Cơ hội vươn tầm quốc tế cho du lịch Việt Nam sau thượng đỉnh Mỹ - Triều

(lamchame.vn) - Việt Nam gặt hái được nhiều lợi ích, đặc biệt là trong mảng du lịch khi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức cũng như nhiều lợi ích vô hình không thể thấy ngay được

Cơ hội vươn tầm quốc tế cho du lịch Việt

Những ngày qua, với việc đăng cai cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Việt Nam đang được nhắc đến với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông quốc tế như một điểm đến đặc biệt, an toàn, thân thiện, có khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn và quan trọng. Trong thời gian diễn ra sự kiện, khoảng 3.000 phóng viên các hãng truyền thông, báo chí trên toàn thế giới đến Việt Nam để đưa tin về sự kiện.

"Điều này tạo ra điều kiện hết sức thuận lợi để thu hút hơn nữa khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Những điểm đến tại Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội sẽ theo chân các phóng viên lên các phương tiện truyền thông hàng đầu thế giới. Sự kiện mang đến cơ hội kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng. Không chỉ trong thời gian diễn ra sự kiện, mà sau khi kết thúc sự kiện, với uy tín, chất lượng dịch vụ đã được kiểm chứng, những doanh nghiệp và cơ sở lưu trú này sẽ có điều kiện tốt nhất để đẩy mạnh phát triển kinh doanh, đón tiếp, phục vụ nhiều hơn nữa khách du lịch quốc tế và trong nước...", ông Hà Văn Siêu - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ tại buổi họp báo chiều ngày 25/2, tại Hà Nội.

Với vai trò là điểm đến chính của sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, đây là sự kiện được cả Thế giới chú ý nên sẽ cơ hội để nâng cao vị thế của Việt Nam. Tuy nhiên, không chi trong thời gian diễn ra sự kiện mà những công việc xúc tiến du lịch sau hội nghị cũng cần được chú trọng hơn. Đó là việc đơn giản hóa thủ tục visa, ngành vận chuyển du khách phải làm tốt hơn nữa và cần có các hoạt động truyền thông đi kèm về sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, môi trường du lịch, dịch vụ…

Việt Nam gặt hái được nhiều lợi ích khi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều, đặc biệt là cơ hội vươn tầm thế giới của ngành du lịch

Lợi ích có thể không thấy ngay được

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Việt Nam gặt hái được nhiều lợi ích khi tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ông nhấn mạnh đạt được những thứ vô hình không thể thấy ngay được. Bộ trưởng cũng vui vẻ chia sẻ các phóng viên quốc tế cũng đánh giá rất cao công tác tổ chức của Việt Nam nhất là trung tâm làm việc, đường truyền Internet và ẩm thực Việt Nam.

Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết Việt Nam đã tiết kiệm hàng triệu USD chi phí truyền thông và quảng bá với sự xuất hiện của nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới.

"Bình thường chúng ta phải bỏ ra hàng triệu USD cho các hãng thông tấn lớn quảng bá hình ảnh Việt Nam mà chỉ được vài giây, vài phút. Trong khi hội nghị thu hút đến 218 hãng thông tấn lớn đến đưa tin. Tôi cho rằng đó là cái lợi ích truyền thông rất cao", ông nói.

Du lịch Việt vẫn còn nhiều thách thức phía trước, không nên chủ quan

Du lịch Việt Nam đã phát triển, tuy nhiên sự phát triển so với tiềm năng lợi thế và các nước trong khu vực vẫn là vấn đề cần phải mạnh dạn nhìn nhận nghiêm túc về sự phát triển đó, cụ thể ở một số điểm sau:

Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, đa dạng và phong phú, nhưng sản phẩm du lịch của ta còn nghèo, đơn điệu. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm chưa bài bản, chưa có tính đột phá, sáng tạo. Chất lượng dịch vụ còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Công tác quảng bá, xúc tiến còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa có sự dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh đó nguồn tài chính eo hẹp nên quảng bá, xúc tiến chưa căn cứ vào thị trường, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có sự kết nối đồng bộ trong cả hệ thống cũng như chưa gắn kết du lịch với các sự kiện, hình ảnh mang tính quốc tế….Việc định vị điểm đến còn lúng túng, phần nhiều tự phát, không có quy hoạch phát triển cụ thể. Công tác nghiên cứu chưa được đầu tư về nguồn lực, con người cho tương xứng nên phần nào đó làm cho thương hiệu du lịch Việt Nam chưa phát triển xứng tầm.

Doanh nghiệp lữ hành Việt Nam còn yếu, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 84%, bên cạnh đó là sự rời rạc, không có liên kết với nhau cũng như quan hệ giữa doanh nghiệp với chính quyền còn mang tính hình thức, do vậy sẽ rất khó để vươn ra thị trường du lịch quốc tế. Cùng với đó, việc giải quyết triệt để các vấn đề về ô nhiễm môi trường, giao thông ùn tắc, tệ nạn xã hội, mất an ninh, an toàn ở các thành phố lớn và vấn đề an toàn thực phẩm, chưa được đặt vị trí kiểm soát đúng nghĩa. Do vậy, Chính phủ một số nước như: Mỹ, Anh, Úc, Canada, Thụy Sỹ… đưa những vấn nạn này vào khuyến cáo cho công dân khi đi du lịch Việt Nam. Điều đó làm cho hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, hiền hòa, mến khách mất dần giá trị, khi mà nhiều năm ta đã tạo dựng được các giá trị đó.

Đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp của ta vừa thiếu, lại vừa yếu, trình độ ngoại ngữ các thị trường mục tiêu vẫn hạn chế. Chính sách quốc gia để du lịch phát triển theo đúng nghĩa ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường chưa rõ nét. Cùng với đó nguồn nhân lực của ta còn bộc lộ nhiều nguyên nhân tiêu cực, như: ngoại ngữ, chuyên môn văn hóa, lịch sử, kiến thức cuộc sống, cũng như khả năng đối ngoại còn hạn chế…Chúng ta còn thiếu đội ngũ doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp du lịch kiểu mẫu, có bản lĩnh, sáng tạo, tự tin. Trên hết, du lịch Việt Nam còn thiếu vai trò của một “nhạc trưởng” dẫn dắt toàn ngành đi vào thế giới hội nhập…

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU