thể sử dụng phương tiện phù hợp như xe đạp, taxi hoặc đi bộ. Chúng tôi hiểu rằng sử dụng phương tiện cá nhân bao giờ cũng tiện hơn phương tiện công cộng. Nhưng cái tiện của mình cũng phải tiện cho cả xã hội nữa" - ông Viện khẳng định.

Về lộ trình cấm xe máy hoạt động trong nội thành, ông Viện cho biết căn cứ vào điều kiện thực tế, TP Hà Nội sẽ đưa ra quyết định dừng hoạt động xe máy ở một số tuyến phố, khu vực đủ điều kiện. Dự kiến có thể một trong 2 tuyến phố là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sẽ thí điểm cấm xe máy hoạt động đầu tiên trong các quận nội thành của Hà Nội sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh-Hà Đông) đi vào hoạt động.

 

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU