Chuyên gia giáo dục về nuôi dạy con kiêm chuyên gia trị liệu tâm lý người Canada Andrea Nair đưa ra những bí quyết hiệu quả giúp các bà mẹ ngăn ngừa và kiểm soát trạng thái căng thẳng, từ đó bớt cáu gắt, quát mắng con.
1. 5 phút mỗi sáng gắn kết với con
Thường các cuộc mâu thuẫn, căng thẳng xảy ra giữa cha mẹ và con cái sẽ xảy ra khi con không cảm nhận được bạn là "đồng minh" của con. Có thể tránh những màn đối đầu căng thẳng mỗi sáng bằng cách dành thời gian – dù chỉ là 5 phút thôi - để gắn kết với con. Cười đùa, ôm ấp, vật tay, tô màu hoặc đọc sách cùng nhau đều là những lựa chọn tuyệt vời.
Có thể tránh những màn đối đầu căng thẳng mỗi sáng bằng cách dành thời gian – dù chỉ là 5 phút thôi - để gắn kết với con (Ảnh minh họa).
2. Hãy để con thử
Một biện pháp ngăn ngừa khác là để con bạn chịu trách nhiệm càng nhiều hoạt động của trẻ càng tốt. Trẻ thường phát cáu và bắt đầu phản ứng lại cha mẹ khi cảm thấy suốt ngày bị nhắc nhở phải làm gì đó quá nhiều lần.
3. Lùi lại một bước
Hãy nhớ rằng cần phải có 2 bên mới đủ tạo thành một trận chiến. Cha mẹ chỉ cần quyết định không để bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi thì cuộc chiến sẽ không xảy ra. Hãy hỏi bản thân: "Liệu mình có thực sự CẦN để chuyện này khiến mình khó chịu không?". Hãy đưa ra quyết định sáng suốt là bạn không cần phải giành phần thắng trong cuộc chiến này.
Hãy huy động toàn bộ sự dịu dàng, ấm áp mà bạn có thể dành cho con.
4. Bình tĩnh
Hít một hơi thật sâu. Hãy đếm thầm để kích thích não bộ suy nghĩ, giữ cho bản thân bạn trong trạng thái bình tĩnh và cố gắng nhìn nhận, xem xét sự việc qua mắt nhìn của trẻ. Hãy huy động toàn bộ sự dịu dàng, ấm áp mà bạn có thể dành cho con.
5. Thông báo cho con chính xác việc cần làm
Xem xét việc cần làm như ra khỏi nhà đúng giờ hoặc khích lệ con luyện đàn. Một khi đã xác định điều gì là quan trọng, hãy thông báo rõ ràng cho con biết. Bạn có thể nói với con: "Chúng ta cần tập trung để đảm bảo sẽ ra khỏi nhà trước 7 giờ 30 phút".
6. Xem xét các lựa chọn
Hãy nghĩ về một số cách thức khác nhau để đạt được mục tiêu nào đó như tỏ ra vui đùa, thoải mái với con; tạo một cuộc chạy đua; trao cho con cái ôm; sử dụng vài mẹo nhỏ... Chẳng hạn mẹ có thể nói: "Con đã nghe câu chuyện về cô bé có mái tóc màu tía chưa? Mẹ sẽ kể cho con khi nào con lên xe nhé?" hay đề nghị sự trợ giúp của con, ví dụ: "Chúng ta gặp rắc rối con ạ. Chúng ta thực sự có nguy cơ muộn giờ rồi. Chúng ta nên làm gì bây giờ?".
Hãy thể hiện cho con biết bạn tin con là một người rất có khả năng (Ảnh minh họa).
7. Cho con quyền quyết định
Trẻ thường cảm thấy được trao quyền nhiều hơn khi cảm nhận được mình có thể kiểm soát ở một mức độ nào đó, dù nhỏ, trong một tình huống không thể kiểm soát. Với mục tiêu trong tâm trí, hãy nghĩ đến 2-3 khả năng có thể để vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Ví dụ: "Chúng ta phải ra khỏi nhà ngay bây giờ. Con sẽ tự đi giày vào hay có cần mẹ giúp không? Tùy con quyết định đấy". Với trẻ lớn hơn, bạn có thể nói: "Mẹ biết con không thích luyện đàn bây giờ. Có cách nào để con cảm thấy sẵn sàng luyện đàn hơn không? Con có thích có một thứ gì đó thú vị chờ đợi con sau khi luyện đàn? Hay con muốn bắt đầu chơi một bản nhạc con yêu thích thay vì bản nhạc có trong bài tập cô giao?".
8. Khẳng định lựa chọn của con
Sau khi con đưa ra một quyết định có hiệu quả, hãy mỉm cười, gật đầu và khẳng định lực chọn của con. Ví dụ: "Tốt rồi. Con sẽ tập chơi đàn nửa giờ - mẹ sẽ đặt đồng hồ hẹn giờ nhé - rồi sau đó, mẹ con mình có thể xem ít phim hoạt hình với nhau. Nghe tuyệt đấy!".
9. Khen ngợi con
"Mẹ đánh giá cao việc con đã giúp mẹ giải quyết rắc rối của chúng ta vào sáng hôm nay. Cảm ơn con nhé!".
10. Củng cố khả năng của con
Hãy thể hiện cho con biết bạn tin con là một người rất có khả năng. Thử sử dụng cụm từ "Mẹ thấy con…" như trong câu sau: "Mẹ thấy con đã vượt qua được những việc mà lúc đầu con không muốn làm - để làm được thế cần sự kiên trì, bền bỉ lắm" hoặc "Con CÓ THỂ tự đi giày rồi!".
Theo afamily.vn