Nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

(lamchame.vn) - Năm 1910, Đại hội phụ nữ thế giới lần thứ 2 được triệu tập ở Copenhagen (Ðan Mạch), 100 nữ đại biểu của 17 nước về dự đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ. Đến nay, ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ toàn cầu, đoàn kết để thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ.

Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 bắt nguồn từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Tuy vậy, bọn tư bản chủ nghĩa đã bóc lột phụ nữ và trẻ em bằng cách trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho chúng.

Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8/3/1857, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chicago và New York đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ.

2 năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Mỹ trong hãng dệt thành lập Công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi. Ngày 8/3/1899, nữ công nhân ngành dệt và ngành may ở Chicago đã tiến hành bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dầu bị bọn cầm quyền khủng bố dữ dội, chị em công nhân Chicago được công nhân toàn quốc ủng hộ vẫn không chịu lùi bước. Họ buộc chủ phải chấp nhận yêu sách của họ nhằm cải thiện điều kiện lao động và sinh hoạt.

Cuộc biểu tình lịch sử ngày 8/3/1899

Chính cuộc đấu tranh ấy đã cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, đặc biệt là phụ nữ ở Đức - một nước đã đạt đến trình độ kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Từ phong trào này đã xuất hiện hai nữ chiến sĩ lỗi lạc là bà Clara Zetkin (người Ðức) và bà Rosa Luxemburg (người Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bà Nadezhda Krupskaya (vợ của lãnh tụ Lenin) vận động thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào. Bà Clara Zetkin được bầu làm Bí thư.

Ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York (Mỹ) để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn và hủy bỏ việc bắt trẻ em làm việc. Khẩu hiệu của họ là "Bánh mì và Hoa hồng" (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm về kinh tế gia đình còn hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn.

Từ trái sang: Bà Clara Zetkin, bà Rosa Luxemburg và bà Nadezhda trong Ban Thư ký quốc tế phụ nữ

Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới, năm 1910, Đại hội phụ nữ thế giới lần thứ 2 được triệu tập ở Copenhagen (Thủ đô Ðan Mạch), 100 nữ đại biểu của 17 nước về dự, đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã không ngừng đấu tranh trên toàn thế giới, cũng là ngày đoàn kết đấu tranh tranh đòi quyền lợi của phụ nữ và trẻ em với những khẩu hiệu:

- Ngày làm 8 giờ.

- Công việc ngang nhau, tiền lương ngang nhau.

- Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

Từ đó, ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

Nội dung ngày quốc tế phụ nữ 8/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm mới là "phát triển", "Giới". Vấn đề phụ nữ đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và đánh giá một các đầy đủ trên những khía cạnh khác nhau thông qua một loạt các hội nghị thế giới. Từ thập niên 70 đến nay, đã có 4 hội nghị thế giới về phụ nữ:

-Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại Mexico năm 1975, mở đầu thập kỷ phụ nữ.

-Hội nghị lần thứ hai tổ chức tại Côpenhagen (Ðan Mạch) năm 1980.

-Hội nghị lần thứ ba tổ chức tại Nairobi (Kenya) năm 1985. Tại hội nghị này "Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ" đã được thông qua.

-Hội nghị lần thứ tư tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995 hướng tới mục tiêu Bình đẳng-Phát triển-Hòa bình vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Biểu tượng ngày Quốc tế phụ nữ 2019

Chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2019 là #BalanceForBetter (Cân bằng để tốt hơn) kêu gọi mọi người cùng xây dựng một thế giới cân bằng giới, nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ và nam giới trong việc tạo dựng các hoạt động tương lai dựa trên sự bình đẳng.Cân bằng không phải là vấn đề của phụ nữ mà là vấn đề chung cần đưa ra trong các chương trình nghị sự: Đây là cuộc đua hướng đến các ban quản lý doanh nghiệp cân bằng giới, chính phủ cân bằng giới, truyền thông cân bằng giới, cân bằng giới trong nhân viên, cân bằng giới trong sự thịnh vượng, thể thao, cân bằng giới để phát triển kinh tế, cộng đồng…

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU