Đi hội chùa Hương, đừng quên nếm thử 5 đặc sản dân dã mà khó quên này

Đến chùa Hương, ngoài đi lễ, ngắm cảnh hai bên suối Yến, bạn cũng đừng quên thưởng thức những món đặc sản ngon tuyệt dưới đây nhé.

Chùa Hương bắt đầu vào mùa lễ hội. Là lễ hội dài nhất ở miền Bắc đồng thời là ngôi chùa vô cùng linh thiêng nên lượng khách thập phương đến với chùa Hương là rất đông. Bên cạnh đi lễ chùa, ở đây còn có khá nhiều món ăn thú vị vừa có thể ăn tại chỗ, vừa có thể mua về làm quà được.

Chè củ mài

Củ mài vốn là một món ăn dân dã nhưng qua năm tháng đã được lên thành hàng đặc sản. Tại lễ hội chùa Hương, bạn có thể tìm thấy món chè củ mài tại bất cứ hàng quán nào. Chè củ mài có vị thanh mát, bên trên bát chè thường được các cô hàng thái những miếng củ mài mỏng bày lên trang trí.

Leo chùa Hương, lúc mỏi chân, chỉ cần ghé vào một quán bất kỳ, gọi một bát chè củ mài ăn là cảm giác như cái mệt bay đi đâu mất. Chè củ mài nấu nhạt, múc thìa chè sóng sánh, bên trên có thêm vài lát củ mài mỏng mới thấy hóa ra món ăn dân dã cũng có cái thi vị riêng.

Chè củ mài có giá bình dân, từ 5-10 nghìn đồng một bát. Ngoài ra bạn còn có thể mua củ mài hấp sẵn nếu muốn chắc dạ hơn. Còn nếu muốn mua làm quà hãy chọn củ mài tươi để về tự luộc ở nhà.

Rau sắng

Rau sắng là một đặc sản nổi tiếng của vùng đất chùa Hương. Loại rau này còn có tên khác là rau mì chính hay cây rau ngót rừng... Rau sắng có vị ngon, ngọt, lá rau mềm thơm, thường được nấu với thịt, cá, tôm.

Ảnh: Đỗ Thảo/ Lao Động

Tuy nhiên nhiều người cho rằng rau sắng nấu suông với chút muối lại là ngon nhất vì giữ nguyên được mùi vị của rau. Mùi vị thơm ngon lại giàu dinh dưỡng nên rau sắng được nhiều người yêu thích. Do đó, giá loại rau này không rẻ, lúc cao điểm có thể lên đến cả trăm ngàn/kg.

Ảnh: Đỗ Thảo/ Lao Động

Bánh củ mài ngũ cốc

Một loại bánh mới xuất hiện chừng vài năm gần đây ở chùa Hương nhưng rất được lòng du khách đó chính là bánh củ mài ngũ cốc. Loại bánh này có màu nâu nhạt, vị thơm, giòn tan. Đặc biệt, bánh củ mài ngũ cốc được làm ngay tại điểm bán. Khách mua bánh có thể đứng nhìn bánh chạy ra từ máy, được người bán cắt thành từng miếng vừa ăn cho vào túi.

Món bánh này ngọt nhẹ, cắt miếng vừa ăn, giá lại rất rẻ, chỉ 5 đến 10 ngàn/ túi nhỏ, rất hợp để ăn vặt trên đường hay mua về làm quà cho tụi trẻ con ở nhà. Bánh củ mài ngũ cốc làm đến đâu bán đến đấy nên luôn giòn.

mitzinzin

conniela90

Mơ chùa Hương

Thật khéo, mùa hội chùa Hương cũng chính là mùa mơ chín. Đi thuyền qua suối Yến, du khách có thể ngắm những cây mơ trĩu quả hai ven đường. Mơ chùa Hương vốn nổi tiếng với vị chua dịu, cùi dày, hạt nhỏ, quả nào quả nấy căng mọng, thơm phức. Du khách về dự lễ hội thường mua mơ về làm quà, làm mứt, ngâm rượu hay ngâm đường làm nước giải khát.

Mơ chùa Hương nổi tiếng nhất phải kể đến mơ làng Yến Vĩ – mảnh đất của những quả mơ căng mọng thơm ngon. Đầu vụ mơ chưa có nhiều và hãy còn đắt để mua về ngâm nhưng nếu mua lấy một vài lạng mà nhâm nhi trên đường leo lên động thì kể cũng khá thú vị.

Các loại bánh

Đến chùa Hương tham quan, không ít người cảm thấy choáng ngợp với những gian hàng to, rộng bày bán các loại bánh kẹo từ củ mài, rau sắng. Ở đó, kẻ bán người mua tấp nập, cộng thêm cả những chiếc loa phát những câu quảng cáo vui tai như “Muốn cho da trắng tóc dài, về đây ăn bánh củ mài mật ong” khiến không khí quanh cách gian hàng càng náo nức.

Bánh củ mài được chế biến nhiều hương vị như củ mài rau sắng, củ mài mật ong, củ mài khoai môn, phù hợp với thị hiếu khách hàng. Ngoài bánh củ mài, ở đây cũng bán cả những món bánh kẹo khác như kẹo lạc, kẹo dồi, bánh cu đơ… Giá một gói trung bình từ 10 đến 20 ngàn, tuỳ loại, nhìn chung đủ rẻ để không phải tính toán nhiều khi mua về làm quà.

Ngoài ra, một số món khác bạn có thể mua về làm quà như một số vị thuốc: gừng gió, cây mật gấu... nhưng nên nhờ mặc cả và nhờ người có kinh nghiệm chọn giúp.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU