Mới 6 tuổi, bé gái ở Hà Nội đã... dậy thì

Đưa con vào viện khám vì thấy con gái có biểu hiện vú 2 bên to bất thường, gia đình bất ngờ khi nhận kết quả con gái dậy thì sớm.

 

Khi nào trẻ được coi là dậy thì sớm?

Giai đoạn dậy thì ở trẻ giống như một chuyến "tàu lượn siêu tốc" với những sự thay đổi thất thường, nhanh chóng về cảm xúc, thể chất lẫn hành vi của trẻ. Điều đáng nói là nếu trẻ bước vào tuổi dậy thì khi còn quá nhỏ thì mọi vấn đề càng trở nên rắc rối và phức tạp hơn. Đây cũng là nỗi ám ảnh của không ít bậc phụ huynh học sinh.

Dậy thì sớm là sự phát triển đặc tính sinh dục trước 9 tuổi ở bé trai và trước 8 tuổi ở bé gái (hoặc có kinh nguyệt trước 9,5 tuổi ở trẻ gái). Những năm gần đây, tỷ lệ bé gái dậy thì sớm gia tăng, sau đây là những nguyên nhân của tình trạng bệnh lý này:

- Dậy thì sớm ở trẻ em được phân loại thành dậy thì sớm trung ương (tức dậy thì sớm thực sự): Do hoạt động sớm của trục hạ đồi - tuyến yên - sinh dục, phụ thuộc hormone hướng sinh dục.

- Dậy thì sớm ngoại biên (hoặc dậy thì sớm giả): Độc lập với sự kích thích của tuyến yên và không phụ thuộc hormone hướng sinh dục.

- Dậy thì sớm 1 phần (không hoàn toàn): Phát triển sớm và riêng lẻ 1 đặc tính sinh dục thứ phát.

- Dậy thì sớm nhanh: Thường gặp ở trẻ gái 8 - 10 tuổi có cân nặng và chiều cao tiến triển nhanh so với tuổi và ít ảnh hưởng chiều cao cuối cùng nếu có kinh nguyệt sớm.

Nhận biết trẻ dậy thì sớm qua dấu hiệu nào?

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc, trẻ dậy thì sớm nhưng kiến thức lại chưa đầy đủ nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Các bậc phụ huynh cần lưu ý giai đoạn này của trẻ để nhận biết sớm dấu hiệu dậy thì từ đó có phương pháp giáo dục trẻ phù hợp. Các dấu hiệu điển hình có thể gặp là:

- Tăng tốc độ phát triển chiều cao (có thể phát triển chiều cao trước khi phát triển vú).

- Phát triển tuyến vú, thường ở 1 bên, đôi khi ở cả 2 bên, đây là biểu hiện dễ gặp nhất.

- Lông mu, lông nách xuất hiện.

- Kinh nguyệt.

- Trứng cá có thể xuất hiện với số lượng ít hoặc trung bình.

- Thay đổi về tâm lý: Bắt đầu có xu hướng tách khỏi bố mẹ, quan tâm đến bản thân, hay so sánh mình với những bạn cùng tuổi khác, chủ yếu chơi với bạn cùng giới. Đặc biệt, hay mơ mộng, lý tưởng hóa đặt ra những mục tiêu không thực tế, chưa có khả năng kiểm soát bản thân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ em như yếu tố di truyền, nội tiết, môi trường sống, chế độ ăn uống, điều kiện sống trong gia đình… và các bệnh lý khác của cơ thể.

Nguyên nhân nào gây dậy thì sớm ở trẻ?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ em như yếu tố di truyền, nội tiết, môi trường sống, chế độ ăn uống, điều kiện sống trong gia đình… và các bệnh lý khác của cơ thể. Trong đó, sẽ rất nguy hiểm nếu nguyên nhân từ u não, u ác tính tuyến sinh dục…

Do trẻ dậy thì sớm, chức năng sinh sản bước đầu được hoàn thiện nên có nguy cơ đối mặt với xâm hại tình dục, thậm chí có thai hoặc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, nếu không được trang bị kiến thức về tránh thai và bảo vệ bản thân. Những biến đổi sinh lý trên cơ thể này cũng gây nhiều hoang mang lo lắng, ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của sau này trẻ.

Vì vậy, bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc khuyến cáo: Phụ huynh hãy chú ý con mình hơn ở độ trước dậy thì, đặc biệt cần dạy trẻ tự ý thức được việc theo dõi, chăm sóc bản thân. Khi thấy sự phát triển bất thường không nên ngại ngùng mà hãy tâm sự với bố mẹ, hoặc tham khảo ý kiến người lớn (bà, bác, dì, chị) ngay để có lời khuyên phù hợp. Bên cạnh đó, các phụ huynh cần thường xuyên quan tâm tới sự thay đổi của con em mình để phòng tránh các tác hại do việc dậy thì sớm gây nên.

Đồng thời, khi trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín kiểm tra hoặc thực hiện các xét nghiệm các hormone hướng dục để kiểm tra vấn đề dậy thì sớm ở trẻ.

 

Link gốc: https://vtv.vn/suc-khoe/moi-6-tuoi-be-gai-o-ha-noi-da-day-thi-20201222151552587.htm?fbclid=IwAR3CFh7SOOXzqRm3VrTyCnL-j2YEGIMz5kYDgc38r8JSuwBQMCTzOXwDvQ8

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU