Ghé thăm vùng đất đầy nắng gió Quảng Trị, bạn sẽ không được tiếp đãi những món sang trọng, lạ lẫm mà ẩm thực nơi đây lại phảng phất nét mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần bắt vị. Người dân thường chọn những nguyên liệu từ thiên nhiên gần gũi để chế biến nên nhiều món ăn hấp dẫn, thậm chí trở thành đặc sản. Trong đó phải kể đến bánh đúc rau câu, thức quà bình dị níu kéo vị giác của biết bao thực khách.
Bánh đúc rau câu Quảng Trị xuất hiện lần đầu tiên ở thị trấn Cửa Tùng, khi người dân phát hiện ra công dụng của loại cây rau mọc trên các lớp đá vùng ven biển. Cây rau câu xứ này có thân màu nâu, cành cây nhỏ và lá rất mỏng manh. Mùa hè là lúc nở rộ của loại thực vật này và người ta phải đợi nước thủy triều rút xuống mới hái chúng được.
Rau câu nguyên thủy đã có vị ngọt và mùi thơm thanh tự nhiên nên khi chế biến món bánh đúc, người ta không cần phải thêm thắt nhiều gia vị. Sau khi hái về, rửa rau cho thật sạch và lọc hết cát bẩn. Rau câu được nấu bằng cách ninh nhừ trong nước sôi với lửa liu riu để tạo nên một hỗn hợp có màu xanh đậm và cô đặc.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng bạn phải canh tỷ lệ nước và rau cho thật chuẩn để bánh có độ dẻo mịn và sánh đặc hợp lý. Thông thường thì một cân rau câu sẽ tương ứng với nửa lít nước. Đặc biệt là người nấu phải vớt bọt thật sạch không thì bánh sẽ nổi bong bóng trông không đẹp mắt.
Khi rau câu quánh đặc thì lá bai là thứ được dùng để lót vào khuôn bánh. Hai chiếc lá xếp úp lại và đặt vào từng bát nhỏ, múc rau câu đã chín vào. Kì diệu là chỉ trong chớp mắt, phần rau câu đông cứng tạo thành những chiếc bánh đúc màu xanh rêu trông thật mướt mắt. Cũng nhờ lá bai với một mặt màu xanh, một mặt trắng sữa góp phần tô điểm cho chiếc bánh thêm đẹp và thơm thoảng mùi hương tự nhiên.
Điểm đặc biệt khiến người ta nhớ mãi khi thưởng thức món bánh đúc rau câu Quảng Trị này chính là nguyên liệu ăn kèm. Cứ ngỡ bánh ngọt hay rau câu như này sẽ ăn cùng dừa, đường, còn không thì cứ ăn chay nhưng người dân nơi đây lại kết hợp với ruốc. Đâm mấy trái ớt mọi với múi tỏi, bỏ ruốc vào và vắt thêm chanh, ấy thế mà ra một chén nước chấm ngon "đáo để".
Dùng tay gỡ lớp lá bai, cắt bánh thành miếng vừa miệng rồi quệt đều trong ruốc, mọi hương vị tuy đơn giản nhưng lại bung tỏa không ngờ. Rau câu dai giòn, mang cái ngòn ngọt đặc trưng của rong biển lại còn "đắm chìm" trong mùi thơm nồng của ruốc, cay the của tỏi ớt và đọng lại ở cổ họng cái man mát thanh thanh lạ lẫm. Bởi thế mà người ta phải ăn đến 2 - 3 chiếc mới đủ thỏa mãn.
Bánh đúc rau câu Quảng Trị không chỉ là đặc trưng ẩm thực đường phố ở nơi đây mà còn là thức quà quý giá được người dân gìn giữ qua nhiều năm. Đơn giản, mộc mạc, bình dị là thế nhưng dường như ở mọi bàn tiệc, ngày lễ truyền thống đều không thể vắng mặt hương vị này. Cái thanh mát hòa hợp trong chút mặn nồng của món ăn như là biểu trưng cho tấm lòng hồn hậu, chất phác của người dân vùng biển.
Theo tri thức trẻ