Đây là kiểu dạy con bị cho là "lỗi thời", thầy giáo nói: Khi cần vẫn dùng, chỉ nên lưu ý điều này

(lamchame.vn) - Theo thầy Đỗ Cao Sang, tâm thức trẻ em có phần thánh thiện nhưng cũng có phần "hoang dại".

Thầy giáo Đỗ Cao Sang

Đánh đòn để giáo dục thì không hề có mắng nhiếc kèm theo, không hề có giận dữ

Tâm thức trẻ em có phần thánh thiện nhưng cũng có phần "hoang dại". Hồn nhiên, trong sáng, chân thành, vô tư là trẻ em. Nhưng thích làm bậy theo ý muốn, tự mãn, đố kỵ, ích kỷ, tham lam cũng là trẻ em.

Nhưng trái với người lớn, phần thánh thiện của trẻ bao giờ cũng chiếm ưu thế. Chẳng hạn, đứa trẻ phạm lỗi thì biết sợ trong khi nhiều người lớn phạm tội tày trời mà mặt vẫn tỉnh queo. Trẻ em cũng ít nói dối như người lớn. Mỗi lần trẻ phạm tội gì đó, trẻ cảm thấy áy náy. Đó là lòng yêu thích sự công bằng và lương tâm trong sáng thúc đẩy. Điều này phổ biến ở hầu hết trẻ em, trái lại, rất hiếm hoi ở người lớn.

Thầy Sang cho rằng, không thể dùng bạo lực ngôn từ với trẻ em. Các triết gia, các đại minh sư thế giới đều không dùng bạo lực ngôn từ với trẻ hoặc với những kẻ tâm thức còn yếu. Nhưng đôi khi dùng roi vọt với trẻ là rất cần thiết. Tuy nhiên, người cầm roi phải kiểm soát được hành vi và cảm xúc. Tức là phạt vì mục đích rõ ràng chứ không nên chỉ vì sự tức giận của cá nhân mình. 

"Người đánh trẻ phải làm chủ được từng roi đánh xuống. Chỉ đánh vào chỗ không nguy hiểm và đánh trong ngưỡng đứa trẻ có thể chịu đựng được. Đánh để giáo dục thì không hề có mắng nhiếc kèm theo, không hề có giận dữ. Đánh nhiều hay ít phải hợp lý với lỗi lớn hay nhỏ. 

Khi trẻ phạm lỗi (lười biếng, tham lam, ích kỷ, bất cẩn, vô lễ…), dùng một vài roi sẽ hiệu quả. Bạn lo sợ tổn thương tâm lý? Thực tế chúng ta đều biết đánh con trong tình yêu thương thì không hề gây ra tổn thương tâm lý cho con. Chỉ khi bạn đánh chúng trong sự giận dữ và căm thù thì mới có tổn thương tâm lý", thầy Sang nói.

Trước đó, bà Lý Mai Cẩn, một Giáo sư, chuyên gia rất nổi tiếng của Trung Quốc trong lĩnh vực Tâm lý tội phạm học và Tâm lý trẻ em cũng cho rằng: "Trong quá trình trưởng thành của con người, cần phải hình thành một thứ gì đó. Ngoài tình yêu, còn phải có sự kính sợ. Nếu trẻ phạm lỗi sai, hình phạt thực chất là một loại bảo vệ, khiến trẻ biết hối hận và sửa sai".

Hàm ý câu này nhấn mạnh rằng, trẻ em phải biết các quy tắc không thể bị vi phạm. Nếu trẻ mắc lỗi, chỉ có hình phạt mới khiến trẻ thức tỉnh.

Đòn roi không nên được khuyến khích. Nhưng mọi việc đều có ngoại lệ và có những tình huống đặc biệt phải được xử lý theo những cách đặc biệt. Nếu bạn không kịp thời khiến con ghi nhớ bài học và đảo ngược những quan niệm sai lầm của chúng thì rất có thể cuộc đời con sẽ bị hủy hoại.

Bà Lý Mai Cẩn cho biết: "Tính cách được phát triển trước 6 tuổi. Nếu một số vấn đề không được giải quyết, sau này cha mẹ sẽ không thể kiểm soát được". Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con, nếu "thầy" không có kỷ luật thì lấy tư cách gì mà mong con thành đạt, trưởng thành tử tế?

Giáo sư thẳng thắn nói: Nếu trẻ có 2 hành vi sau đây, cha mẹ nên kịp thời kỷ luật. Đôi lúc đối với những trẻ lặp lại quá 3 lần sai phạm, phụ huynh cần cảnh báo bằng phạt roi. Nhưng là có phân tích cho trẻ hiểu đúng sai, đánh bao nhiêu roi rất cụ thể chứ không phải là kiểu đánh hết sức bình sinh hay động chuyện là "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay".

1. Thường xuyên không tôn trọng người lớn tuổi và đe dọa cha mẹ

Nếu một đứa trẻ từ nhỏ không kính trọng người lớn tuổi, thậm chí có hành vi bạo lực, hỗn hào với cha mẹ thì khi lớn lên, không chỉ bị tẩy chay vì cách cư xử kém cỏi mà còn khó hòa nhập vào xã hội. Một số trẻ khác được chiều chuộng nên khóc lóc, dọa cha mẹ để thỏa mãn mọi yêu cầu. Một khi cha mẹ thỏa hiệp, đứa trẻ sẽ càng lấn tới, tiếp tục đe dọa. Những lúc này, cha mẹ phải kiên quyết từ chối và có hình phạt cần thiết. Quan trọng hơn, hãy xem xét lại cách giáo dục của mình.

2. Ăn trộm nhiều lần

Có một sự khác biệt lớn giữa trẻ em dưới 6 tuổi lấy thứ gì đó, so với trẻ lớn hơn ăn trộm. Bộ não của trẻ chưa phát triển đủ để suy nghĩ về hành vi của bản thân và về người khác.

Nếu con từ 9 tuổi trở lên, lấy đồ của bạn hoặc người khác, bạn nên xử lý vấn đề nghiêm túc hơn. Nếu con bạn không thể ngừng hành vi xấu, bạn cần tìm ra nguyên nhân khiến điều này lặp đi lặp lại. Nếu để những hành vi này phát triển thành thói quen, chúng sẽ trở thành kẻ trộm chuyên nghiệp, sau này chắc chắn sẽ phải trả giá rất đắt.

Bà Lý cũng nhấn mạnh: "Trước hết, với tư cách là cha mẹ, bạn nên hiểu rằng đánh đòn là để điều chỉnh hành vi của trẻ và giúp trẻ thiết lập những quy tắc chứ không phải để giải tỏa cảm xúc. Thứ hai, không nên đánh trẻ quá mạnh, người lớn có thể dùng tay đánh vào mông hoặc lòng bàn tay của trẻ để không gây tổn hại.

Ngoài ra, cần phân biệt khi nào nên đánh và khi nào không nên đánh. Trẻ em đôi khi có những hành vi nhất định mà người lớn không thể hiểu được nhưng đó là những đặc điểm bình thường trong quá trình trưởng thành của trẻ. Khi trẻ gây rắc rối một cách vô lý, cha mẹ có thể chọn cách "lạnh lùng" với trẻ, làm bất cứ điều gì cần làm và chuyển hướng sự chú ý của trẻ. Đợi trẻ khóc một lúc và bình tĩnh lại rồi mới hướng dẫn".

Bạn nghĩ gì về những quan điểm này? Bạn có đồng ý với phương pháp giáo dục khi cần thiết vẫn phải "đánh đòn" không?

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU