Tôi từng gặp những người mẹ, mỗi tháng tham gia hàng chục các cuộc nói chuyện, hội thảo lớn nhỏ, chưa kể đến cả tủ sách nuôi dạy con được đặt mua liền tay mỗi khi lên kệ; thế nhưng sau khoảng nửa năm gặp lại, tôi thấy người mẹ đó vẫn băn khoăn, vẫn hoang mang hỏi bất cứ ai có thể hỏi được chuyện "Làm sao để con em bớt ăn vạ, mè nheo và đòi xem điện thoại lúc ăn cơm?".
Tôi từng gặp những người mẹ, cặm cụi lặn lội trong các hội nhóm, theo dõi hàng chục các bà mẹ nổi tiếng, hễ cứ thấy thông tin nào nhiều người like là ngay lập tức kéo về share facebook "Hay quá! Lưu lại đây đã để đọc sau".
Hẳn là việc luôn tỏ ra quan tâm đến các "kiến thức" nuôi dạy con đã khiến chúng ta cảm thấy rằng mình lúc nào cũng lo lắng cho con và luôn muốn trở thành những bậc cha mẹ hiểu biết. Mỗi lần nhìn thấy một bài viết, một cuốn sách hay một hội thảo, khóa học là chúng ta ngập tràn cảm hứng thay đổi, chúng ta lên dây cót và chúng ta hô hào quyết tâm.
Mỗi tích tắc trôi qua, hiện lên trên giao diện trang cá nhân của bạn là hàng chục, thậm chí cả trăm những "tài liệu", "lời khuyên", "khóa học", "hình mẫu đáng học tập" như vậy. Như một cơn lũ, chúng cuốn bạn vào một dòng chảy không thể cưỡng lại được, khiến bạn cảm thấy như là "mình đang có cơ hội để trở thành cha mẹ tốt và biết cách xử lý các vấn đề gặp phải khi nuôi dạy con", đó là dòng chảy "chia sẻ mọi thông tin, tham gia mọi khóa học, lưu lại mọi tài liệu" nuôi dạy con mà bạn nhìn thấy mỗi ngày.
Nhưng thử nhớ lại xem nào, cảm giác thở phào nhẹ nhõm, hừng hực khí thế và cảm thấy như là được cứu rỗi đó ở lại với bạn trong bao lâu? Một phút? Năm phút? Nhiều hơn năm phút? Hay vài ngày? Thực tế nó chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi, ngay sau khi chúng ta "lưu cái hay ho này lại đã", chúng cũng sẽ tan ra như bọt biển cùng với núi công việc và hàng tỉ thứ lo lắng, bận rộn hằng ngày.
Tất cả những gì bạn nghe được ở các khóa học, lướt thấy ở các bài báo phân tích dài dằng dặc, nghe nói về một cuốn sách đều có chung một trạng thái "để đó đọc sau, để đó làm sau" như thế rồi xẹp lép, phủ bụi bởi sự chây ì và ngại thay đổi của bạn. Thường là, chỉ sau một cú click chia sẻ/ lưu lại/ đăng kí/ đặt hàng các "sản phẩm", "công cụ" đó, chúng ta lại trở thành chính chúng ta, lười biếng và ảo tưởng.
Một chú heo tiết kiệm có giá trị không phải ở vẻ bề ngoài màu mè, đáng yêu mà là ở cái bụng rỗng được lấp đầy dần lên mỗi ngày, việc làm cha mẹ cũng như vậy. Bạn không thể thấu hiểu con cái hay vượt qua những khó khăn của mình nếu cứ dựa dẫm vào các cuốn sách, tài liệu hay khóa học mà bạn đang chất lên mình mỗi ngày.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, để hình thành nên một thói quen lành mạnh hay một sự thay đổi, ít nhất bạn phải thực hành điều đó 20 lần liên tục trong một quãng thời gian ngắn. Vì thế, nếu bạn không nghiên cứu, không thấm thía điều gì đó đủ lâu và đủ sâu, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể tạo nên bất cứ sự thay đổi nào cho công việc làm cha mẹ của mình.
Hai tác giả Jessica Joelle Alexander và Iben Dissing Sandahl viết trong cuốn sách rất ăn khách của mình là cuốn Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc rằng: "Tăng cường nhận thức về chính mình cũng như luôn đưa ra các quyết định có ý thức rằng mình nên cư xử hay phản ứng ra sao, là những bước đi đầu tiên đến một cú đổi đời đầy ngoạn mục. Đây là cách để chúng ta trở thành những bậc cha mẹ tốt hơn - và những con người tuyệt vời hơn".
Để trở thành cha mẹ tốt hơn, cách tốt nhất là chúng ta phải biết nhìn sâu vào chính mình nhiều hơn nữa, hãy bắt đầu từ những thói quen và thay đổi nhỏ, kiên trì với nó, đồng thời dành nhiều thời gian hơn để quan sát và lắng nghe con cái, chính chúng chứ không phải ai khác hay điều gì khác mới là cuốn sách, là tài liệu chuẩn mực, là chuyên gia giáo dục của riêng bạn - theo một cách phù hợp, hoàn chỉnh và hiệu quả nhất.
Hãy chấp nhận một thực tế rằng, chẳng có một công cụ nào trên đời có thể giúp bạn trở thành cha mẹ tốt hay dạy dỗ con cái trưởng thành.
Hãy tỉnh táo để hiểu rằng, chẳng có một chuyên gia nào trên đời - những người không sinh con bạn ra, không nuôi dưỡng và chăm sóc con bạn một ngày nào lại có thể giúp bạn hiểu chúng và giải quyết hoàn hảo những vấn đề của chúng.
Hãy dũng cảm thừa nhận rằng, một vài lần nào đó bạn đã muốn vứt quách mớ lý thuyết từ những cuốn sách "luyện ngủ, luyện ăn, luyện trí thông minh" vào sọt rác khi bất lực đứng trước một em bé mắt nhắm tịt đang ra sức ngoạc mồm ra gào khóc không ngừng.
Bởi vì, gốc rễ sâu xa của mọi vấn đề bạn gặp phải trong hành trình làm cha mẹ không phải đến từ bọn trẻ mà đến từ chính bản thân bạn - những người lớn lười nhác, chậm chạp, chán ghét, ngại thay đổi nhưng lại luôn nghĩ rằng mình có thể thay đổi thế giới để giúp lũ trẻ trở nên ngoan ngoãn, thông minh và thành công hơn bằng những "công cụ" và trợ thủ là các bí quyết, các bài viết "5 điều 7 kiểu", các khóa học, các chuyên gia.
Học hỏi và cập nhật tri thức làm cha mẹ là điều vô cùng cần thiết và có ý nghĩa, tuy nhiên, nó chỉ thực sự tạo nên sự thay đổi và mang đến giá trị đích thực cho mối quan hệ cha mẹ, con cái của bạn khi bạn dành thời gian để thực hành những điều đó hàng ngày, dành thời gian để hiểu bản thân mình, hiểu con mình, dành thời gian để cân bằng và thư giãn, để bao dung, tin tưởng và tôn trọng con cái bạn từ những điều nhỏ nhất.
Theo tri thức trẻ